Nếu Mỹ tiếp tục tấn công Syria, Nga có ‘khoanh tay đứng nhìn’?

Ảnh: Dailystar
Ảnh: Dailystar
TPO - Đây chính là vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất trong những ngày qua, sau khi những động thái từ Nhà Trắng cho thấy, dường như Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc tấn công mới nhằm vào quốc gia có chủ quyền Syria.

Kịch bản lặp lại

Ngày 4/4/2017, một cuộc tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học nghiêm trọng đã xảy ra ở thị trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh miền trung Idlib của Syria giết chết ít nhất 72 dân thường, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và kêu gọi hành động nhanh chóng của cộng đồng quốc tế.

Các quốc gia phương Tây cáo buộc chính quyền Syria đứng sau các vụ tấn công này, nhưng Damascus bác bỏ, và Nga cũng cho rằng, quân đội Syria chỉ tấn công trúng kho sản xuất vũ khí hóa học của bọn khủng bố.

Trong khi tranh luận còn chưa ngã ngũ, thì rạng sáng ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump đã phát lệnh tấn công vào vị trí quân chính phủ Syria. Hải quân Mỹ từ biển Địa Trung Hải đã phóng một loạt 59 tên lửa Tomahawk vào sân bay Shayrat của quân đội Syria. Ít nhất 15 máy bay chiến đấu bị phá hủy hoặc hư hỏng, các thùng nhiên liệu bốc cháy. 

Theo Tổng thống Mỹ, cuộc tấn công này phục vụ “lợi ích an ninh quốc gia tối quan trọng” của Mỹ, và lên án chính quyền Assad đã tàn sát dân thường Syria một cách dã man.

Nhà Trắng hồi đầu tuần này cũng đã bất ngờ ra tuyên bố cho biết, “chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công hóa học tương tự vụ tấn công hồi 4/4”.

Đi kèm tuyên bố trên, Washington đồng thời đưa ra cảnh báo đanh thép đối với Tổng thống Assad và quân đội nước này là “sẽ phải trả giá đắt” nếu điều đó thực sự xảy ra.

Trước đó, hôm 18/6, không quân liên minh do Mỹ dẫn đầu bắn hạ chiếc máy bay ném bom Su-22 của Syria phía tây nam tỉnh Raqqa. Hai ngày sau, máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái do Iran sản xuất gần biên giới của Syria, Iraq và Jordan.

Có thể thấy, sau sự kiện phóng hàng loạt tên lửa hành trình xuống căn cứ quân sự Syria, Washington dần lấn sâu hơn vào nội chiến Syria, rời xa mục đích ban đầu là tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế lo ngại, khả năng một cuộc tấn công mới của Mỹ nhằm vào quân đội chính phủ Syria có thể diễn ra trong một sớm một chiều, thậm chí quy mô hơn ngày 7/4.

Israel thổi lửa vào chiến trường Syria

Ngày 24/6, Israel cáo buộc quân đội Syria đã bắn 10 quả đạn vào khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Ngay lập tức, chính quyền Israel đã tiến hành một loạt các hoạt động đáp trả bằng cách tấn công vào một số mục tiêu quân sự của Syria.

Việc không kích Syria giúp chính phủ Israel đạt được nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, động thái này giúp Israel kiềm chế sự can thiệp sâu hơn của Iran vào cuộc chiến tại Syria. Đồng thời, ngăn chặn Iran thiết lập căn cứ quân sự tại Syria và trang bị các loại vũ khí tiên tiến cho lực lượng Hezbollah-lực lượng ủng hộ chính phủ Syria.

Đồng thời, động thái này của Israel nhằm dọn đường cho chính quyền Tel Aviv trực tiếp can thiệp bằng quân sự vào Syria trong thời gian tới.

Hành động của quân đội Israel cộng với việc Mỹ liên tiếp có các hoạt động quân sự tại chiến trường Syria, càng là minh chứng cho thấy cuộc xung đột tại Syria đã bước sang giai đoạn mới với sự tham dự trực tiếp bằng quân sự của phương Tây.

Nga phản ứng mạnh mẽ

Là đồng minh lâu năm của Syria, Nga công khai ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, coi Syria là nơi có thể phục hồi ảnh hưởng của Liên Xô, kể cả ở Trung Đông.

