Nguyên nhân thẩm phán chống sắc lệnh nhập cư của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump
TPO - Ngày 15/3, Thẩm phán Derrick Watson, một thẩm phán liên bang Mỹ tại Hawaii đã quyết định chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh chính thức có hiệu lực.

Không dừng lại ở đó, sắc lệnh cấm nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump lại tiếp tục vấp phải rào cản pháp lý khi Thẩm phán liên bang Mỹ tại bang Maryland cũng đã quyết định chặn một phần văn kiện với lý do phân biệt tôn giáo đối với người đạo Hồi. 

Trong phán quyết đưa ra ngày 16/3, ngày mà sắc lệnh chính thức có hiệu lực, Thẩm phán Theodore Chuang tuyên bố bên nguyên gồm Liên hiệp Tự do dân chủ Mỹ và Trung tâm Luật nhập cư quốc gia đã chứng minh được rằng điều khoản cấm nhập cảnh của sắc lệnh trên là một lệnh cấm đối với người Hồi giáo.

Vì vậy, văn kiện này đã vi phạm Hiến pháp Mỹ về đảm bảo tự do tôn giáo. Tuy nhiên, phán quyết của Thẩm phán Chuang không ngăn chặn điều khoản cấm người tị nạn của sắc lệnh mới do cho rằng bên nguyên không chứng minh được tính phân biệt tôn giáo của điều khoản này.

Các bang lập luận chống lại sắc lệnh của ông Trump

Trước đó, với vai trò là người "bắn phát đạn" đầu tiên, Thẩm phán Derrick Watson đã trở thành tâm điểm chú ý của nước Mỹ khi ra phán quyết tạm đình chỉ việc thực thi sắc lệnh nhập cư lần thứ 2. Lý do mà Thẩm phán Derrick Watson đưa ra là “sắc lệnh nhập cư mới có nội dung phân biệt tôn giáo, vi phạm Hiến pháp Mỹ".

Trong phán quyết, Thẩm phán Derrick Watson nêu rõ trong đơn kiện sắc lệnh mới này, bang Hawaii đã đưa ra được những lập luận rất thực tế để chứng minh rằng lệnh cấm có thể gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa. Phán quyết tại tòa cho phép tất cả các bang tại nước Mỹ không cần thực thi điều khoản thứ 2 trong sắc lệnh trên, liên quan đến việc cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày.

Điều khoản thứ 6 của sắc lệnh về việc đình chỉ chương trình nhập cư cho người tị nạn trong 120 ngày cũng bị đình chỉ theo phán quyết của tòa. Tòa án cũng tuyên bố phán quyết này sẽ không thể đình chỉ trừ trường hợp đơn kháng cáo được nộp. Trước đó vào ngày 8/3, Thẩm phán Derrick Watson đã ra phán quyết cho phép bang Hawaii kiện sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoài ra, các bang khác của Mỹ cũng đưa ra các lý do phản đối tương tự. Bang Oregon cho rằng sắc lệnh mới "ảnh hưởng không tốt đến người dân, người đi làm, hệ thống bảo hiểm y tế và kinh tế".

Bang Washington lập luận sắc lệnh mới "có cùng động cơ bất hợp pháp như sắc lệnh trước" và gây thiệt hại cho người dân, dù ít hơn sắc lệnh đầu tiên. Bang Minnesota đã chất vấn về tính hợp pháp, cho rằng chính phủ của ông Trump không thể phủ nhận phán quyết ngăn chặn sắc lệnh cũ bằng một sắc lệnh mới.

Tổng trưởng lý bang New York gọi sắc lệnh mới là "một sắc lệnh cấm người Hồi giáo dưới tên gọi khác". Bang Massachusetts cho rằng sắc lệnh mới "vẫn là sự phân biệt đối xử và vi hiến nhằm đáp ứng lời hứa khi còn tranh cử về chuyện cấm người Hồi giáo".

Như vậy, phán quyết của Thẩm phán Derrick Watson và Thẩm phán Theodore Chuang là những rào cản pháp lý đầu tiên đối với sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump. Dự kiến, tòa án tại bang Washington sẽ sớm ra phán quyết tiếp tục gây bất lợi cho sắc lệnh này. 

Ông Trump "thề" bảo vệ sắc lệnh nhập cư đến cùng

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa tại Hawaii, trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ chống lại phán quyết trên, đồng thời mô tả quyết định này là "vượt quá thẩm quyền".

Tổng thống Trump cho rằng phán quyết này là "một sự lạm quyền tư pháp chưa từng có tiền lệ" và tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện bằng mọi cách bao gồm cả việc đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao. Tổng thống Trump tuyên bố ông ký sắc lệnh nhập cư sửa đổi nhằm đảm bảo nước Mỹ và công dân Mỹ được an toàn hơn.

Đề cập đến sắc lệnh cấm nhập cảnh mới tại một cuộc mít tinh ở thành phố Nashville, bang Tennessee, Tổng thống Trump nêu rõ: "Hiến pháp Mỹ trao quyền cho tổng thống ngăn chặn hoạt động nhập cư khi xét thấy điều này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ". Ông nhấn mạnh việc thẩm phán tại Hawaii chặn sắc lệnh nhập cư mới đã khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên "yếu đuối", đồng thời khẳng định Chính quyền Washington sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, kể cả đưa ra Tòa án Tối cao. Vị chủ nhân Nhà Trắng đồng thời để ngỏ khả năng sẽ khôi phục sắc lệnh hành pháp cũ về vấn đề nhập cư và tuyên bố sẽ "đi đến cùng" với văn kiện này tại tòa. 

Hiện tại, chính phủ Mỹ đã đệ đơn phản đối đơn kiện của chính quyền bang Hawaii, khẳng định sắc lệnh cấm nhập cảnh là "quyền lực hợp pháp của tổng thống" trong việc ngăn chặn các phần tử nước ngoài vào lãnh thổ Mỹ, là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.

Chia sẻ với phóng viên về những sửa đổi sắc lệnh mới, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, sắc lệnh nhập cư lần thứ 2 này đã "không phạm lỗi nào".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi sắc lệnh mới là một "biện pháp quan trọng giúp tăng cường an ninh quốc gia". 

Trước đó, trong một tuyên bố ngày 8/3, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly cho biết kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền và ban hành sắc lệnh hành pháp về cấm nhập cảnh, các hoạt động nhập cư bất hợp pháp có xu hướng giảm về mức thấp nhất hàng tháng trong ít nhất 5 năm qua.

Trong một thông cáo riêng, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh này, nhấn mạnh văn kiện không mang tính phân biệt tôn giáo. Dự kiến trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ kháng cáo đối với cả hai phán quyết trên.

Như vậy, có thể thấy rằng cả bên phản đối và bên ủng hộ đều đưa ra lý do thuyết phục liên quan tới sắc lệnh nhập cư lần thứ 2 này. Điều này sẽ càng khiến cho nội bộ nước Mỹ thêm phần chia rẽ hơn và dự báo thời gian tới cuộc chiến pháp lý trong lòng nước Mỹ sẽ kéo dài và khốc liệt hơn

MỚI - NÓNG