Nhật lo biển Đông bị 'chặn', Ấn Độ tăng hợp tác với Mỹ

Quan hệ Mỹ và Ấn Độ ngày càng nồng ấm. Ảnh: Getty Images
Quan hệ Mỹ và Ấn Độ ngày càng nồng ấm. Ảnh: Getty Images
TP - Tuyến đường biển được Nhật Bản coi như sinh mệnh đi qua biển Đông sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng nếu như Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát toàn bộ biển Đông, nhật báo Nikkei bình luận hôm 21/9.

Theo Nikkei, khoảng 1/4 trong số 350 tàu đi qua eo biển Malacca mỗi ngày thuộc về các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuyến đường biển kéo dài từ eo biển Malacca qua khu vực biển Đông và eo biển Đài Loan được xem là tuyến đường huyết mạch sống còn đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc lại hung hăng yêu sách chủ quyền đối với cả biển Đông và eo biển Đài Loan.

Nếu như Bắc Kinh ra tay áp đặt quyền kiểm soát đối với các vùng biển nói trên, nền kinh tế Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc khống chế, Nikkei nhận định. Theo báo Nhật Bản, nhằm ngăn chặn nguy cơ này xảy ra, Mỹ đang cố gắng đưa Malaysia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với sự trợ giúp của các nước trong khu vực như Malaysia, Brunei, Philippines…, Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc tham vọng độc chiếm biển Đông và bành trướng kinh tế ra toàn bộ Đông Nam Á, Nikkei nhận định. Theo báo Nhật Bản, thời gian qua, Mỹ tập trung nỗ lực xây dựng các mối quan hệ đồng minh và đối tác với nhiều nước trong khu vực, nhằm kiềm chế tham vọng phi lý của Trung Quốc.

Mỹ-Ấn tăng hợp tác kinh tế, an ninh

South China Moring Post (Hong Kong) đưa tin, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ, Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí tăng cường sâu rộng quan hệ kinh tế và an ninh. Các quan chức cao cấp hai bên đều lạc quan sau cuộc đối thoại chiến lược và thương mại Mỹ-Ấn hồi tháng 1 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thông tin này xuất hiện đúng vào ngày ông Tập tới Mỹ, hai ngày trước khi ông Modi tới Washington, nhưng giới chức Mỹ nhấn mạnh, họ không có ý liên minh với Ấn Độ chống Trung Quốc. Hai nước Mỹ-Ấn kỷ niệm điều mà ông Obama gọi là “định hình quan hệ trong thế kỷ 21” với thỏa thuận về chống khủng bố, thay đổi khí hậu và tăng cường hợp tác năng lượng, công nghệ cao và quốc phòng.

Mỹ và Ấn Độ nhất trí phấn đấu mục tiêu tăng trao đổi thương mại và dịch vụ từ 120 tỷ USD hiện nay lên mức 500 tỷ USD. Ông Modi dự kiến sẽ gặp 20.000 đại diện 3 triệu người Mỹ gốc Ấn tại sân vận động lớn ở thành phố San Jose, thăm thung lũng Silicon, thành phố San Francisco, bang California để gặp lãnh đạo các tập đoàn Facebook, Google, Tesla, Cisco và Qualcomm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Tổng thống Obama cam kết tăng cường quan hệ hữu nghị với Ấn Độ. Mỹ và Ấn Độ đã có kế hoạch mới nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt.

Ấn Độ vừa tuyên bố ký hợp đồng 2,5 tỷ USD để mua 22 trực thăng tấn công Apache và 15 trực thăng hạng nặng Chinook của Mỹ. Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn sẽ diễn ra tại thành phố New York vào tuần tới, bên lề cuộc họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đó sẽ là cuộc gặp giữa hai ông Obama và Modi trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ 4 ngày của Thủ tướng Ấn Độ từ ngày 24/9. “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều vấn đề chống khủng bố, an ninh hàng hải, Ấn Độ Dương và biển Đông”, ông Kerry nói, ám chỉ thách thức từ Trung Quốc.

Bên cạnh những vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu, thực trạng Trung Quốc ngày càng mở rộng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương và thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông là chủ đề nổi lên tại đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần này.

Tổ chức RAND của Mỹ nói rằng, Trung Quốc đang dần dần thách thức ảnh hưởng chính trị và quân sự của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. RAND nêu rõ, dù sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên, song Mỹ vẫn chiếm ưu thế vượt trội so với Trung Quốc trong một cuộc xâm chiếm tiềm tàng đối với Đài Loan hoặc trong xung đột xảy ra tại quần đảo Trường Sa ở biển Đông.

MỚI - NÓNG