Nhật Bản khủng hoảng nhất từ Thế chiến II

Vị trí 2 nhà máy điện hạt nhân Fukushima và vụ nổ Trình bày: Minh Long
Vị trí 2 nhà máy điện hạt nhân Fukushima và vụ nổ Trình bày: Minh Long
TP - Ngày 13-3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng, dưới tác động của động đất, sóng thần, sự cố điện hạt nhân…, nước này đang đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2. Cảnh sát Nhật Bản nói rằng, số người chết vì thiên tai ở một tỉnh có thể vượt 10.000.

> Nhật ban bố khẩn tại nhà máy điện hạt nhân 2
> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Vị trí 2 nhà máy điện hạt nhân Fukushima và vụ nổ Trình bày: Minh Long
Vị trí 2 nhà máy điện hạt nhân Fukushima và vụ nổ.
Trình bày: Minh Long.

Tại cuộc họp báo được truyền hình, Thủ tướng Nhật Bản nói: “Hiện trạng động đất, sóng thần và các nhà máy điện hạt nhân đang ở mức khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 65 năm qua, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2”.

Ông cho biết, tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima tiếp tục ở trong tình trạng báo động. Do vụ nổ tòa nhà chứa lò phản ứng của nhà máy này và việc phải đóng cửa nhiều nhà máy điện khác, từ ngày 14-3, Nhật Bản phải luân phiên cắt điện trên diện rộng.

Sau trận động đất mạnh 9 độ Richter, khoảng 12.000 người được cứu thoát, 450.000 dân đi sơ tán, trong khi Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản xác nhận 3.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo cảnh sát trưởng tỉnh Miyagi, hơn 10.000 người có thể đã chết trong vụ động đất và sóng thần ở vùng đông bắc, trong khi hàng triệu người sống sót thiếu nước uống, lương thực, thực phẩm và điện.

Số binh lính tham gia cứu hộ sẽ tăng gấp đôi lên 100.000. Các đội cứu hộ quốc tế cũng đang trên đường tới Nhật Bản. Nhiều máy bay và tàu thủy đang tìm cách đến những vùng bị thiệt hại nặng nhất. Gần như toàn bộ cảng Minamisanriku ở tỉnh Miyagi bị sóng thần cuốn trôi.

Đáng lo hơn, Nhật Bản đang đối mặt khủng hoảng tại một trong hai nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng bởi động đất. Cơ quan chức năng nước này đang căng sức để kiểm soát các lò phản ứng nóng quá mức tại nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima.

Khoảng 180.000 người trong bán kính 20 km tính từ nhà máy rời khỏi khu vực nguy hiểm sau khi thanh nhiên liệu trong một lò ứng bị tan chảy một phần, theo hãng tin Kyodo News.

Ngày 13-3, chính phủ Nhật Bản đánh giá sự cố tại nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima ở mức 4 (theo cách xếp hạng quốc tế, mức thấp nhất là 0, cao nhất là 7). Vì vậy, đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản ngày càng lớn. Sự cố cấp độ 4 thường có ít nhất 1 người chết vì nhiễm xạ, nhưng tới nay, tại nhà máy, không có người chết.

Hai chất phóng xạ, xezi (cesium) và iot (iodine) phóng xạ đã được phát hiện gần lò phản ứng số 1 của nhà máy, nơi bức xạ đã tăng lên 1.204 microsievert, trong khi mức cho phép là 500, theo Cty Điện lực Tokyo, đơn vị sở hữu và vận hành các nhà máy điện ở Fukushima.

Nhật Bản đang căng sức khắc phục hậu quả thiên tai và phòng tan chảy nhiên liệu hạt nhân
Nhật Bản đang căng sức khắc phục hậu quả thiên tai và phòng tan chảy nhiên liệu hạt nhân. Ảnh: AP, Reuters, Getty, NHK

Sáng qua, lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushi mất khả năng làm mát lõi lò, trở thành lò phản ứng thứ sáu bị mất tính năng này dưới tác động của trận động đất. Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano nói rằng, có thể xảy ra vụ nổ hydro tại lò phản ứng số 3.

Nước biển đã được bơm vào lò phản ứng để làm mát. “Bơm nước vào sẽ dẫn tới rò rỉ phóng xạ, nhưng ở mức độ không ảnh hưởng sức khỏe con người”, ông Edano nói. Theo ông, lõi của lò phản ứng này có thể bị biến dạng vì quá nóng.

Tại một cuộc họp báo trước đó, ông Edano nói rằng, mức bức xạ tại nhà máy lên tới 1.204 microsievert, và số người phơi nhiễm phóng xạ tăng lên 22. Cơ quan chức năng chuẩn bị phân phối iot dạng viên để bảo vệ người dân khỏi phơi nhiễm phóng xạ (iot có tác dụng phòng ung thư do nhiễm xạ). Lực lượng cứu hộ dùng máy quét kiểm tra những người đến các trung tâm sơ tán để tìm dấu hiệu nhiễm xạ.

Tại tỉnh Ibaraki gần Fukushima, một trạm kiểm soát phóng xạ đã được lập ra. Hai chuyên gia của Ủy ban Quản lý Hật nhân Mỹ đã lên đường tới Nhật Bản để góp phần giải quyết vấn đề. hôm qua, người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản thông báo, 114 người vẫn còn trong bán kính 10 km của nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima.

Đêm qua, cơ quan năng lượng hạt nhân của Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân thứ 2. Đó là nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi, nơi vừa được phát hiện có lượng phóng xạ cao bất thường.

Theo Kyodo News, hệ thống làm mát tại nhà máy điện số 2 Tokai ngừng hoạt động đêm 13-3.

Một núi lửa trên đảo Kyushu ở tây nam Nhật Bản phun trào tối 13-3, đưa tro bụi lên cao 4km, cơ quan khí tượng nước này thông báo.

Thái An

tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG