Nửa vời

Nửa vời
TP - Gần một nửa người lao động Singapore muốn được về hưu sớm hơn quy định hiện tại của nhà nước. Điều đó không có nghĩa họ muốn ngừng làm việc, mà chỉ là muốn chuyển sang một công việc thoải mái hơn, thay vì công việc nhà nước gò bó. Người ta gọi đó là hiện trạng “về hưu nửa vời”.

Kết quả thăm dò dư luận của Randstad công bố ngày 4/4 cho thấy, 40% người lao động Singapore muốn nghỉ hưu ở tuổi 55, sớm hơn 10 năm so với mức tuổi nghỉ hưu theo qui định.

Một trong những lý do khiến người lao động không muốn tiếp tục cống hiến là do môi trường làm việc quá cứng nhắc. Chẳng thế mà đa số những người muốn nghỉ hưu sớm đều cho biết sẽ vẫn muốn làm việc nếu môi trường làm thoải mái hơn, thân thiện hơn và giờ làm việc ngắn hơn.

Đối với những người đã có sự nghiệp, sự thoải mái về tinh thần rõ ràng được xếp ở vị trí cao hơn so với động cơ duy trì thu nhập. Từ đó, có thể suy ra, sức ép mà người lao động Singapore, đất nước có nền kinh tế phát triển và hiện đại nhất Đông Nam Á, phải gánh trên vai nặng đến chừng nào.

Singapore là đất nước có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. Lẽ ra, thu nhập phải là yếu tố rất đáng để cân nhắc đối với công chức, viên chức Singapore. Thế nhưng, nhu cầu của các công chức, viên chức mẫn cán muốn được làm việc để thỏa mãn sở thích, niềm đam mê cá nhân khi đã có những điều kiện nhất định trong tay, và tuổi đã xế chiều là cao hơn cả. Hơn nữa, mức lương hưu cũng như chế độ phúc lợi ở đảo quốc Sư tử được xếp vào nhóm trên ở châu Á hoàn toàn cho phép những người này thực hiện mong muốn của mình. Chỉ có 30% lực lượng lao động lo lắng về cuộc sống chật vật khi không làm việc nữa.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trong các năm qua đều cho thấy, rất đông người lao động chủ động lên kế hoạch về hưu rất sớm. Đây thực sự là bài toán nhân lực không hề dễ giải đối với chính phủ Singapore. Trong bối cảnh nhiều lao động có kinh nghiệm và năng lực cao không sẵn lòng làm việc đến tuổi nghỉ hưu, một cuộc khủng hoảng về nhân lực ở Đảo quốc Sư tử khó mà tránh khỏi.

MỚI - NÓNG