Phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

Tàu Trung Quốc liên tục đe dọa, tấn công, cảm tử tàu cá Việt Nam tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam. ảnh: N.C
Tàu Trung Quốc liên tục đe dọa, tấn công, cảm tử tàu cá Việt Nam tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam. ảnh: N.C
TP - Hàng chục học giả đến từ Mỹ, Nga, Pháp, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ… đều cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là việc cần thiết nhất mà Việt Nam phải làm, để khẳng định chủ quyền trên biển Đông, đòi lại Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ “đường 9 đoạn”.

Các học giả tham dự Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa: Trường Sa – Sự thật lịch sử” do ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng tổ chức ngày 20/6 tại Đà Nẵng. Các học giả phân tích, những sự thật lịch sử, chứng cứ mà phía Việt Nam đưa ra cùng những bước đi từ xưa đến nay của phía Trung Quốc cho thấy nước này ngày càng lộ rõ mưu đồ thôn tính không chỉ Hoàng Sa – Trường Sa mà toàn bộ biển Đông.

Mưu đồ của Trung Quốc là độc chiếm biển Đông


Ông Patrick Cornin, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định. “Trung Quốc đang cố tranh thủ tán tỉnh và thưởng công những nước láng giềng sẵn sàng quan hệ mật thiết với Bắc Kinh và tìm cách cô lập, trừng phạt những nước đơn phương chống lại Trung Quốc”. Trung Quốc đang muốn giành sự kiểm soát thực tế và kiểm soát theo luật đối với yêu sách “đường 9 đoạn” chiếm phần lớn biển Đông. Sự quyết liệt đang tăng lên của họ làm mất ổn định trong khu vực và trở thành nguy cơ hiện hữu nhất về sự leo thang quân sự tại châu Á, ông nhận định. 

Học giả người Pháp Jean – Pierre Ferrier (Đại học Paris 2) nói rằng, nghiên cứu về lịch sử chiếm đóng Hoàng Sa dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc chưa hề thực hiện chiếm đóng hiệu quả, liên tục và thường xuyên cho tới sau cuộc chiếm đóng năm 1974. Chiếm đóng quân sự là chưa đủ để hợp thức hóa chủ quyền, vẫn còn thiếu ít nhất một yếu tố thứ hai là lịch sử và sự nhận thức của công chúng, tức những công bố về chủ quyền không bao giờ gây tranh cãi trong dư luận. 

“Việc chiếm đóng và triển khai quân sự của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế (sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp) không thể hợp lý hóa việc Trung Quốc thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, học giả Ferrier nói. 

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Trung Quốc đang tìm mọi cách để hợp lý hóa “đường 9 đoạn” và quyết tâm biến biển Đông thành cái ao làng của họ. GS.TS Ngọc cảnh báo việc Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng ở đảo Gạc Ma. 

“Đây là mối hiểm họa khôn lường. Nếu họ có sân bay, cảng biển ở Gạc Ma và những đảo lân cận thì đó sẽ là lúc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, gần hơn tới việc hiện thực hóa chiếm biển Đông. Lúc đó không chỉ là Việt Nam và một số nước ASEAN khốn đốn mà ngay cả cộng đồng quốc tế hoặc những nước lớn như Mỹ, Úc… cũng vạ lây”, GS.TS Ngọc nói.

Đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc

Giáo sư người Úc Carlyle Thayer cho rằng, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, nhất quyết đơn phương hành động độc chiếm biển Đông không chỉ là bất lợi của Việt Nam mà còn là mối đe dọa của cả thế giới. Vì thế, việc cần làm ngay lúc này là đưa vấn đề này ra thảo luận ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) và nhất thiết phải có một Hội đồng trọng tài quốc tế phân xử. 

“Mặc dù Trung Quốc là một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và khả năng lớn họ sẽ không chấp thuận, nhưng chúng ta cũng phải đưa ra. Vấn đề bây giờ không phải tranh chấp biển đảo mà là chủ quyền trên biển và sự thượng tôn pháp luật quốc tế”, GS Thayer nói. Tướng Daniel Schaeffer (Pháp) cho rằng, cần kiện ra tòa án quốc tế, phía Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý.

GS Jerome Cohen Viện trưởng Viện Luật pháp Mỹ - châu Á, ĐH Luật New York (Mỹ) nói rằng, châu Á có thể thành lập tòa khu vực để giải quyết những vấn đề trong khu vực. 

GS Erik Franckx (ĐH Tự do Brusses, Bỉ) nói rằng, Việt Nam có thể chọn cách giải quyết như Philippines là yêu cầu Trung Quốc định nghĩa rõ về “đường 9 đoạn”, dù khả năng xấu nhất là tòa không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề này.

Chính quyền Trung Quốc đang lừa dối nhân dân họ

Đó là nhận định của PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an), tại buổi tọa đàm Tình hình an ninh biển Đông hiện nay do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức tại Hà Nội sáng 20/6. 

Lý giải việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, dầu mỏ chỉ là nguyên cớ, còn độc chiếm biển Đông mới là mục đích cuối cùng của Trung Quốc. Trung Quốc từng đề nghị chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ. Qua đó, Trung Quốc muốn khống chế Nhật Bản, Hàn Quốc, nắm gọn ASEAN. 

Công Khanh
 (ghi)

MỚI - NÓNG