Từng cân nhắc sơ tán Tokyo

Cả người kín mít trước khi vào nhà máy Fukushima Ảnh: BBC
Cả người kín mít trước khi vào nhà máy Fukushima Ảnh: BBC
TP - Chục ngày nữa, Nhật Bản sẽ kỷ niệm 1 năm sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới 25 năm qua, trong khi cỏ dại đang mọc đầy quanh nhà máy Fukushima. Báo cáo mới nhất cho thấy, chính phủ Nhật Bản từng tính đến phương án sơ tán cả thủ đô.

> Siemens sẽ không phát triển điện hạt nhân

Báo cáo do một ban độc lập tiến hành, dựa trên hàng trăm cuộc phỏng vấn với các nghị sĩ, nhà quản lý và công nhân nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Theo đó, chính phủ đã chuẩn bị cho khả năng phải sơ tán Tokyo, trong khi trấn an hàng triệu người dân rằng mọi thứ vẫn ổn, trong tầm kiểm soát.

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều quan chức tiết lộ họ từng xét đến khả năng “phản ứng chuỗi chết người”: Nếu nhà máy Fukushima sập và phát xạ đủ lớn, thì những nhà máy điện hạt nhân gần đó có thể bị bỏ rơi, sụp đổ, dẫn tới việc phải sơ tán một trong những thành phố đông nhất thế giới.

Mọi người sẽ sơ tán tới đâu, bằng phương tiện gì? Chi phí để khử nhiễm xạ là bao nhiêu? Hạ tầng giao thông của Tokyo lúc đó căng thẳng hơn thường lệ vì các sân bay, nhà ga đóng cửa sau khi động đất, sóng thần xảy ra.

Trong khi đó, người dân đông đặc trên các xa lộ để đến với gia đình của họ ở vùng duyên hải hứng chịu thảm họa kép. Tối 11-3-2011, vào được Tokyo đã khó, ra khỏi thủ đô còn khó hơn.

Quyết định không thông báo cho người dân về hiểm họa tiềm tàng cuối cùng khiến họ không tin vào chính phủ và báo chí.

Các chính phủ khác liệu có hành động khác đi? Theo tài liệu của Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ được công bố tuần trước theo Đạo luật tự do thông tin, Washington cũng chọn cách không thông báo cho người dân về một trong những kịch bản tồi tệ nhất của Mỹ sau thảm họa Fukushima: phóng xạ có thể phát tán đủ xa, đủ mạnh để gây nguy cơ sức khỏe của người dân bang Alaska.

Bản báo cáo mới nhất của Nhật Bản cũng soi các hành động của Thủ tướng Naoto Kan (đã từ chức cuối năm ngoái, sau khi bị chỉ trích cách xử lý thảm họa ngày 11-3-2011).

Theo ban độc lập, lúc đó, Thủ tướng Kan can thiệp quá sâu một số khía cạnh quản lý khủng hoảng, ví dụ kích thước ắc-quy ở nhà máy Fukushima phải là bao nhiêu sau khi sóng thần làm hỏng nguồn điện…

Tuy nhiên, ban độc lập cũng ghi nhận một công lao lớn của ông Kan, đó là quyết định tới trụ sở chính của Cty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lý, vận hành nhà máy Fukushima, để kiên quyết yêu cầu Cty giữ lại một nhóm công nhân nòng cốt ở nhà máy. Việc làm này được đánh giá là rất có thể đã cứu nhà máy khỏi sụp đổ hoàn toàn.

Tóm lại, bản báo cáo mới nhất về vụ Fukushima phản ảnh việc hoàn toàn thiếu chuẩn bị cho một sự cố quy mô lớn như vậy và sự bất lực của các cơ quan liên quan trong việc xử lý khủng hoảng sau đó. Các nhà làm luật Nhật Bản thừa nhận rằng họ không ý thức được việc phải có một văn bản pháp lý tầm cỡ để xử lý thảm họa hạt nhân.

Ngoài ra, họ không rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc gì. Các quan chức chính phủ nói với ban độc lập rằng, họ không có thông tin hoặc nhận được rất ít thông tin từ TEPCO, về những gì đang diễn ra tại nhà máy. Trong khi đó, quan chức ở các cơ quan hạt nhân chậm báo cáo Văn phòng Thủ tướng về những sự kiện, diễn biến mới.

Không người ở, cỏ mọc đầy

Cỏ dại quanh nhà máy Fukushima Ảnh: Reuters
Cỏ dại quanh nhà máy Fukushima Ảnh: Reuters.
 

Một năm qua, thảm họa Fukushima là tâm điểm sợ hãi của người Nhật. Giờ đây, Fukushima đứng vững trở lại, theo cái nhìn của nhóm phóng viên nước ngoài đầu tiên được phép tới nhà máy từ khi khủng hoảng hạt nhân bắt đầu.

Tại Làng J, nơi từng là trung tâm huấn luyện bóng đá quốc gia của Nhật Bản, các phóng viên mặc đồ bảo hộ, sẵn sàng đối mặt phóng xạ. Đầu tiên, họ mặc bộ áo liền quần bằng nhựa màu trắng, sau đó đi ủng nhựa bên ngoài giày, đeo găng tay và khẩu trang giấy.

