Người Nhật, người Việt học hỏi, bổ sung cho nhau

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Furuta Motoo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Nhật, nói rằng, người Nhật Bản có kỷ luật cao, rất nguyên tắc, còn người Việt Nam rất linh hoạt, mềm dẻo, nên học hỏi lẫn nhau và bổ sung cho nhau.

Theo GS.TS Furuta Motoo, chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng và Hoàng hậu là một sự kiện tượng trưng cho mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Nhật Bản và Việt Nam. Chuyến đi thăm này sẽ thúc đẩy hợp tác và giao lưu trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đã và đang phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa... Lịch sử quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thực sự nổi bật từ những năm đầu 1990, nhưng số người Nhật Bản biết tiếng Việt vẫn chưa nhiều, cần thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai nước, ông Motoo nhận định.

Theo GS.TS Motoo, chuyến đi thăm các nước châu Á của Nhật hoàng Akihito gắn liền với việc cầu nguyện cho các vong linh không những chỉ binh sĩ Nhật Bản mà còn binh sĩ và thường dân các nước châu Á khác. Việt Nam, Nhật Bản đã trải qua chiến tranh ác liệt vào thế kỷ 20.

Theo vị giáo sư Nhật Bản, Việt Nam đang phải đương đầu những thử thách mới để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững đang trở thành một yêu cầu cấp bách. Trong bối cảnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao trong chiến lược phát triển đến năm 2025.

Trường Đại học Việt-Nhật được xây dựng theo mô hình đại học xuất sắc, hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam, góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mực tiêu của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, của nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung, GS.TS Motoo nói.

MỚI - NÓNG