Đức:

Nhà máy điện hạt nhân dính virus nguy hiểm

Virus được tìm thấy trong các ổ USB và máy tính tại nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen của Đức. Ảnh: PA
Virus được tìm thấy trong các ổ USB và máy tính tại nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen của Đức. Ảnh: PA
TP - Một số loại virus, trong đó có 2 loại khét tiếng, vừa lây nhiễm vào các máy tính cá nhân được sử dụng ở nhà máy điện hạt nhân có sản lượng điện cao nhất nước Đức.

Virus được tìm thấy trong các máy tính văn phòng và trong hệ thống dùng để mô hình hóa sự dịch chuyển của các thanh nhiên liệu hạt nhân tại nhà máy Gundremmingen. Cty Điện lực RWE hôm qua nói rằng, việc lây nhiễm máy tính không gây ra mối đe dọa đối với nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen, vì các hệ thống điều khiển của nhà máy không được kết nối với internet, virus không thể kích hoạt.

Các nhà điều tra đang phân tích cách thức máy tính tại Gundremmingen bị nhiễm virus. Virus được tìm thấy trong hệ thống mô hình hóa thanh nhiên liệu và trong 18 ổ USB được dùng để lưu trữ dữ liệu và cắm vào các máy tính văn phòng.

Nhân viên nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen tìm thấy virus khi họ chuẩn bị nâng cấp các hệ thống điều khiển được vi tính hóa cho Khu B của nhà máy. Khu này hiện không sản xuất điện, đang được bảo dưỡng định kỳ.

Hơn 1.000 máy tính đang được kiểm tra xem có bị nhiễm virus hay không, người phát ngôn của RWE nói với báo Đức Die Zeit. Nhà máy cũng đã cải thiện hệ thống an ninh và bảo mật. Không có sự lây nhiễm virus ở các hệ thống trực tiếp liên quan việc điều khiển các lò phản ứng hạt nhân, RWE tuyên bố. Và việc các máy tính văn phòng, ổ USB bị nhiễm virus không gây nguy hiểm cho công chúng. “Tất cả các khu vực nhạy cảm của nhà máy đều được thiết kế biệt lập và được bảo vệ để chống lại sự thao túng”, RWE tuyên bố.

Trong số các virus nhiễm vào máy tính và ổ USB có hai loại khét tiếng là W32.Ramnit và Conficker. Xuất hiện lần đầu vào năm 2010, Ramnit là một công cụ truy cập từ xa được tạo ra để đánh cắp dữ liệu. Conficker xuất hiện từ năm 2008, được viết ra để đánh cắp tên truy cập và dữ liệu tài chính. Theo RWE, vì các hệ thống nhiễm virus được tách riêng, không kết nối internet, nên cả Ramnit và Conficker không thể kích hoạt, nâng cấp, đánh cắp dữ liệu.

Mikko Hypponen, giám đốc nghiên cứu của Cty bảo mật F-Secure, nói rằng, các nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của một quốc gia thường bị nhiễm virus, nhưng những vụ xâm nhập, tấn công như vậy thường gây thiệt hại không đáng kể.

Nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen nằm cách thành phố Munich khoảng 120km.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.