Nhật Bản có thể cung cấp tàu tuần tra mới cho Việt Nam

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nhật Fumido Kishida tại cuộc hội đàm ngày 5/5. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nhật Fumido Kishida tại cuộc hội đàm ngày 5/5. Ảnh: TTXVN
TP - Đó là thông tin được Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masato Otaka tiết lộ với báo chí Việt Nam tối 5/5, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đến Việt Nam từ ngày 5 đến 6/5.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tối 5/5, ông Otaka cho biết, trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Fumio Kishida cùng ngày, hai bên đã thảo luận vấn đề xây dựng năng lực cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Phía Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp thêm tàu mới cho lực lượng này. 6 tàu tuần tra mà Nhật Bản đồng ý cung cấp cho Việt Nam trước đó là các tàu đã qua sử dụng.

Giúp đào tạo nhân lực

Ông Otaka cho biết, Nhật Bản chỉ hỗ trợ dựa trên đề nghị của nước tiếp nhận, và giúp xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam là mong muốn từ các lãnh đạo Việt Nam. Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai bên sẽ nghiên cứu về số lượng tàu, thời gian và chi phí chế tạo tàu trước khi đưa ra con số cụ thể. Ông Otaka nói rằng, lý do Nhật Bản được chọn vì Nhật Bản là quốc gia biển và có hệ thống bảo vệ bờ biển mạnh. Nhiều quốc gia khác cũng đề nghị Nhật Bản giúp đỡ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển. Hợp tác quân sự song phương cũng sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Đề cập chuyến thăm của hai tàu huấn luyện Nhật Bản đến vịnh Cam Ranh gần đây, ông Otaka cho biết, phía Nhật Bản mong muốn có thêm những hoạt động trao đổi tương tự trong tương lai.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong cuộc hội đàm ngày 5/5, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Kishida cùng chia sẻ sự quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình hình biển Đông thời gian gần đây; nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Các bên liên quan không được có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp trên biển Đông. Cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Thủ tướng Việt Nam sắp thăm Nhật

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Kishida cũng trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 9/2015, đồng thời chuẩn bị nội dung để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản vào cuối tháng 5/2016 và hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Phó Phát ngôn Otaka cho biết, lãnh đạo Nhật Bản mời Thủ tướng Việt Nam, Lào và lãnh đạo một số quốc gia khác tham gia hội nghị mở rộng của G7 lần này vì cảm thấy cần phải thúc đẩy sự kết nối giữa châu Á với G7.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Bộ trưởng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản coi trọng và mong muốn đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng và thực chất hơn nữa, nhất trí hỗ trợ và hợp tác tích cực với Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, tiếp tục hỗ trợ trong lĩnh vực rà phá bom mìn.

Trong chuyến công du đến Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh đến sự kết nối giữa 4 quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Nhật Bản cũng sẽ giúp Việt Nam đối phó với vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn thông qua gói hỗ trợ cho cả lưu vực, Phó Phát ngôn Masato Otaka cho biết.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.