Nhật, Hàn ngỡ ngàng trước tuyên bố của ông Trump

Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Liên Hợp Quốc gặp phải một số chỉ trích. Ảnh: CNN.
Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Liên Hợp Quốc gặp phải một số chỉ trích. Ảnh: CNN.
TP - Những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở châu Á dường như ngỡ ngàng khi Tổng thống Mỹ tuyên bố trước Liên Hợp Quốc rằng Mỹ có thể sẽ phá hủy Triều Tiên - đất nước 25 triệu dân dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 19/9 (giờ Mỹ), ông Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “Rocket Man” (Người tên lửa) và rằng Mỹ sẽ “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên” nếu cần làm như vậy để bảo vệ các đồng minh. Các đồng minh của Mỹ im lặng trước lời đe dọa này, trong khi Trung Quốc và Nga đều cảnh báo ông Trump đang “đổ thêm dầu vào lửa”. “Thế bế tắc nguy hiểm hôm nay là hậu quả của việc Bình Nhưỡng và Washington liên tục theo đuổi lợi ích của mình mà không quan tâm đến nỗ lực của các nước khác nhằm thuyết phục họ đối thoại”, báo Trung Quốc China Daily viết trong bài xã luận đăng sáng 20/9.

Sự im lặng từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được chú ý, vì nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn thường ủng hộ phát biểu của ông Trump về Triều Tiên. Người phát ngôn của Thủ tướng Nhật Bản, ông Motosada Matano, từ chối bình luận về phát biểu vừa qua của Tổng thống Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in những tuần gần đây rất nỗ lực để thể hiện sự hòa thuận với lãnh đạo Mỹ. Nhưng phát ngôn viên của Tổng thống Moon, ông Park Soo-hyun, không đề cập đến ý “phá hủy hoàn toàn” của ông Trump, chỉ nói rằng bài phát biểu đó cho thấy sự cấp bách phải giải quyết vấn đề Triều Tiên và Seoul tin rằng Tổng thống vẫn thực hiện cam kết bảo đảm hòa bình.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump nói rằng, nếu chính quyền của ông Kim Jong-un tiếp tục đe dọa Mỹ và gây bất ổn Đông Á, chính quyền của ông chuẩn bị để sử dụng vũ lực. “Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn, nhưng nếu buộc phải bảo vệ mình hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”, ông Trump nói. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gần đây leo thang lên mức độ mới khi Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa (trong đó có hai tên lửa về lý thuyết có thể bắn sang tận Mỹ) và thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.

Trung Quốc sẽ không ngồi yên

Nhiều chính quyền của Mỹ trước đây coi giải pháp quân sự với Triều Tiên không khả thi vì Triều Tiên có thể đáp trả ngay lập tức bằng cách bắn pháo sang Seoul. Thủ đô của Hàn Quốc nằm gọn trong tầm bắn.

Giới phân tích cho rằng bài phát biểu của ông Trump sẽ gây báo động ở khu vực. “Lời lẽ của Mỹ về Triều Tiên thường khá kiềm chế, nhẹ nhàng hơn cách nói hùng hồn của Triều Tiên. Vì thế, mối quan tâm hiện nay là: Chính quyền Trump có thực sư nghiêm túc? Họ có thực sự sẽ đưa chúng ta vào một cuộc chiến tranh mà chúng ta đã tránh từ năm 1953 đến nay?” báo Mỹ Washington Post dẫn lời ông John Delury, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Yonsei ở Seoul.

Ông Narushige Michishita, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia tại Tokyo, cho rằng dù chính phủ của ông Abe ủng hộ đường lối cứng rắn với Triều Tiên nhưng nhiều người Nhật Bản rất lo lắng về hậu quả thảm khốc mà Nhật Bản phải hứng chịu nếu xung đột nổ ra. “Việc sử dụng vũ lực trên diện rộng sẽ gây hủy hoại lớn ở Hàn Quốc, nhưng Nhật Bản cũng sẽ phải hứng chịu”, ông Michishita nói.

Đối với Trung Quốc, giải pháp quân sự là “không thể tưởng tượng được” và “quá tốn kém”, ông Cui Zhiying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Đồng Tế ở Thượng Hải, nói. “Chiến tranh là lựa chọn không thể tưởng tượng được, và nó không nên là một lựa chọn. Nó sẽ làm tất cả các bên bị tổn thương, mọi người trên bán đảo và ở Đông Bắc Á. Đối thoại ngoại giao và hòa bình là cách duy nhất để giải quyết vấn đề”, ông Cui đánh giá. Nhà nghiên cứu này cũng cảnh bảo việc Mỹ tấn công Triều Tiên sẽ kéo Trung Quốc vào tình thế khó khăn vì Bắc Kinh không còn cách nào khác ngoài việc phản ứng. “Trung Quốc không muốn thấy chiến tranh hay hỗn loạn ở Triều Tiên. Nhưng nếu Mỹ hành động quân sự, Trung Quốc sẽ phải phản ứng vì nó xảy ra ngay cửa nhà của Trung Quốc”, ông Cui nói.

Tại Nga, nước luôn cố gắng bảo vệ các lợi ích của Triều Tiên dù vẫn ủng hộ LHQ thắt chặt trừng phạt Bình Nhưỡng, phát biểu của ông Trump bị coi như dấu hiệu nguy hiểm của sự bất ổn. Những thành viên hàng đầu trong cơ quan chính sách đối ngoại của Nga cho rằng, phát biểu của ông Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ thiếu kinh nghiệm và có thể gây nguy hiểm cho các đồng minh của Mỹ. “Bất kỳ cuộc xung đột nào cũng khiến thường dân mất mạng. Điều đó thật kỳ lạ khi Mỹ coi Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh vì hai nước này sẽ bị ảnh hưởng nếu xảy ra tấn công”, ông Andrei Klimov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, nói với hãng tin Interfax trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 19/9.

MỚI - NÓNG