Ông Trump đã vỡ mộng với Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images.
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter rằng, Trung Quốc đã thất bại trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Điều này được coi như sự thừa nhận thất bại đối với một trong những ván cược lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Tuyên bố của ông Trump hôm 20/6 được đưa ra 1 ngày sau cái chết của nam sinh viên người Mỹ Otto Warmbier sau hơn 1 năm bị giam ở Triều Tiên và sau một thời gian ông Trump cố gắng tìm kiếm sự hợp tác từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Những điều này càng làm phức tạp cách xử lý của ông Trump đối với đất nước mà ông gọi là mối đe dọa bên ngoài cấp bách nhất đối với Mỹ.

Giờ đây, ông phải đối mặt những lựa chọn chẳng dễ chịu gì: dùng sức mạnh quân sự; thắt chặt trừng phạt, bao gồm trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên; hoặc cởi mở với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

“Dù tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Chủ tịch Tập và Trung Quốc đã giúp đỡ đối phó Triều Tiên, nhưng điều đó không mang lại kết quả”, ông Trump viết trên Twitter trước thềm cuộc đối thoại cấp cao về ngoại giao và chiến lược Mỹ - Trung diễn ra ngày 21/6 tại Washington. “Ít nhất tôi biết là Trung Quốc đã cố gắng”.

Chưa biết phát biểu này của ông Trump sẽ tác động như thế nào cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy. Nhưng Ngoại trưởng Tillerson và các quan chức Mỹ khác dự kiến sẽ gây sức ép lên phía Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, thông tin về hoạt động gia tăng tại địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên càng làm tăng tính cấp bách của tình hình và cho thấy Trung Quốc đã thất bại trong việc kiềm chế những hành động quyết liệt của Bình Nhưỡng.

Giới chức Mỹ cho biết, họ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên nhiều công ty và ngân hàng Trung Quốc có quan hệ với Triều Tiên. Bước đi như vậy sẽ làm tăng đáng kể áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng, nhưng cũng sẽ gây thù hận với chính phủ Trung Quốc, giới quan sát nhận định.

Trong ngắn hạn, cái chết của sinh viên Warmbier vì tổn thương não trong thời gian ở Triều Tiên càng khiến khả năng Washington đối thoại với Bình Nhưỡng thêm xa vời. Trước đây, ông Trump từng nói sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu có điều kiện tốt. “Rõ ràng chúng ta đang đi ngày càng xa hơn những điều kiện như vậy. Tôi không cho rằng chúng ta đã tiến được gần hơn chút nào”, ông Sean Spicer, thư ký báo chí Nhà Trắng, nói.

Nhưng việc Trung Quốc thất bại trong việc gây áp lực lên Triều Tiên giúp Mỹ có thêm lựa chọn khác tốt hơn trong ngoại giao. Một số quan chức Mỹ từng hy vọng việc sử dụng những cuộc đàm phán bí mật để Warmbier được thả sẽ mở ra khả năng đối thoại với Triều Tiên trong những vấn đề khác.

Ván cược lớn nhất

Căng thẳng giữa một phe không muốn đối thoại và thực hiện chính sách cứng rắn hơn với một phe muốn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đối thoại toát lên trong cách phản ứng mơ hồ của Washington sau khi Warmbier được đưa về nước trong tình trạng hôn mê.

Lúc đầu, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nói rất ít về trường hợp này, chỉ thông báo rằng thanh niên này đã đoàn tụ với gia đình. Nhưng khi dư luận dậy sóng sau khi Warmbier qua đời, cả hai cơ quan đều đưa ra tuyên bố lên án cách đối xử của Triều Tiên đối với công dân Mỹ.

Ông Trump có vẻ trách móc người tiền nhiệm Barack Obama hơn là đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Nói thẳng ra, nếu cậu ấy được đưa về sớm hơn, tôi nghĩ kết quả sẽ rất khác”, ông Trump nói. Nhưng ngay cả khi ngầm trách cứ người tiền nhiệm, ông Trump dường như đã quay lưng với một trong những ván cược lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, các nhà phân tích nhận định.

Tại cuộc gặp hồi tháng 4 ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã hạ giọng trong vấn đề thương mại và tiền tệ để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc nhằm gây thêm áp lực với Triều Tiên. Theo cách này, Tổng thống Mỹ đã đưa ông Tập vào vị trí trung tâm trong chiến lược đối phó Bình Nhưỡng. “Tôi giải thích với ngài Chủ tịch Trung Quốc rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ tốt hơn nhiều đối với họ nếu họ giải quyết được vấn đề Triều Tiên”, ông Trump tuyên bố trên Twitter vài ngày sau cuộc gặp lần đó với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đến khi các bằng chứng cho thấy Trung Quốc chỉ làm vài việc khiêm tốn đối với Triều Tiên, sự mất kiên nhẫn với Bắc Kinh ngày càng gia tăng trong Nhà Trắng. “Câu hỏi mà chúng ta chờ đợi nay đã được trả lời. Khi nào Tổng thống Trump nhận ra rằng ông Tập Cận Bình sẽ không mang Triều Tiên đến cho ông ấy, và ông ấy sẽ làm gì khi điều đó xảy ra?”, báo Mỹ New York Times dẫn lời ông Ely Ratner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại (một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Mỹ và các vấn đề quốc tế).

Một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, chính quyền Mỹ sẽ dùng cái chết của Warmbier để đòi Trung Quốc gây sức ép để Bình Nhưỡng thả nốt 3 người Mỹ đang bị cầm tù ở Triều Tiên. Theo họ, nếu không có vấn đề Triều Tiên thì quan hệ Mỹ - Trung cũng sớm sóng gió. Trong vài ngày tới, chính quyền Mỹ có thể sẽ tuyên bố rằng thép nhập khẩu từ nước ngoài đe dọa ngành công nghiệp thép của Mỹ. Điều đó sẽ dẫn đến việc ông Trump áp tăng thuế đối với mặt hàng này, trong khi Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều thép.

“Giai đoạn yên ả trong quan hệ Mỹ - Trung không bền vững. Chúng ta đang tiến tới lúc kết thúc giai đoạn khởi đầu của chính quyền Trump, và mọi thứ sẽ chỉ tệ hơn”, ông Eric Albach, phó chủ tịch Albright Stonebridge Group (một công ty về chiến lược kinh doanh toàn cầu), nhận định.

Vấn đề Triều Tiên được dự báo là chủ đề hàng đầu trong Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Mỹ - Trung sắp tới. Hiện trạng Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông, cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng sẽ được hai bên thảo luận, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG