60 năm chiến thắng phát xít Đức

Người phi công lái máy bay bằng một tay

Người phi công lái máy bay bằng một tay
Chiến công của Anh hùng phi công Ivan Leonov đã được ghi vào Sách kỷ lục thế giới Guinesse với tư cách là người lái máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới chỉ có một tay.
Người phi công lái máy bay bằng một tay ảnh 1
Anh hùng Ivan Leonov năm 1944

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc thần thánh của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức 1941 – 1945 đã sản sinh ra nhiều anh hùng huyền thoại.

Riêng trong binh chủng không quân, trước đây chúng ta chỉ biết tới anh hùng Maresev tuy bị thương cụt cả hai chân nhưng vẫn kiên trì khổ luyện để trở về đội ngũ chiến sĩ lái máy bay và lập thêm được nhiều chiến công mới trên bầu trời Tổ quốc. Kỳ tích anh hùng này đã được nhà văn B. Polevoi miêu tả trong tác phẩm “Chuyện một người chân chính”.

Mới đây, qua báo chí Nga chúng ta được biết thêm chiến công của anh hùng phi công Ivan Leonov vốn đã được ghi vào Sách kỷ lục thế giới Guinesse với tư cách là người lái máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới chỉ có một tay, không những thế, anh đã ba lần tưởng chết, vẫn còn sống và sống cho đến ngày nay.

* * *

Lần thứ nhất, chuyện đó xảy ra vào tháng 4/1942 ở gần Maxcơva. Sau khi tốt nghiệp trường lái máy bay ở Armavir, Leonov đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của mình trên chiếc máy bay tiêm kích “La GG – 3” để yểm hộ cho các máy bay ném bom của không quân Liên Xô.

Trong trận chiến đấu này, Leonov lần đầu tiên đã bắn rơi một máy bay địch “Ju – 88”. Nhưng lúc quay về, phi đội trưởng qua radio đã thông báo cho chàng phi công “lính mới tò te” biết rằng máy bay của anh bốc cháy, có lẽ bị dính đạn cao xạ. Leonov cố dập tắt ngọn lửa nhưng vô hiệu. Phi đội trưởng bèn ra lệnh cho anh nhảy ra khỏi máy bay. Leonov lao ra ngoài không trung nhưng do luống cuống nên mãi không thể lần ra được vòng mở dù. Và chỉ đến lúc anh rơi xuống cách mặt đất 300 mét thì dù mới mở…

Khi tiếp xúc với mặt đất, anh bị trẹo chân. Các chú bé người địa phương đã phải khiêng anh vào làng. Một bà lang do ông chủ tịch nông trang dẫn tới đã  nắn lại chỗ sai khớp cho anh. Mấy hôm sau, Leonov cưỡi con ngựa già trở về sân bay. Trong lúc đó các chiến hữu trong bữa tiệc tang đã nâng chén rượu lính để tiễn đưa anh vì họ cho rằng chiếc dù của anh đã không mở.

Lần thứ hai, Leonov “hy sinh” ngày 15/7/1943 tại vòng cung Kursk. Vào thời điểm đó, đích thân anh đã hạ 5 máy bay “Foker” của Đức còn hai chiếc khác bị “xơi” trong cuộc không chiến cùng với đơn vị. Hôm ấy họ cùng với thượng úy chỉ huy Shestak trở về sau khi làm nhiệm vụ chụp ảnh trinh sát sân bay địch và gặp phải một tốp “Foker”.

Trong trận đánh không cân sức ấy, máy bay số 1 và máy bay số 2 lạc nhau. Bốn chiếc “Foker” đưa máy bay của Leonov vào thế “gọng kìm”. Để thoát khỏi làn đạn địch, anh cho chiếc máy bay tiêm kích lượn ngoằn ngoèo chữ chi.

Bỗng anh cảm thấy vai phải tê dại hẳn đi. Nhìn vào cánh tay anh thấy nó buông thõng khỏi bướm ga, máu chảy đầm đìa. Bị ngọn lửa bao trùm, chiếc máy bay không điều khiển được nữa và bổ nhào theo kiểu xoáy ốc. Leonov cảm thấy mình bị ngất đi. Điều cuối cùng mà anh cảm nhận được là có một sức mạnh nào đó đẩy anh ra khỏi ghế bay.

Mấy phút sau, anh hồi tỉnh ở độ cao khoảng 1000 mét. Bốn bề im lặng như tờ, chỉ có  chiếc dù khẽ kêu sột soạt. Nhưng các phi công Đức quyết định tiêu diệt Leonov. Chúng đã hai lần tổ chức tiến công và bắn chiếc dù thủng lỗ chỗ nhưng không trúng người anh. Anh hạ xuống đất trong một vùng giáp ranh giữa ta và địch và rơi đúng xuống một con đầm phủ kín hoa súng và sình lầy.

Điều đó đã cứu anh thoát chết bởi lẽ chiếc dù bị bắn thủng ở độ cao mấy trăm mét hầu như không hãm bớt độ rơi. Máu vẫn chảy ròng ròng từ bờ vai. Một cánh tay lủng lẳng bám vào một mảng da. Leonov lại ngất đi và chỉ mãi về sau mới biết rằng bọn phát xít từ vùng tiền duyên định bắt sống anh nhưng quân ta đã đánh trả và vớt anh lên khỏi đầm.

Trong khi anh được chuyển tới trạm cứu thương rồi từ đó đến quân y viện dã chiến thì bệnh hoại thư sinh ra ở cánh tay ngày một trở nên trầm trọng. Và người ta đã phải cắt cụt cánh tay anh lên tới xương bả vai.

Sau đó là những chuỗi ngày tháng chịu đựng sự đau đớn tại các bệnh viện. Số là quả đạn làm gãy tay anh đã phá vụn lớp vỏ thép ở lưng ghế ngồi của người lái và những mảnh của nó đã đâm vào vai, xuyên vào tận phổi. Bốn mảnh lớn nhất đã được các bác sĩ lấy ra còn mười hai mảnh nhỏ cho đến nay vẫn nằm trong người anh.

Năm 1943, trong một ca mổ, bác sĩ phẫu thuật đã vô ý chạm dao mổ vào một động mạch lớn ở nơi lồng ngực. Máu từ vết thương phun ra có vòi. Trong lúc bác sĩ xử lý sơ suất của mình thì việc mất máu đã đạt tới giới hạn không cho phép. “Ai có nhóm máu 1, xin hãy cứu lấy người phi công này” – bác sĩ phẫu thuật gào to lên cho mấy phụ tá của ông. Nina Frolova, cô y tá trẻ nhất lập tức lên tiếng : “Hãy lấy máu của em!”. Thế là máu được truyền trực tiếp từ mạch máu sang mạch máu ngay trên bàn mổ.

Sau đó hai người kết bạn với nhau. Và khi Nina tiễn Leonov ra mặt trận, trên đường tới ga xe lửa, anh bỗng nhìn thấy phòng đăng ký kết hôn của huyện. Và thế là anh bèn quyết định ngay. Anh nắm tay cô gái, lấy vai đẩy cửa bước vào. Họ được đăng ký theo kiểu thời chiến, không chút chậm trễ. Và cái giây phút ấy được họ coi là giây phút hạnh phúc nhất trong suốt hơn 55 năm chung sống.

Những năm tháng Leonov nằm điều trị tại quân y viện đã không trôi qua một cách uổng phí. Anh muốn lại được tung cánh trên bầu trời bằng bất cứ giá nào, và anh đã được soạn thảo một kế hoạch trở lại đội bay.

Xét theo quan điểm hợp lý thì điều này không thể thực hiện được. Một là, với vết thương như thế này thì Hội đồng giám định y khoa sẽ loại anh ngay tức khắc. Hai là, trước đây chưa hề có ai cụt tay mà dám bay bao giờ bởi lẽ lái máy bay là một công việc vô cùng phức tạp và không phải ai còn cả hai tay cũng làm được nữa là.

Khó khăn thứ nhất Leonov đã khắc phục được bằng cách nhờ những người quen can thiệp. Do có sự bảo lãnh đặc biệt, anh được giữ lại trong quân ngũ như một trường hợp ngoại lệ và được điều tới một trong những trạm sửa chữa thuộc binh đoàn không quân số 1 do anh hùng phi công nổi tiếng là Mikhail Gromov chỉ huy.

Và chính ở đây Leonov đã hết sức gặp may. Một lần đích thân thủ trưởng đến thăm trạm và làm việc tại đây gần một ngày đêm. Trong khoảng thời gian đó Ivan đã có cuộc tiếp xúc với ông và khi đã chọn được cơ hội thuận lợi bèn ngỏ ý xin bay. Gromov thừ người ra : “Cậu chỉ còn một tay thì bay thế quái nào được!”. Leonov cũng không chịu : “Thưa thủ trưởng, nếu tôi còn cả hai tay thì đã không xin thủ trưởng”. Chỉ huy trưởng phá lên cười : “Cậu đúng là gã ương ngạnh như một phi công tiêm kích thực thụ. Thôi được. Để chúng tôi sẽ bàn xem sao”.

Sau một tuần, không đợi kết quả của việc “cân nhắc”, Leonov đã đến ban tham mưu tập đoàn quân. Tất nhiên là người ta không cho anh vào gặp Gromov, nhưng Ivan đã đứng đợi vị tướng ở cạnh ngôi nhà gỗ, nơi ông dùng cơm trưa.

“Tôi một lần nữa tin chắc rằng nếu thậm chí có chặt đầu anh chàng phi công này đi nữa thì anh ta vẫn cứ muốn lao lên bầu trời”. Vị chỉ huy dũng mãnh đã thốt lên một cách hài lòng để đáp lại lời khẩn khoản đề nghị của Leonov. Và ngay lập tức ông hạ lệnh dành riêng cho anh một chiếc PO-2 để luyện tập và sau 5 ngày sẽ tổ chức thi sát hạch. Nếu anh cụt tay mà vẫn có thể bay được thì sẽ được nhận vào phi đội.

