Người Mỹ gốc Việt đối phó quy định siết nghề nail

Người Mỹ gốc Việt đối phó quy định siết nghề nail
TP - Việc Mỹ áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hơn với các cửa hàng làm móng (nail) khiến nhiều cửa hàng phải tăng chi phí đầu tư, chi phí hoạt động, nhưng nhân viên được đảm bảo sức khỏe hơn.

Điểm dễ nhận thấy khi bước vào tiệm làm móng Fashion Nails của bà Mai Dang bên con phố đông đúc ở thành phố Berkeley, bang California vào tháng 1/2017 là sự thiếu vắng của mùi hăng hăng, nồng nồng của các loại dung dịch cùng nhiều dụng cụ, sản phẩm khác phục vụ đẹp móng tay, móng chân. Cả giai đoạn 10 năm trước đó, Mai Dang khốn khổ với tác dụng phụ của các loại hóa chất mà bà sử dụng hằng ngày trong công việc.

“Khi làm móng cho khách, chúng tôi bị ngứa da, chảy nước mắt”, bà Dang (40 tuổi) nói. Trước đây, bà thường xuyên bị đau đầu và một trong các nhân viên của bà bị hen suyễn. Vì vậy, không biết có cơ hội cải thiện điều kiện lao động ở tiệm nail của mình, bà coi đó là một việc cần làm ngay.

Một phòng khám cộng đồng có tên Asian Health Services (Dịch vụ Y tế châu Á) ở thành phố Oakland, bang California khởi động Chương trình Tiệm Nail Khỏe mạnh California, sau khi nhận thấy nhân viên các tiệm làm móng thường mắc bệnh giống nhau, Giám đốc kế hoạch và phát triển của phòng khám, người đồng sáng lập chương trình, bà Julia Liou, cho biết.

Hóa chất độc hại

Làm móng là một dịch vụ phát triển ở Mỹ, đem lại doanh thu xấp xỉ 8,5 tỷ USD năm 2015. Một số hóa chất được sử dụng trong các tiệm nail gây rối loạn về da và các bệnh về đường hô hấp, thậm chí có thể gây ung thư, sảy thai, khuyết tật thai nhi.

Formaldehyde và toluene là hai trong số nhiều loại hóa chất có trong các sản phẩm đánh bóng móng, keo dính, chất làm cứng… mà tiệm nail nào cũng dùng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ liệt kê ít nhất 20 loại hóa chất gây lo ngại như vậy.

Nhưng quy định của chính phủ trong việc bảo vệ nhân viên tiệm nail gần như không có. Vì thế, bà Liou cố gắng thuyết phục các chủ tiệm tự nguyện cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên.

“Chúng tôi không muốn tạo ra một nỗi sợ hãi kiểu ‘Ôi, tiệm nail đáng sợ quá, không nên vào’. Chúng tôi muốn tạo ra một không gian nơi cả chủ và khách có thể cảm thấy thoải mái và thực sự tạo ra một mô hình và ở đó, lợi nhuận còn là sức khỏe người lao động”, bà Liou giải thích.

Người Mỹ gốc Việt đối phó quy định siết nghề nail ảnh 1

Mai Dang, chủ tiệm làm móng Fashion Nails, đang làm móng cho khách. Bên cạnh là hệ thống thông gió di động. Ảnh: Health News

Các tiệm nail tham gia chương trình phải thay đổi đáng kể công việc kinh doanh của họ, bao gồm mua các loại dung môi, sơn móng tay, móng chân ít độc hại; cung cấp cho nhân viên găng tay, khẩu trang riêng khi họ sử dụng các sản phẩm nhất định; trang bị hệ thống thông gió di động…

“Khi làm móng giả, hệ thống thông gió sẽ hút mọi thứ trong không khí, nên nhân viên không phải hít thở hóa chất độc hại nữa”, bà Dang giải thích.

Tuy nhiên, việc mua hóa chất an toàn hơn cũng khiến chi phí tăng thêm khoảng 30%. Tính tổng thể, việc nâng cấp tiệm nail khiến bà Dang mất khoảng 3.000 USD (67 triệu đồng). Để bù đắp, bà tăng phí dịch vụ thêm 2 USD.

Khảo sát của chương trình cho thấy, 90% khách hàng sẵn sàng trả thêm ít nhất 1 USD cho dịch vụ làm móng có điều kiện lao động tốt hơn. Bà Dang cũng nói rằng, sau khi nâng cấp tiệm, khách đến đông hơn.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 120 trong tổng số hơn 8.000 tiệm nail ở California tham gia chương trình.

“Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân cốt lõi là hóa chất vẫn có mặt trong sản phẩm. Nếu chúng ta muốn thực sự cải thiện sức khỏe người lao động, chúng ta cũng cần các nhà sản xuất xem xét cách thức sản xuất những sản phẩm an toàn hơn”, bà Liou nói.

Mới đây, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cấp một khoản tiền cho chương trình để giúp các tiệm nail muốn nâng cấp.

Hồi tháng 9/2016, California thông qua luật giúp mở rộng chương trình ra toàn bang, bằng cách đào tạo các địa phương cách thức chứng nhận tiệm nail “xanh”.

Phản đối

Ngày 7/5/2015, báo Mỹ The New York Times đăng bài điều tra về điều kiện lao động ở các tiệm nail, trong đó phỏng vấn nhiều nhân viên, chủ yếu là người nhập cư Trung Quốc, Hàn Quốc. Theo đó, nhiều người bị xà xẻo tiền lương và phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.

Bài điều tra khiến Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, ban hành các quy định chặt chẽ hơn để quản lý dịch vụ làm móng. Năm 2016, bang New York ra lệnh cho 143 tiệm nail nộp tổng cộng 2 triệu USD tiền phạt và tiền lương trả chậm.

Giữa năm ngoái, Thống đốc Cuomo tuyên bố, tất cả các tiệm nail phải lắp đặt hệ thống thông gió trong vòng 5 năm để bảo vệ nhân viên khỏi hóa chất độc hại có trong các sản phẩm làm sạch, đánh bóng móng tay, móng chân.

Tuy nhiên, nhiều chủ tiệm nail ở New York phản đối bài báo của The New York Times. Họ cho rằng, bài điều tra không khách quan, phiến diện, làm ảnh hưởng công việc làm ăn của họ. 

Theo Chương trình Tiệm Nail Khỏe mạnh California, hơn 80% nhân viên các tiệm nail ở bang California là người Mỹ gốc Việt và hơn một nửa đang trong độ tuổi sinh sản.

Theo Theo National Public Radio, Politico
MỚI - NÓNG