Họ mang theo mặt nạ phòng độc để dùng khi tới nhà máy. Đi qua rào chắn của cảnh sát ở khu vực cấm vào, họ bắt đầu tiến vào vùng đất không một bóng người.

Cây cỏ mọc tràn lan quanh nhà máy, vỉa hè bị cỏ dại che kín. Xe hơi, nhà trơ trọi đó đây. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ngay cả chim chóc cũng rời bỏ khu vực này. Các cửa hàng vẫn đầy hàng hóa, những cuốn tạp chí bên cửa sổ một cửa hàng phai màu dưới ánh mặt trời.

Cứ mỗi cây số nhóm phóng viên đi qua, mức phóng xạ lại tăng. Nhân viên của TEPCO liên tục thông báo qua loa mức độ nhiễm xạ. Khi nhóm phóng viên tới nhà máy, họ nhanh chóng được dẫn tới tòa nhà có phòng điều khiển chính – nơi phát ra tiếng ồn của các máy lọc không khí nhằm ngăn bụi nhiễm xạ bay vào.

Bên trong, các bức tường được trang trí với những thông điệp chúc may mắn đến từ khắp nơi trên thế giới. Hàng nghìn con hạc giấy được xếp trên các bậc thang - một biểu tượng hòa bình, may mắn. Trong phòng điều khiển, một người viết chữ hy vọng bằng tiếng Nhật trên quốc kỳ.

Ngoài ra, khoảng 100 người đang ngồi quanh các bàn để máy tính xách tay, chăm chú giám sát các lò phản ứng từng phút một.

Các lò phản ứng đang ở chế độ tắt, nước bên trong ở dưới điểm sôi. Không khí tĩnh lặng nhưng căng thẳng. Trong một căn phòng rộng có mấy chiếc giường đôi, các phóng viên gặp giám sát nhà máy Takeshi Takahashi có đôi mắt sâu, trông rất mỏi mệt.

Ông Takahashi nói rằng một trong những mối quan tâm lớn của họ là một trận động đất hoặc sóng thần nữa. Nếu chúng xảy ra, nhà máy có thể gặp khủng hoảng lần nữa. “Chúng tôi luôn phải ghi nhớ một điều: không được để khí phóng xạ thoát ra lần nữa. Chúng tôi muốn người dân địa phương có thể trở về nhà càng sớm càng tốt”, ông nói.

Sau đó, nhóm phóng viên được yêu cầu đeo mặt nạ phòng độc và được dẫn đi xem các lò phản ứng. Trên đường đi, họ nhìn thấy các bể lớn chứa nước nhiễm xạ, đường ống nước và dây cáp điện chạy loằng ngoằng…

Cách các tòa nhà chứa lò phản ứng khoảng 100m, nhóm phóng viên thấy chúng vẫn vững vàng dù trải qua vài vụ nổ hồi tháng 5-2011.

Các cần cẩu khổng lồ màu đỏ và trắng nghển cổ nhìn vào. Các công nhân mặc đồ bảo hộ trắng đang làm việc cạnh chỗ đổ nát. Mục tiêu cuối cùng là dỡ bỏ nhà máy, gỡ nhiên liệu hạt nhân ra. Nhưng chính phủ Nhật Bản thông báo, có thể mất 40 năm mới làm xong.

Câu chuyện của chuyên gia tâm thần học

Người dân Tokyo ngày 3-2-2012 diễn tập sơ tán khi động đất lớn xảy ra Ảnh: Kyodo
Người dân Tokyo ngày 3-2-2012 diễn tập sơ tán khi động đất lớn xảy ra.  Ảnh: Kyodo.
 

Sau thảm họa Fukushima, chuyên gia tâm thần học Jun Shigemura tình nguyện chăm sóc tâm lý công nhân nhà máy, dù vợ ông không bằng lòng. Ông kể: Các công nhân TEPCO nghĩ rằng họ sẽ chết khi các lò phản ứng nổ hồi tháng 5. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục công việc để cứu Nhật Bản, nhưng dư luận trách họ vì họ làm việc cho TEPCO.

Nhiều người nghĩ TEPCO chịu trách nhiệm về thảm họa. Các công nhân này không được coi là anh hùng như ở châu Âu đâu. Có thời điểm, người nào đó tặng rau tươi cho các công nhân vì TEPCO không thể cung cấp thực phẩm tươi trong khu vực phải sơ tán. Người đó bí mật tặng rau vì không muốn bị bắt quả tang giúp công nhân TEPCO.

Hiện nay, các công nhân vẫn bị chấn thương về tinh thần. Ông Shigemura đang điều trị một nam giới hơn 40 tuổi. Người này có nhà gần nhà máy. Nhà ông và con trai 7 tuổi bị cuốn trôi, thiệt mạng. Ông phải đến nơi khác thuê nhà sống, nhưng bị chủ nhà từ chối vì ông làm cho TEPCO. Cuối cùng khi ông tìm được một căn hộ thì hàng xóm dán giấy lên cửa phòng ông, ghi dòng chữ: Công nhân TEPCO ra ngoài. Vì nhiễm xạ liều cao, ông phải chuyển sang bộ phận làm việc khác mà ông không thấy thích thú vì trái ngành nghề được đào tạo. Ông lo mình mắc ung thư, trong khi túng thiếu vì lương giảm, nhà mất, phải đi thuê…

Thái An
theo Time, Spiegel, BBC, Kyodo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG