Nga thay đổi chiến lược quân sự đối phó NATO

Binh sĩ Nga tại Crimea hồi tháng 3. Ảnh: AP
Binh sĩ Nga tại Crimea hồi tháng 3. Ảnh: AP
TP - Mátxcơva sẽ thay đổi chiến lược quân sự để đối phó cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sự hiện diện của NATO ngay sát biên giới của Nga ở Đông Âu, một quan chức cấp cao của Nga hôm qua cho biết.

Cố vấn Điện Kremlin, ông Mikhail Popov nói rằng, quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ và NATO sẽ được phản ánh trong chiến lược mới của Nga. Hãng tin Nga Ria-Novosti dẫn lời ông Popov, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nói rằng “cấu trúc quân sự của các quốc gia thành viên NATO” đang “tiến gần biên giới của Nga, trong đó có cả việc mở rộng quy mô”, hành động của NATO là một trong những “mối đe dọa từ bên ngoài” lớn nhất đối với Nga. 

“Hành động trong kế hoạch của NATO là bằng chứng cho thấy lãnh đạo Mỹ và NATO khao khát tiếp tục chính sách làm trầm trọng thêm căng thẳng với Nga”, ông Popov nói. Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ chi tiết của chiến lược mới.

Trước đó, NATO hôm 1/9 thông báo sẽ tăng cường hiện diện ở Đông Âu để bảo vệ các thành viên. Khối này sẽ triển khai kế hoạch nhằm tăng cường hiệu quả của lực lượng phản ứng nhanh gồm nhiều ngàn quân nhằm bảo vệ các quốc gia thành viên ở Đông Âu. 

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thông báo, lực lượng phản ứng nhanh được tạo thành từ lực lượng luân phiên của các nước thành viên, sẽ được huy động chỉ trong vòng 48 giờ. Trang thiết bị và đồ tiếp tế quân sự sẽ được đặt trước tại các quốc gia thành viên ở Đông Âu nhằm giúp lực lượng này “di chuyển nhanh, nhưng tấn công mạnh nếu cần thiết”, ông Rasmussen nói. 

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn vừa cho biết, khoảng 814.000 người Ukraine đã chạy sang Nga, trong đó 121.000 người đăng ký là người tị nạn hoặc tị nạn tạm thời kể từ đầu năm đến nay.

Tổng thư ký NATO khẳng định, kế hoạch này sẽ không vi phạm Đạo luật sáng lập NATO - Nga năm 1997, trong đó cấm thành lập các căn cứ lâu dài ở Đông và Trung Âu. Dự kiến, kế hoạch này được thông qua trong tuần này tại hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra ở xứ Wales.

NATO có 28 quốc gia thành viên, trong đó có một số nước Đông Âu như Ba Lan, Czech, nhưng không có Ukraine. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk vừa cho biết, mục tiêu của ông là hướng đất nước trở thành thành viên của NATO. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua nói rằng, việc đó sẽ làm hỏng nỗ lực đạt được thỏa thuận hòa bình với phe đối lập. Cuộc đối thoại giữa quan chức Ukraine, đại diện quân nổi dậy và phái viên của Nga hôm 1/9 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Quân đội Ukraine thất thế

Quân đội Ukraine buộc phải rút lui sau hàng loạt chiến thắng của phe đối lập ở thành phố Luhansk, Donetsk và khu vực quanh cảng Mariupol xa hơn về phía Nam. Hôm 1/9, quân đội Ukraine phải rút khỏi sân bay Luhansk sau khi bị nhiều xe tăng của phe đối lập tấn công. 

Quan chức điều hành tạm quyền của vùng Luhansk Irina Verihina phát biểu trên truyền hình Ukraine rằng, lực lượng của họ phải rút, nhưng đường băng của sân bay đã bị phá hủy hoàn toàn nên không máy bay nào có thể hạ cánh ở đó. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko hôm qua nói rằng, 15 quân nhân của họ bị giết và 49 người bị thương trong 24 giờ qua.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cáo buộc Nga “xâm lược trực tiếp và công khai”. Nhưng Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây là Mátxcơva đang cung cấp quân lính và trang thiết bị cho phe nổi dậy. 

Một quan chức Nga đáp trả những cáo buộc này, rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: “Nếu muốn, tôi có thể chiếm Kiev trong 2 tuần”, BBC đưa tin. Ông Putin được cho là đã nói câu này trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và được báo Ý La Repubblica đăng tải. Cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov phát biểu với báo giới rằng, dù Tổng thống Nga có nói như vậy hay không, việc trích dẫn câu nói là “không gắn với bối cảnh và mang nghĩa hoàn toàn khác”.

Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini hôm qua nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vào thứ Sáu tuần này. Hội nghị các ngoại trưởng EU sẽ đưa ra gói biện pháp trừng phạt nhằm vào 4 ngành của Nga, trong đó có quốc phòng và tài chính. 

“Tôi nghĩ các biện pháp trừng phạt mới là một phần của chiến lược chính trị. Chúng ta cần đáp trả theo cách mạnh mẽ nhất có thể”, bà Mogherini nói. Ngoại trưởng Ý là người sẽ đảm đương vị trí quan chức phụ trách ngoại giao của EU từ tháng 10 tới, sau khi bà Catherine Ashton mãn nhiệm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.