Những ấn tượng ban đầu về Israel

TPO - Lần đầu tới Israel, ấn tượng ban đầu rất nhiều, trong đó không ít điều sâu sắc, gợi nhiều suy nghĩ.

Ngoài ấn tượng về một quốc gia khởi nghiệp với rất nhiều startup, một nền nông nghiệp phát triển trong khó khăn với rất nhiều đường ống dẫn nước thải (đã qua xử lý) từ thành phố tới nông trường để tưới nhỏ giọt, một cơ sở hạ tầng và nhân lực CNTT hiệu quả với trình độ an ninh mạng hàng đầu thế giới, tôi suy nghĩ nhiều về ít nhất 4 điều dưới đây.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 1 Đại tá (đã nghỉ hưu) Rami Efrati, cựu quan chức Cơ quan Không gian mạng Israel, hiện làm chủ 3 doanh nghiệp khởi nghiệp ở tuổi ngoài 70, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sử dụng điện thoại di động Israel được mã hóa, có độ bảo mật cao, giá 17.000 USD. Ảnh: Minh Trang.

Tổ chức bãi biển

Khu vực bãi biển rộng và trải dài của Tel Aviv (thành phố bên bờ Địa Trung Hải, trung tâm tài chính, công nghệ của Israel) được tổ chức khoa học, tiện lợi cho nhiều hoạt động cùng lúc.

Phía ngoài bãi biển về phía trong đất liền là một trục đường lớn có các làn đường riêng cho xe cơ giới và xe đạp đi lại thông suốt (không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, không thấy kẹt xe). Sát mép bãi biển là con đường nhựa thẳng nhưng lên dốc xuống dốc một tí dành cho người tập thể dục thể thao (chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp, xe đạp điện, ván trượt, patin…). Tất cả các con đường đều cao hơn so với bãi cát trải dài ra biển.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 2 Bãi biển Gordon ở Tel Aviv có nhiều sân bóng chuyền và hệ thống đèn chiếu sáng. Ảnh: Minh Trang.

Con đường dài phía trong cứ một đoạn lại có có chỗ phình ra thành “bụng chửa” đường kính dăm chục mét, mặt trên lát gỗ và kê ghế ngồi xây bằng xi măng. Đây là nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh, phân chia các khu bãi tắm. Phía dưới “bụng chửa” này thường là nhà hàng, quán nước.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 3 Khu “bụng chửa” Lala Land dành cho người dân, du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Ảnh: Minh Trang.

Dọc con đường dài sát bãi cát có các khu lắp thiết bị để tập thể dục miễn phí ngoài trời (giống một số khu vườn hoa, công viên, nơi công cộng ở Hà Nội). Cạnh đó có vòi nước công cộng để ai khát có thể đến uống và cân điện tử. Thỉnh thoảng lại có một chàng trai, cô gái đang chạy bộ dừng lại đứng lên cân.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 4 Nhiều người dân Israel và du khách chăm chỉ tập thể dục dọc bờ biển. Anh thanh niên đeo tai nghe đang sử dụng cân điện tử. Ảnh: Minh Trang.

Dọc đường còn có khu vực đổi tiền và cho thuê xe đạp tự động. Khách hàng dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ mượn quẹt thẻ để lấy xe khóa ở cọc.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 5 Quầy cho thuê xe đạp tự động sát bãi biển Frishman ở Tel Aviv. Các quầy tương tự có mặt trên nhiều phố lớn, trường đại học. Ảnh: Minh Trang.

Một điểm hay nữa dọc con đường dài sát bãi cát là thỉnh thoảng có thư viện bãi biển (miễn phí). Đó là một chiếc xe nhỏ với 2 mặt thùng xe được chia thành các ngăn chứa sách, truyện bằng tiếng Do Thái, tiếng Anh, tiếng Pháp… với nhiều thể loại từ tiểu thuyết kinh điển đến truyện tranh. Độc giả có thể tùy nghi lấy ra, đọc xong trả lại hoặc mang về nhà.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 6 Thư viện bãi biển ở Tel Aviv. Ảnh: Minh Trang.

Sát con đường dài về phía bãi cát là dãy hàng quán với bàn ghế xếp gọn gàng. Trên bãi cát có nhiều khu tắm tráng miễn phí, thùng rác (đúng ra là túi rác bên ngoài đề rõ 3 loại), sân bóng chuyền và đèn cao áp, phục vụ người chơi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ngoài ra, có bến du thuyền và lướt ván với mái chèo.

Trên bãi biển có các khu cứu hộ được xây dựng cao to, hoành tráng. Điều này hoàn toàn trái ngược tại biển Chết (cách Tel Aviv gần 90 km). Tại bãi tắm Biển Chết không có cứu hộ, đơn giản là vì không ai xuống tắm mà lại chìm được cả, toàn nổi lềnh phềnh.

Hồi sinh Biển Chết

Biển Chết là hồ nước mặn giáp Israel và Palestine về phía tây, Jordan về phía đông, dài 50km, chỗ rộng nhất 15km, thấp hơn mực nước biển 430,5m, có cao độ trên đất liền thấp nhất Trái đất. Nước Biển Chết mặn gần gấp chục lần nước biển nên người không biết bơi vẫn luôn nổi, chỉ cần tránh bơi sấp vì dễ nghiêng người, nước muối vào mắt cay xè.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 7 Không biết bơi vẫn nổi lềnh bềnh, giơ tay, giơ chân giơ tay thoải mái khi nằm trên mặt Biển Chết. Ảnh: Minh Trang.

Đáy Biển Chết chẳng thấy cát, đá đâu chỉ thấy là muối kết tinh, rắn như đá. Người ta lấy muối và khoáng chất Biển Chết tạo ra nhiều loại mỹ phẩm.

Để ra biển tắm, chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng Ein Gedi, chờ bắt ô tô (trông gần giống xe công nông kéo thêm mấy thùng xe). Bãi biển không có gì là thơ mộng cả, trông khô khốc kiểu ruộng hạn ở Việt Nam. Mà lại rất nguy hiểm, chi chít “hố tử thần”. Dọc bờ biển có rất nhiều biển báo “Hố sụt, nguy hiểm”.

Theo ông hướng dẫn viên tên Michael, do khô hạn, Biển Chết dần teo tóp, đã mất hơn 1/3 diện tích bề mặt, dẫn tới việc hình thành các hố sụt ven bờ. Ông chỉ cho khách xem vết đánh dấu trên vách đá ngọn núi ven đường. Vết đánh dấu cao tít ấy là mặt Biển Chết ngày xưa, nơi tàu thuyền qua lại.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 8 Mái lá tránh nắng cho người bơi ở Biển Chết. Nhiều khách cũng thích tắm bùn ven bờ giàu khoáng chất. Ảnh: Minh Trang.

Nhiều nhà khoa học ước tính, nếu không được cứu, Biển Chết sẽ “chết” (biến mất) sau khoảng 50 năm nữa. Năm 2015, Israel và Jordan đồng ý thực hiện dự án 900 triệu USD để lấy nước Biển Đỏ cho vào Biển Chết và cung cấp nước ngọt cho Jordan, Israel, Palestine.

Một nhà máy khử muối sẽ được xây dựng tại cảng Aqaba bên bờ Hồng Hải ở phía nam Jordan, mỗi năm khử mặn ít nhất 80 triệu mét khối nước. Nước ngọt dành cho người, sản phẩm phụ của quá trình khử mặn sẽ được bơm dọc tuyến đường ống 179-km bổ cập cho Biển Chết (hiện mỗi năm mực nước thấp đi hơn 1 mét). Giai đoạn một của dự án dự kiến bắt đầu năm 2018 và hoàn thành năm 2021.

Thông thạo ngoại ngữ

Trở lại ông hướng dẫn viên du lịch người Israel đề cập ở trên. Ông Michael đã có tuổi, tóc bàng bạc, đeo kính lão, làm việc cho công ty Rent-a-Guide. Trong chuyến đi từ Tel Aviv tới Massada và Biển Chết, ông vừa lái xe vừa thuyết minh cảnh đẹp hai bên đường cho nhóm du khách nghe bằng tiếng Anh rồi tiếng Đức.

Không những nói trôi chảy hai ngoại ngữ, ông còn rất thuyết minh rất duyên, rất hài. Ví dụ, khi ở trên pháo đài cổ Massada (xây dựng khoảng năm 30 trước công nguyên, nằm ở vùng đồi núi sa mạc Judean nhìn xuống Biển Chết), khi đến đoạn cổng thu gom nước của tòa thành (có biển ghi bằng tiếng Anh - water gate), ông hỏi: “Đó các bạn biết khu vực này nhờ ai mà có?”. Mọi người nhìn nhau lắc đầu, ông cười hiền hậu: “Nixon đấy” (vụ bê bối Watergate của chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon).

Rồi khi thấy du khách hỏi mấy hòn đá tròn to hơn đầu người được dùng để làm gì, ông giải thích: “Một hôm, vua Herod (ông vua có cung điện ở Massada) gọi điện thoại vệ tinh cho Nữ hoàng Anh, bảo rằng pháo đài đang bị quân La Mã bao vây tấn công, ông cần gặp Mick Jagger gấp…”. Nhiều du khách bật cười vì Mick Jagger là ca sĩ chính của ban nhạc rock The Rolling Stones (Những hòn đá lăn). Quân và dân thành Massada lăn những hòn đá to tròn từ đỉnh núi xuống dưới để diệt địch.                      .

Vụ vây hãm thành Massada kết thúc bi thảm đối với quân và dân trong thành. Khi quân, tướng của đế chế La Mã tràn vào, họ chỉ thấy 960 xác người. Sử sách thường ghi rằng, đó là vụ tự tử tập thể. Nhưng theo ông Michael, bản chất là vụ thảm sát vì không muốn đầu hàng, rơi vào tay địch, họ tìm đến cái chết. Vì theo đạo, không thể tự tử, họ giải quyết vấn đề bằng cách bốc thăm để người nọ giết người kia. “Có lẽ chỉ có người cuối cùng mới tự sát mà thôi”, ông Michael nói.

Không chỉ ông Michael nói tiếng Anh giỏi mà tuyệt đại đa số người Israel tôi gặp trong một tuần ở Israel nhân dịp dự Cyber Week (hội nghị an ninh mạng lớn nhất Israel diễn ra cuối tháng 6) đều thông thạo ngôn ngữ này. Từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tướng lĩnh quân đội, chuyên gia, tân binh đến người bán hàng bình dân đều nói tiếng Anh trôi chảy.

Theo các nhà nghiên cứu, người Israel nói 35 thứ tiếng và phương ngữ. Hebrew (Do Thái) và Ảrập là hai ngôn ngữ chính thức của Israel. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Nga cũng được sử dụng khá rộng rãi.

Kiểm tra an ninh

Xuống sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, làm thủ tục nhập cảnh xong, người nước ngoài được phát một tờ rời nho nhỏ to cỡ tấm danh thiếp, chứ không phải là nhận một con dấu thị thực vào hộ chiếu. Áp tờ rời này vào đầu đọc để cửa tự động mở ra để đi tiếp.

Tôi thắc mắc chuyện đóng dấu vào hộ chiếu với người của ban tổ chức Cyber Weeek thì được một anh tên là Rediyan Eliav giải thích rằng, một số nước không thân thiện với Israel không thích du khách đến nước họ từng đặt chân tới Israel, nên Israel phát tờ rời là để xóa dấu vết giúp người nước ngoài.

Ấn tượng với chuyện hộ chiếu không dấu nhập cảnh Israel một thì “há hốc miệng” với kiểm soát an ninh sân bay mười. Khi xếp hàng làm thủ tục lên máy bay rời Israel, tôi được một anh nhân viên an ninh hỏi han rất kỹ (với giọng điệu thân thiện sau khi giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp) rằng tôi sắp xếp hành lý ở đâu, có ai ở gần lúc đó không, có ai đưa món đồ gì cho tôi cầm hộ không, có mang theo vật sắc nhọn không…

Anh ấy chỉ hỏi thôi, không kiểm tra gì. Sau khi nhận vé lên máy bay, tôi (mang theo một hành lý xách tay và một túi đựng laptop) đi qua khu vực kiểm soát an ninh. Tôi (và rất nhiều hành khách khác) phải xếp hàng chờ khoảng 2 giờ để qua kiểm tra đồ đạc bằng tay. Một nhân viên an ninh trẻ lịch sự mời bỏ hết đồ đạc trong túi áo, túi quần, hành lý xách tay ra. Anh (hoặc chị) nhân viên an ninh cầm thiết bị trông như cái chổi lông gà nhưng chỉ có phần lông ở đầu xoa xoa mặt trong, mặt ngoài của từng đồ vật (ví tiền, máy tính, giày dép…) một lúc rồi đút vào máy quét ion. Nếu không có gì bất thường, người và vật qua tiếp phần hành lý chạy trên băng chuyền và người qua cổng dò kim loại. Phần này diễn ra rất nhanh.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 9 Làm thủ tục với quét ion bàn tay trước khi vào hội trường Cyber Week (phiên họp có sự tham dự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu). Ở sân bay, ion scan được áp dụng với đồ vật là chính. Ảnh: Minh Trang.

Nhiều hành khách sốt ruột vì phải chờ lâu, nhưng tôi thì ấn tượng với một việc khác. Số là hành lý xách tay của tôi có khá nhiều muối Biển Chết, mỹ phẩm (thuộc dạng được mang theo người) và anh nhân viên an ninh bảo số hàng này phải ký gửi nhưng giờ không kịp làm thủ tục, phải vứt bỏ. Sau khi nghe tôi trình bày và xin ý kiến cấp trên, anh nhân viên an ninh tự tay lấy thùng giấy đóng hàng cho tôi và bảo sẽ chuyển ra máy bay theo diện hàng lý ký gửi.

Những ấn tượng ban đầu về Israel ảnh 10 Khu kiểm soát hộ chiếu dành cho người sử dụng passport sinh trắc học ở sân bay  Ben Gurion. Israel đang xây sân bay quốc tế Ramon ở miền nam nước này để thay thế sân bay Eilat và đóng vai trò dự bị cho Ben Gurion. Ảnh: Minh Trang.

Thú thực, lúc đó tôi không tin lời anh lắm. Khi về tới Nội Bài, nhìn thấy chiếc thùng giấy nhỏ chạy trên băng chuyền hành lý, tôi biết mình đã nghĩ oan cho anh.

MỚI - NÓNG