Tuy nhiên, cân nhắc như vậy luôn có tầm quan trọng thứ yếu so với quyết tâm của Nga trong việc bảo vệ Syria như một quốc gia thống nhất. Đối với Nga, Iraq và Libya là những ví dụ về những gì mà Syria cần phải tránh lặp lại.

Không ngẫu nhiên mà sau khi Nhà Trắng cáo buộc “chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công hóa học tương tự vụ tấn công hồi 4/4”, Moscow khẳng định tuyên bố trên của Washington đặt nền tảng cho sự xâm lược quân sự chống lại nước Syria có chủ quyền.

Andrei Krasov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma về Quốc phòng Liên bang Nga, nhấn mạnh: “Người Mỹ cần phải bằng cách nào đó biện minh cho cuộc tấn công chống lại một nước có chủ quyền, và vì vậy họ chuẩn bị nền tảng cho điều đó”.

Theo Nghị sĩ Krasov, Mỹ thường xuyên sử dụng tin tức giả để “làm mất ổn định tình hình ở một số quốc gia”, ví dụ như sự kiện ở  Iraq với “bột trắng trong ống nghiệm”.

“Không có gì mới cả. Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế phải lên án những hành động thiếu suy nghĩ của chính quyền Mỹ”, chính trị gia Nga nhấn mạnh.

Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin ngày 27/6 cũng chỉ trích tuyên bố của Nhà Trắng về khả năng Syria phát động vụ tấn công hóa học và lời đe dọa đến chính quyền Assad.

“Chúng tôi đã nghe nói về tuyên bố này và chúng tôi không biết căn cứ để đưa ra phát ngôn đó là gì. Và dĩ nhiên, chúng tôi không đồng ý với cụm từ “một cuộc tấn công khác” trong thông báo của Mỹ”, ông Dmitry Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh, những lời đe dọa của chính quyền Donald Trump đối với lãnh đạo chính thống của Syria, Tổng thống Bashar al-Assad, là không thể chấp nhận được.

Trong một động thái nhằm chứng minh sự ủng hộ của Nga đới với chính quyền Damascus. Ngày 27/6,  Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov đã đón tiếp Tổng thống Assad tại căn cứ không quân Hmeymim, nơi lực lượng không quân Nga đang đồn trú.

Tại đây, Tổng thống Syria tham quan căn cứ và tiếp cận nhiều vũ khí tối tân của Nga cũng như ngồi trên cabin chiến đấu cơ Su-35 của Nga.

Phòng không nào của Nga sẽ khai hoả nếu Mỹ tấn công

Sau các động thái của Mỹ và đồng minh, Nga tuyên bố ngừng thực hiện Thỏa thuận về ngăn ngừa va chạm và đảm bảo an toàn bay hàng không trong quá trình các chiến dịch ở Syria đã được ký kết với Mỹ.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ từ ngày 19/6, bộ này sẽ đình chỉ kênh liên lạc với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ về ngăn ngừa đụng độ và an toàn bay khi thực hiện các chiến dịch không kích tại Syria, đồng thời yêu cầu Bộ Tư lệnh Mỹ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và thông báo kết quả cũng như các biện pháp đã tiến hành. 

Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra cảnh báo, rằng tất cả máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, nếu bị Lực lượng Không quân Nga phát hiện tại các khu vực ở phía Tây sông Euphrates, sẽ bị coi là các "mục tiêu" trên không và bị lực lượng phòng không Nga cùng các máy bay bám theo. 

Nếu như phòng không Nga “án binh bất động” trong cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ vào Syria hôm 7/4, thì những động thái mới đây của Moscow dường cho thấy, Nga sẽ không đứng ngoài cuộc nếu an ninh Syria bị đe doạ.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, các hệ thống phòng không S-400, S-300 và tổ hợp Pantsir-S1 đủ sức bảo vệ lực lượng quân đội Nga và Syria ở các căn cứ quân sự trọng yếu trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Thượng viện Nga, ông Viktor Ozerov cũng xác nhận, căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria và trạm hậu cần của Hải quân Nga tại Tartus được đảm bảo tin cậy bằng các tổ hợp S-300 và S-400 từ mặt đất, từ trên không và từ biển.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.