Nga tăng 'mắt thần' giám sát không phận Syria bằng tên lửa BUK

Hệ thống phòng không S-400 của Nga ở căn cứ Latakia, Syria. Ảnh: AFP.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga ở căn cứ Latakia, Syria. Ảnh: AFP.
Nga tăng cường giám sát bầu trời Syria, đặc biệt là khu vực giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ khi thêm các hệ thống phòng không tiên tiến như SA-17.

Hồi đầu tháng, Nga đã đưa hệ thống tên lửa BUK (SA-17) tới sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu dùng radar tên lửa để dò quét, khóa mục tiêu các chiến đấu cơ Mỹ, một động thái bị các quan chức Mỹ đánh giá là "khiêu khích trực tiếp và nguy hiểm", theo Bloomber. Các giàn tên lửa BUK tầm ngắn này được các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa chiến lược S-400 tại căn cứ Latakia phía tây bắc Syria hỗ trợ.

Nga sau đó bắt đầu dội bom quân nổi dậy ở khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chiến đấu cơ Mỹ tiến hành các cuộc không kích ở những nơi khác.

Theo trang phân tích an ninh, quốc phòng Stratfor, từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria từ cuối tháng 9, Mỹ không hoàn toàn tiết lộ chi tiết các kế hoạch bay cho Nga. Hai bên đều triển khai các hệ thống điều phối không kích riêng rẽ trong khu vực của mình và tăng cường sử dụng các phương thức liên lạc để tránh sự cố.

Để tránh va chạm, Mỹ chỉ thông báo cho Nga về khu vực rộng nơi máy bay của họ đang hoạt động cùng các thông tin về thời gian và thời lượng các chuyến bay, nhưng không tiết lộ chủng loại và số lượng chiến đấu cơ triển khai. Về cơ bản, các hệ thống tên lửa phòng không Nga không thể phân biệt được chiến đấu cơ Mỹ và máy bay các nước khác hoạt động trong những khu vực nhất định ở Syria.

Chuyên gia phân tích quốc phòng và đối ngoại Josh Rogin của Bloomberg cho rằng đây có thể là lý do radar các giàn tên lửa BUK của Nga khóa mục tiêu máy bay Mỹ hoạt động ở miền bắc Syria, để xác định xem đó có phải máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Sau vụ Su-24 bị bắn rơi, Nga đã áp dụng các biện pháp phòng không chủ động như rà quét, khóa mục tiêu máy bay chưa được nhận dạng, sẵn sàng gây nhiễu hoặc đánh chặn nhằm ngăn chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Syria.

Theo ông Rogin, các biện pháp phòng không chủ động này đã cản trở Mỹ và liên quân hoạt động trong khu vực, làm dấy lên nguy cơ xảy ra tai nạn và leo thang căng thẳng. 

Tuy nhiên Steve Warren, người phát ngôn tại căn cứ quân sự ở Baghdad, Iraq, lại khẳng định họ không gặp cản trở gì với các hệ thống phòng không của Nga.

"Chúng tôi đã thảo luận cởi mở về việc những hệ thống phòng không của Nga và Syria xuất hiện ở miền bắc Syria. Tôi có thể nói rằng chúng không gây gián đoạn đáng kể đến hoạt động của chúng tôi", AFP dẫn lời ông Warren nói. "Chúng tôi không kích ở tây bắc Syria liên tục".

Nga tăng 'mắt thần' giám sát không phận Syria bằng tên lửa BUK ảnh 1

Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần BUK của Nga. Ảnh: Sputnik.

Gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ

Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ ở Syria, cho rằng việc Nga điều lực lượng tên lửa tiên tiến lên phía bắc Syria còn có một mục đích khác, đó là gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga hôm 24/11. Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm tới khu vực ở Syria có mật danh "Box 4", vốn là hành lang Azaz nằm ở phía tây sông Euphrates dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là địa bàn hoạt động của các nhóm phiến quân nổi dậy thân Ankara.

Giới phân tích cho rằng việc Nga tăng cường triển khai các giàn tên lửa BUK được yểm trợ bởi tên lửa S-400 dọc biên giới phía bắc Syria đã làm phá sản hoàn toàn tham vọng thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ ấp ủ lâu nay.

Theo Stratfor, Ankara được cho là đang hợp tác với Washington để hỗ trợ cho các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ dọc khu vực trải dài từ thành phố biên giới Azaz tới sông Euphrates. Cuộc tấn công này là nhằm mục đích đẩy lùi IS, ngăn chặn sự mở rộng của lực lượng người Kurd và tăng cường cho các lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, không có sự yểm trợ hiệu quả từ trên không của liên quân và phải chịu áp lực từ các cuộc không kích của Nga, lực lượng nổi dậy Syria sẽ có thể bị suy yếu nhanh chóng, thậm chí phải dừng cuộc tấn công được lên kế hoạch sắp tới.

"Người Nga làm vậy là để dồn ép Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này cũng gây rắc rối cho chương trình hỗ trợ các nhóm nổi dậy của CIA", ông Ford nói.

Các quan chức của chính quyền Mỹ hiện đang thảo luận nên làm gì tiếp theo. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi họ gặp nhau hôm 14/12 và Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ tướng John Dumford đã thảo luận với đối tác Nga, theo lời Tim Smith, phát ngôn viên Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM). Thiếu tá Smith cho rằng các hệ thống phòng không tiên tiến tăng cường của Nga ở Syria "làm phức tạp thêm chiến dịch không kích của liên minh chống IS toàn cầu".

"Nga đang cố gắng tạo ra một khu vực mà chiến đấu cơ Mỹ chỉ được cất cánh khi được họ cho phép. Nga đang dần hình thành một vùng quân sự ở phía bắc Syria, thách thức nỗ lực của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, bằng các hành động của mình", Matthew McInnis, chuyên gia phân tích ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG