Chuyên gia Mỹ:

Nếu không tiến bộ về chống rửa tiền, Việt Nam sẽ hứng hậu quả

Quy trình rửa tiền điển hình.
Quy trình rửa tiền điển hình.
TP - Năm sau, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về phòng chống rửa tiền sẽ thực hiện đánh giá quốc gia đối với hiệu quả phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Nếu bị đưa vào danh sách đen, Việt Nam sẽ chịu nhiều hậu quả.

Đó là khuyến cáo mà bà Nancy Langston, cựu công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ và là chuyên gia trong lĩnh vực chống rửa tiền, thu hồi và quản lý tài sản thất thoát, đưa ra trong buổi trao đổi với báo chí chiều 10/1 tại Hà Nội. Bà Langston cho rằng, quan chức tham nhũng và những kẻ buôn bán ma túy đều là tội phạm, đều sử dụng những cách thức chung để biến tiền bẩn thành tiền có vẻ sạch. Vì thế, việc theo dõi đường đi của những nguồn tiền đó sẽ tìm ra nguồn gốc.

Bà Langston cho biết, tội phạm và quan tham mất nhiều thời gian và công sức để tập hợp một nhóm người có thể tin cậy nhằm che giấu tiền của họ. Họ phải thuê kế toán, luật sư, thư ký, đại diện ở nước ngoài như Panama để lập ra doanh nghiệp trá hình… để đưa tiền đi lòng vòng, qua rất nhiều tầng lớp nhằm che giấu nguồn gốc bẩn của tiền. Có những kẻ còn sử dụng các quỹ từ thiện để rửa tiền, nhưng tiền bẩn vẫn là tiền bẩn. Khi tội phạm hay quan tham mở thẻ tín dụng, đưa tiền vào tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, mua bán bất động sản, ô tô, tài sản đắt tiền… đều bị lưu thông tin trong hồ sơ của ngân hàng, của các đại lý.

Từ những năm 1980, những kẻ buôn bán ma túy chuyển tiền vào ngân hàng rồi sau đó rút ra đột ngột với số lượng lớn khiến các ngân hàng lao đao. Vì thế, các nước thuộc nhóm G7 đã họp lại để tìm ra biện pháp ngăn chặn những khoản tiền từ buôn bán ma túy làm ảnh hưởng nền kinh tế. Từ đó, đề ra quy định các ngân hàng phải biết khách hàng của mình là ai. Vì thế, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về phòng chống rửa tiền (FATF) ra đời năm 1989. Việt Nam đang là thành viên của tổ chức liên chính phủ này.

Theo quy định của FATF (trụ sở tại Paris), các ngân hàng có nghĩa vụ nắm thông tin cơ bản về khách hàng của mình để phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Ví dụ, những người làm nghề khó kiếm ra nhiều tiền nhưng lại liên tục gửi những khoản tiền lớn vào ngân hàng sẽ bị ngân hàng đưa vào báo cáo gửi lên Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ phân tích những thông tin này để quyết định có thông báo với cơ quan điều tra hay không. Báo cáo các giao dịch đáng ngờ này rất hữu ích đối với các cơ quan thực thi pháp luật, nhưng không thể sử dụng làm chứng cứ tại tòa án vì đây đều là báo cáo mật. Nếu được báo cáo, cảnh sát sẽ kiểm tra hồ sơ của ngân hàng để tìm ra dấu hiệu bất thường. FATF theo dõi hồ sơ dòng tiền chuyển từ nước này sang nước khác để xây dựng sơ đồ kết nối nhằm tìm ra đường đi của tiền.

Tín hiệu tốt từ Việt Nam

FATF thực hiện định kỳ các báo cáo quốc gia để đánh giá năng lực của mỗi nước thành viên trong phòng chống rửa tiền. Năm 2018, FATF sẽ thực hiện đánh giá quốc gia đối với Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khu vực khác.

Nếu không tiến bộ về chống rửa tiền, Việt Nam sẽ hứng hậu quả ảnh 1

Chuyên gia chống rửa tiền Nancy Langston trao đổi với phóng viên ngày 10/1 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh

FATF sẽ đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam thực hiện các báo cáo giao dịch đáng ngờ như thế nào, đánh giá lực lượng cảnh sát điều tra những vụ việc liên quan tài chính, kinh tế như thế nào. Họ sẽ làm việc với cơ quan kiểm sát của Việt Nam để xem xét hiệu quả trong việc khởi tố những vụ án liên quan rửa tiền đến đâu. Họ cũng đánh giá việc xử lý các vụ án tham nhũng để cuối cùng đưa ra đánh giá tổng thể về hiệu quả phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam so với các quốc gia khác.

Bà Langston khuyến cáo, nếu bị đánh giá không tốt, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách đen. FATF sẽ gửi báo cáo của họ đến các tổ chức tài chính trên thế giới, các ngân hàng đầu tư tài chính để thông báo Việt Nam không kiểm soát được vấn đề rửa tiền, không thực thi hữu hiệu các quy định trong lĩnh vực này cũng như không có cải thiện gì để phòng chống rửa tiền. Họ sẽ khuyến cáo các thể chế tài chính trên toàn thế giới phải chặt chẽ hơn với các giao dịch tài chính, ngân hàng liên quan Việt Nam. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các ngân hàng có thể sẽ không muốn có quan hệ hợp tác với Việt Nam, các công ty nước ngoài có thể ngừng giao dịch với các ngân hàng Việt Nam.

Một số nước đã chịu hậu quả khi bị lọt vào danh sách đen này, như Indonesia năm 1990. Indonesia sau đó phải thực hiện nhiều biện pháp khắc phục, nhưng hậu quả để lại phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là chính phủ Việt Nam đã được thông tin đầy đủ và đang chuẩn bị cho chuyến làm việc của nhóm chuyên trách, bà Langston cho biết.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.