Nguyên nhân nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật từ chức

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Ảnh: CCTV.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Ảnh: CCTV.
TP - Ngày 28/7, bà Tomomi Inada, 58 tuổi, nữ Bộ trưởng Quốc phòng theo đường lối cứng rắn, tuyên bố từ chức sau bê bối bưng bít thông tin liên quan các binh sĩ Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan.

Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đang có tỷ lệ ủng hộ sụt giảm kỷ lục sau hàng loạt bê bối liên quan cá nhân ông, người nhà và một số thành viên nội các. Bà Inada tuyên bố từ chức chỉ một tuần trước khi diễn ra cuộc cải tổ nội các dự kiến được tiến hành ngày 3/8. Chỉ vài phút sau khi bà Inada tuyên bố từ chức, ông Abe đã lên tiếng xin lỗi người dân. Thủ tướng Nhật Bản nói, ông xin lỗi người dân vì để xảy ra việc bộ trưởng từ chức và đây là trách nhiệm thuộc về ông.

Bà Inada, một người thân tín và có chung quan điểm dân tộc chủ nghĩa với ông Abe, được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng ngày 3/8/2016. Lúc đó, ông Abe nói rằng, bà có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản trong tương lai. Tuy nhiên, trong gần một năm tại vị, bà Inada liên tiếp vướng vào bê bối. Ngoài bê bối khiến bà phải từ chức, bà Inada có liên quan tới scandal của ông Abe trong cáo buộc tham nhũng tại trường đại học Kate Gakuen khiến ông phải ra điều trần hồi đầu tuần này.

Trước cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo hồi đầu tháng 7, bà Inada gây tranh cãi sau khi dùng danh nghĩa của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (Bộ Quốc phòng) để kêu gọi cử tri ủng hộ đảng Dân chủ Tự do, đảng của bà và Thủ tướng Abe, trong khi lực lượng này giữ vai trò trung lập về chính trị.

Theo Japan Times, ngày 28/7, các nghị sĩ đối lập Nhật Bản tuyên bố sẽ không cho phép bà Tomomi Inada từ chức bộ trưởng quốc phòng để phục vụ công tác điều tra về việc che giấu bê bối liên quan các binh sĩ Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Đảng Dân chủ Tự do và đảng Dân chủ đối lập nhất trí tổ chức một phiên họp để thảo luận về bê bối này.

Theo BBC, tranh cãi về sứ mệnh gìn giữ hòa bình Nam Sudan bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng, những ghi chép về tình hình an ninh của binh sỹ Nhật Bản tại Nam Sudan đã bị hủy bỏ. Nhưng hai tháng sau đó, giới chức nói rằng, họ thấy dữ liệu trên máy tính, dẫn đến cáo buộc rằng thông tin bị giấu đi có dụng ý.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tạm thời đảm trách công việc tại Bộ Quốc phòng của bà Inada trước khi Nhật Bản có bộ trưởng quốc phòng mới.

MỚI - NÓNG