Phi công F-16 thoát chết thần kỳ nhờ hệ thống lái tự động

Phi công tiêm kích có thể bất tỉnh khi thực hiện những động tác tăng tốc quá nhanh. Ảnh: Aviationist.
Phi công tiêm kích có thể bất tỉnh khi thực hiện những động tác tăng tốc quá nhanh. Ảnh: Aviationist.
Khi phi công bất tỉnh, chiếc tiêm kích lao nhanh xuống đất, nhưng hệ thống tự lái kích hoạt kịp thời đã ngăn chặn thảm họa xảy ra.

Không quân Mỹ (USAF) vừa công bố một đoạn video về khoảnh khắc Hệ thống tránh Va chạm Mặt đất Tự động (Auto-GCAS) cứu mạng phi công tiêm kích F-16 hồi tháng 5, theo Aviation Week.

Đoạn video mới được đăng tải ghi lại khoảnh khắc hệ thống Auto-GCAS tự kích hoạt trên một chiếc tiêm kích F-16 của lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia bang Arizona rơi từ độ cao 5,1 km xuống 1,5 km trong chưa đầy 20 giây.

Player Loading...

Trong khi tham gia đợt bay huấn luyện ngày 5/5, phi công lái chiếc F-16 thực hiện cú chuyển hướng gấp sang trái với vận tốc trên 1.108 km/h, tạo ra lực ép gia tốc trọng trường 8,3G.

Lực ép quá lớn khiến phi công bất tỉnh, mất khả năng điều khiển máy bay và không thể liên lạc qua radio cho giáo viên hướng dẫn. Chiếc tiêm kích tiếp tục lao đi với phần mũi chúc dần xuống.

Sau 22 giây, chiếc F-16 chúi xuống một góc 50 độ khi đang hành trình siêu thanh. Giáo viên hướng dẫn hoảng hốt hét lên “số 2 lấy lại độ cao!” khi chiếc máy bay rơi xuống độ cao 3,7 km ở vận tốc 1.083 km/h. Giáo viên tiếp tục cuống cuồng yêu cầu học viên bay lên nhưng không có phản hồi, chiếc tiêm kích vẫn lao thẳng xuống phía dưới.

Khi chiếc F-16 tụt xuống độ cao 2,4 km với vận tốc 1.206 km/h, hệ thống Auto-GCAS đã tự động kích hoạt, điều khiển máy bay khôi phục độ cao, cứu mạng phi công bên trong.

Bình luận viên Michael Ballaban của Foxtrotalpha cho biết hệ thống Auto-GCAS sẽ tự động kích hoạt nếu nó nhận thấy máy bay sắp có khả năng va chạm với mặt đất. 

Auto-GCAS, có khả năng liên tục so sánh tương quan giữa đường bay dự kiến trên máy bay với dữ liệu trên khoang về địa hình địa vật, đã xác định tình huống mất độ cao của phi công và can thiệp đúng vào thời điểm quan trọng nhất. Trong trường hợp này, hệ thống đã hoạt động tốt và cứu được mạng sống của phi công.

Đây là lần thứ 4 hệ thống Auto-GCAS cứu mạng phi công kể từ lần đầu ra mắt cuối năm 2014.

Hệ thống Auto-GCAS, một phần trong gói Công nghệ Tránh Va chạm Mặt đất (GCAT), do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hợp tác phát triển chung với không quân Mỹ và nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin trong gần ba thập kỷ qua. Sau nhiều lần Auto-GCAS hoạt động thành công trên tiêm kích F-16, Mỹ có kế hoạch trang bị đại trà hệ thống này trên các dòng chiến đấu cơ F-22, F-35 và F-18.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG