Đất chịu trời

Đất chịu trời
TP - Cuối cùng, cuộc trưng cầu ý dân vẫn diễn ra tại Ai Cập, bất chấp sự phản đối dữ dội của phe đối lập. Giới phân tích đánh giá, đây là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mohamed Morsi vẫn đang nắm quyền kiểm soát khá tốt chính trường.

> Tổng thống Morsi có thể bị “thẻ đỏ”
> Tổng thống Ai Cập 'xuống nước' về sắc lệnh Hiến Pháp mới

Cuộc khủng hoảng mới bùng nổ tại Ai Cập sau khi Tổng thống Morsi ban hành một sắc lệnh hiến pháp bị phe đối lập chỉ trích là hành động thâu tóm quyền lực.

Để đối phó với làn sóng bất bình dâng cao, đương kim tổng thống cùng với sự hậu thuẫn của Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã gấp rút hoàn thành bản dự thảo hiến pháp với cam kết sẽ từ bỏ những đặc quyền gây tranh cãi sau khi văn kiện trên được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân.

Tất nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các nhóm Công giáo và tự do, những người lo ngại một bản hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo sẽ mở đường cho sự lên ngôi của một chính thể đặc trưng Hồi giáo tại quốc gia này.

Tuy nhiên, với một lực lượng ủng hộ hùng hậu, phe Hồi giáo rất tự tin khả năng giúp tổng thống vượt qua mọi trở ngại. Hơn nữa, phản ứng thận trọng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong những ngày đỉnh điểm khủng hoảng cho thấy ông Morsi vẫn đang được lòng cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt sau khi thành công với vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza, uy tín của Tổng thống Morsi đã được nâng cao. Rõ ràng nhất là việc Mỹ đã tỏ rõ thái độ “không can thiệp vào vấn đề nội bộ Ai Cập”.

Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Trong những ngày cuối cùng trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, phe đối lập đổi chiến thuật, thay vì tẩy chay chuyển sang chấp nhận tham gia sự kiện này nhưng kêu gọi bỏ phiếu phản đối.

Mặc dù kết quả cuối cùng chưa được công bố, song việc phe đối lập chấp nhận cuộc trưng cầu ý dân phần nào đã chứng tỏ ông Morsi vẫn có ưu thế.

Liệu đây có phải là một tín hiệu tốt cho tương lai Ai Cập hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Tuy nhiên, điều nhìn thấy trước là chắc chắn cuộc trưng cầu ý dân này vẫn chưa đủ sức để hóa giải mối bất đồng sâu sắc giữa các lực lượng chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc chính trường của xứ sở Kim Tự Tháp sẽ còn nhiều phen nổi sóng trong tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG