Ông Obama trách Tổng thống Donald Trump ‘chối bỏ tương lai'

Cựu Tổng thống Mỹ ở Paris vào năm 2015. Ảnh: Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ ở Paris vào năm 2015. Ảnh: Reuters
TPO - Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của người kế nhiệm Donald Trump, thành quả mà chính quyền của ông Obama phải đàm phán trong nhiều năm mới đạt được. Trong khi đó, chính trường nước Mỹ lại phân thành hai phe rõ rệt trước động thái mới về chính sách khí hậu của chủ nhân Nhà Trắng.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 1/6 trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Obama lên án, Mỹ đã tham gia vào “số ít các quốc gia chối bỏ tương lai”.

 “Ngay cả khi không có sự lãnh đạo của Mỹ, ngay cả khi chính phủ này tham gia vào số ít các quốc gia chối bỏ tương lai, tôi tin tưởng các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp của chúng ta sẽ tiến lên và làm nhiều hơn để dẫn đường và giúp đỡ bảo vệ hành tinh của chúng ta cho các thế hệ tương lai”, Obama cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh, hơn 190 thành viên còn lại của thỏa thuận sẽ gặt hái những lợi ích từ số việc làm và các ngành nghề mà hiệp định này tạo ra.

Theo The Guardian, sự chỉ trích hiếm hoi của ông Obama là minh chứng rõ ràng cho sức ảnh hưởng to lớn mà quyết định của Tổng thống Mỹ đương nhiệm làm ra.

Trước đó, cựu Tổng thống ít khi đưa ra bình luận về chính quyền mới, nếu có thì chỉ cân nhắc đến những vấn đề mà theo ông mang ý nghĩa đạo đức, như trường hợp ông Trump đề xuất áp lệnh cấm nhập cảnh đối với những người tị nạn và công dân từ nhiều quốc gia Hồi giáo.

Thỏa thuận khí hậu Paris không chỉ là một trong những thành tựu lớn nhất của ông Obama khi còn giữ chức Tổng thống Mỹ, mà còn là vấn đề thường được chính quyền của ông Obama nhận định là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia và các thế hệ tương lai trên toàn cầu.

Đồng ý với ông Obama, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đại diện cho Mỹ trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận Paris, cho biết, ông Trump đã biến nước Mỹ thành quốc gia quay lưng với cả thế giới về vấn đề môi trường.

Được biết, trước khi lãnh đạo nước Mỹ tuyên bố rút, Syria và Nicaragua là hai quốc gia không đồng ý tham gia thỏa thuận khí hậu Paris.

Nước Mỹ “lại” chia rẽ

Tại Washington, chính trường phân ra hai phe quen thuộc như hầu hết các quyết định trước của ông Trump: Hầu hết nhà lập pháp đảng Cộng hòa ủng hộ, còn đảng Dân chủ muốn lật ngược “thế trận”.

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa Paul Ryan và Mitch McConnell, từng tìm cách cản trở di sản môi trường của ông Obama, hoan nghênh động thái của Tổng thống Mỹ trong những tuyên bố mới nhất.

“Hiệp định khí hậu Paris chỉ đơn giản là một thỏa thuận không công bằng cho Mỹ. Để khai thác sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, chính phủ phải khuyến khích sản xuất năng lượng. Tôi hoan nghênh Tổng thống Trump đã thực hiện cam kết đối với người Mỹ và rút khỏi thỏa thuận tồi tệ này”, ông Ryan chia sẻ.

Ông McConnell cũng cho biết: “Khi chính quyền trước đó đưa Mỹ vào một nhiệm vụ bất khả thi này, chúng tôi đã nói rõ rằng, chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại hành động đơn phương này với bất cứ cách thức nào có thể. Tổng thống Trump một lần nữa đưa các gia đình và công việc lên trước ý thức hệ và ông ấy nên được khen ngợi vì hành động đó”.

Tuy nhiên, ít nhất 2 đảng viên đảng Cộng hòa từ Florida, một trong nhiều bang ven biển đang phải vật lộn với những ảnh hưởng cực đoan của thời tiết và mực nước biển dâng cao, tỏ ra thất vọng với quyết định của Tổng thống Mỹ.

“Điều gì đó không đúng khi ngài Tổng thống đang đưa đất nước chúng ta vào danh sách với những kẻ tồi tệ, Bashar al-Assad của Syria và Daniel Ortega của Nicaragua”, nghị sĩ bang Florida Carlos Curbelo viết trên Twitter.

Trong khi, nữ nghị sĩ Nữ nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen, đại diện cho Nam Florida, kêu gọi Mỹ thiết lập "chiến lược dài hạn chống lại sự biến đổi khí hậu". Bà cũng nhấn mạnh, thứ Năm (1/6) đánh dấu ngày đầu tiên tiểu bang này chìm trong “cơn bão”.

Các đảng viên đảng Dân chủ thống nhất ý kiến, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris là “thất bại thảm hại trong tương quan lịch sử” qua phát biểu của lãnh đạo đảng Chuck Schumer.

“Các thế hệ tương lai sẽ nhìn nhận quyết định của Tổng thống Trump là một trong những chính sách tồi tệ nhất trong thế kỷ 21 vì những thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế, môi trường và vị thế địa chính trị của chúng ta…”, ông Schumer nhận xét.

Chris Murphy, thành viên đảng Dân chủ của Connecticut, cũng thể hiện thái độ phản đối bằng dòng trạng thái đầy hàm ý trên Twitter: “Kính gửi hành tinh này, chúng tôi xin lỗi. Xin hãy chịu đựng trong 3 năm rưỡi nữa và chúng tôi sẽ khắc phục điều này. Chúng tôi xin hứa”.

Theo Theo Guardian, Reuters
MỚI - NÓNG