Ngay từ khi còn nằm ở quân y viện Ivan đã chuẩn bị sẵn phương án thích nghi cho phép anh điều khiển bướm ga mà không cần đến tay trái. Những người khéo tay đã giúp anh chế tạo những thiết bị đặc biệt trong các xưởng máy của không quân.

Song chẳng bao lâu sau anh thấy rõ rằng tất cả những thứ đó đều không dùng được. Sau buổi tập thường kỳ không thành công, Ivan gần như phát khóc lê bước trên phi trường. Một đồng đội đuổi kịp anh và vỗ vai: “Đừng nản nhé!”. Leonov bất giác nhún vai. Và ngay lập tức anh nảy ra một ý nghĩ. Không có tay nhưng vai thì vẫn cử động được. Có thể dùng vai điều khiển cần bướm ga.

Thật ra, cần phải “gắn” thêm một thiết bị gì đó vào vai. Sau đó ít lâu các bạn bè kỹ thuật đã thiết kế một cái dụng cụ đeo vai từ một tấm nhôm mỏng có khớp nối với cần bướm ga. Đúng ngày hôm đó lần đầu tiên Leonov được cất cánh sau một thời gian dài gián đoạn.

Và công việc tác chiến lại bắt đầu, thật ra, bây giờ là trên chiếc PO-2: đưa báo chí ra tiền tuyến, chuyên chở các thương binh, những chuyến bay đến chỗ quân du kích ở vùng hậu địch. Trong một chuyến bay như vậy đã xảy ra trường hợp thứ ba, khi anh được coi là bị hy sinh.

Cuối năm 1944, trong khi từ vùng hậu địch trở về trên một độ cao vừa phải, Leonov đã lọt vào tầm bắn của những tay xạ thủ súng máy phát xít. Một viên đạn lạc đã xuyên trúng bụng chân trái, làm vỡ một mạch máu lớn. Chiếc ủng tràn đầy máu. Thiếu mất một tay để bịt chặt vết thương. Cảm thấy mình sắp ngất xỉu, Ivan đã cho máy bay hạ cánh trên cánh đồng sát vùng tiền duyên. Các chiến sĩ hồng quân đã dùng xe tăng chở người phi công đến trạm quân y. Sau đó lại nằm viện.

Trong khi đó ở đơn vị anh bị coi là đã hy sinh. Chính vì những ngày ấy sư đoàn nhận được bản trích lục sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô về việc phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Leonov. Và một ai đó trong Ban tham mưu đã ghi mấy chữ trên tờ giấy: “Tặng thưởng không trao được vì đương sự đã hy sinh”.

Xin nói trước một chút. Tất cả những chuyện này chỉ được làm sáng tỏ sau nửa thế kỷ. Năm 1995, người phi công cụt tay Leonov được phong danh hiệu Anh hùng nước Nga.

Trong thời gian trao thưởng ở Matxcơva, hoàn toàn tình cờ ông gặp lại người chỉ huy cũ của mình là Trung tướng Gromov. Trung tướng rất ngạc nhiên: “Này, cậu đã được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô rồi cơ mà. Chính tôi đã nhìn thấy bản trích lục sắc lệnh”. Sau đó Leonov mất mấy tháng lục tìm trong kho lưu trữ và cuối cùng đã tìm thấy tờ giấy có ghi mấy chữ định mệnh “đương sự đã hy sinh”. Bởi thế hiện nay ông là người duy nhất hai lần được phong danh hiệu Anh hùng vì một chiến công.

Sau lần bị thương vào chân, Leonov vĩnh viễn giã từ đội bay. Trong khi anh còn đang điều trị thì chiến tranh kết thúc. Phần lớn phi công đã giải ngũ. Trở về với cuộc sống đời thường ở quê hương, Leonov đã tích cực tham gia công tác xã hội, từng đoạt giải thưởng trong cuộc thi môtô của huyện và hiện đang viết hồi ký, truyện ngắn.

Vào những năm đầu sau chiến tranh, hai vợ chồng Leonov còn nhận nuôi thêm 5 trẻ mồ côi mà bố mẹ đã chết trong chiến tranh và cả 5 cháu đều trưởng thành, hiện đang cống hiến trong những lĩnh vực khác nhau: từ thẩm phán đến giáo viên trường trung học.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất, Trung tướng không quân Mikhail Gromov đã nhớ lại người phi công được ông che chở ngoài mặt trận năm xưa: “Chủ nghĩa anh hùng - đó là khắc phục cái không thể làm được. Tôi biết một người đã và đang sống hiện nay theo quy luật của cái không thể làm được. ấy là Ivan Antonovich Leonov, một con người huyền thoại”.

Còn chính Leonov đối với câu hỏi: “Tại sao ông lại làm được cái không thể làm được?” đã thản nhiên trả lời: “Bằng cuộc đời mình tôi muốn chứng minh rằng sự tàn phế thực sự - đó là sự tàn phế của tâm hồn. Còn những cái khác thì đều có thể khắc phục được”.

MỚI - NÓNG