Nga - Trung và biển Đông

Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: Fox News
Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: Fox News
TP - Ngày 23/9, sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc lãnh đạo Nga nói không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện biển Đông, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) gửi cho Tiền Phong bài viết làm rõ nội dung tuyên bố đó và quan hệ Nga-Trung.

Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra tại Trung Quốc và có hai khía cạnh cần lưu ý. Thứ nhất, Nga không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ. Nga ủng hộ tự do hàng hải, bao gồm tự do bay phía trên vùng biển, và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thứ hai, Nga phản đối sự can thiệp của bên thứ ba ngoài khu vực vì sự can thiệp của họ, theo lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, “sẽ gây bất lợi và phản tác dụng”.

Tổng thống Putin nói ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài với lý lẽ rằng, phiên tòa diễn ra mà vắng mặt Trung Quốc hoặc không xem xét lập trường của Trung Quốc. Trên thực tế, ông Putin đã không được cung cấp đầy đủ thông tin về các tiến trình pháp lý được thiết lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều 9 Phụ lục VII quy định: “Khi một trong các bên trong vụ tranh chấp không ra Tòa Trọng tài hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu Tòa tiếp tục trình tự tố tụng và ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay việc một bên không trình bày các lý lẽ của mình không cản trở cho trình tự tố tụng. Trước khi ra phán quyết, Tòa Trọng tài cần phải biết chắc chắn rằng không những Tòa có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp mà còn chắc rằng đơn kiện có cơ sở về mặt thực tế và pháp lý”.

Về vấn đề thẩm quyền, Tòa đã quyết định xem các trao đổi không chính thức của Trung Quốc tương đương ý kiến phản đối thẩm quyền. Tòa đã tổ chức tranh tụng riêng về thẩm quyền và khả năng thụ lý diễn ra từ ngày 7 đến 13/7/2015, đặt câu hỏi cho Philippines cả trước và trong phiên tòa về thẩm quyền, bao gồm các vấn đề có thể chưa được nêu trong các trao đổi không chính thức của Trung Quốc và Tòa đã ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vào ngày 29/10/2015. Về vấn đề nội dung, Tòa đã tìm cách kiểm tra độ xác thực của các đệ trình của Philippines bằng cách yêu cầu nước này nộp thêm văn bản bổ sung. Tòa đã tổ chức phiên tranh tụng về riêng nội dung thực chất diễn ra từ ngày 24 tới 30/11/2015, đặt câu hỏi cho Philippines về các nội dung khởi kiện cả trước và trong phiên tranh tụng, chỉ định các chuyên gia độc lập để báo cáo cho Tòa về các vấn đề kỹ thuật. Toà cũng đã thu thập các ghi chép lịch sử, dữ liệu điều tra thủy văn về biển Đông, cung cấp các tài liệu này cùng các tài liệu liên quan cho các bên trong vụ kiện.

Trung Quốc được cung cấp nhiều cơ hội tham gia tiến trình pháp lý. UNCLOS quy định rõ rằng, nếu một bên tranh chấp từ chối tham gia vụ kiện, Tòa Trọng tài có thể phân xử mà không cần sự có mặt của bên đó. Trên thực tế, người đứng đầu Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã chỉ định một luật sư người Ba Lan đại diện cho Trung Quốc. Trong quá trình vụ kiện, Đại sứ của Trung Quốc tại The Hague, Hà Lan đã viết thư cho các thẩm phán của Tòa. Khi Trung Quốc ra Tuyên bố lập trường về vấn đề biển Đông, họ cũng gửi tài liệu này tới Tòa Trọng tài. Tòa Trọng tài công bố rõ ràng rằng, Tòa chấp nhận các tài liệu của Trung Quốc và sử dụng chúng để hiểu lập trường của Trung Quốc.

Tóm lại, Tòa Trọng tài thực sự có thẩm quyền xét xử vụ kiện và đơn kiện thực sự có cơ sở về mặt thực tế và pháp lý. Phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra ngày 12/7/2016 là chung thẩm (không thể kháng cáo, kháng nghị theo bất kỳ thủ tục nào), mang tính ràng buộc (Philippines và Trung Quốc phải tuân thủ).

Nga từng từ chối tham gia tiến trình pháp lý liên quan vụ bắt giữ tàu Arctic Sunrise của tổ chức Hòa bình Xanh (Green Peace) năm 2013. Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan phán quyết rằng, Nga phải thả thủy thủ đoàn Green Peace. Ban đầu, Nga tuyên bố Tòa án không có thẩm quyền xét xử vụ này. Nhưng cuối cùng, Nga cũng tuân thủ phán quyết bằng cách để một tòa án cấp thấp hơn ra lệnh thả thủy thủ đoàn.

“Vì ta cần nhau”

Cả Nga và Trung Quốc đều tuyên bố rằng, quan hệ song phương hiện ở mức tốt nhất từ trước tới nay, tin tưởng lẫn nhau ở mức cao chưa từng thấy. Quan hệ Nga-Trung dựa trên sự hội tụ chiến lược các quan điểm nhằm đẩy lùi Mỹ - nước muốn mở rộng NATO ở châu Âu và tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương. Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt với Nga đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này. Nga cần thị trường cho nguồn lợi năng lượng, đặc biệt là khí gas; Trung Quốc đã ký một hợp đồng lớn để nhập khẩu khí gas của Nga. Trung Quốc cũng là một thị trường béo bở đối với công nghệ và vũ khí Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn nghi ngờ về chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc…

MỚI - NÓNG