Philippines làm khó chiến lược xoay trục của Mỹ

Philippines và Mỹ tập trận chung trên biển Đông. Ảnh: AP.
Philippines và Mỹ tập trận chung trên biển Đông. Ảnh: AP.
TP - Chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ vấp phải hòn đá tảng khi lãnh đạo Philippines được cho là đang theo đuổi chính sách ngoại giao đánh đổi Mỹ lấy Trung Quốc.

Chỉ chưa đầy 3 tháng lên cầm quyền, ông Rodrigo Duterte, vị tổng thống 71 tuổi của Philippines, đã dùng những lời tục tĩu để nói về Tổng thống Mỹ Barack Obama và thề sẽ chấm dứt hợp tác với quân đội Mỹ trong cả lĩnh vực chống khủng bố và tuần tra trên khu vực tranh chấp thuộc biển Đông. Trong khi đó, Tổng thống Philippines có những bước đi nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, quốc phòng với Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Duterte được cho là khó đoán, vì có lúc ông coi Trung Quốc là “hào phóng”, lúc khác lại dọa một cuộc chiến “đẫm máu” nếu Bắc Kinh tấn công Manila. Nhưng cách hành xử của Tổng thống Philippines được cho là đang làm suy giảm nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp các quốc gia cùng đứng lên chống lại hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc. 

Với cách làm như vậy, ông Duterte có thể sẽ làm thay đổi hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines ký năm 1951 – một thỏa thuận trở thành nền tảng vững chắc cho sự ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Dù nói rằng sẽ tôn trọng quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng ông Duterte nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải có “một chính sách đối ngoại độc lập” và chất vấn liệu Mỹ có sẵn lòng can thiệp nếu Trung Quốc chiếm bất kỳ phần lãnh thổ nào của Philippines trên biển Đông.

“Đây có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với tình hình biển Đông nói chung và sự cạnh tranh Mỹ - Trung nói riêng”, ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại ĐH Lĩnh Nam ở Hong Kong, nhận định. “Chính sách đối ngoại của ông Duterte có thể chuyển biến đáng kể bức tranh địa chính trị ở khu vực, đưa Trung Quốc vào vị trí lợi thế hơn Mỹ”, Bloomberg dẫn lời ông Zhang.

Một trong những lợi ích lớn nhất mà Trung Quốc có được là tiềm năng đạt được thỏa thuận trên biển Đông. Chỉ vài tuần sau khi ông Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6, Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết diện tích biển Đông. Đây được coi là chiến thắng cho Philippines trong vụ kiện do người tiền nhiệm của Tổng thống Duterte, ông Benigno Aquino III, triển khai.

Dù nói rằng sẽ tôn trọng thỏa thuận với Mỹ, Tổng thống Duterte đã gửi đi những tín hiệu rằng ông để ngỏ khả năng đối thoại với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, và ông cũng không thúc đẩy việc đề cập kết quả phán quyết trong bản thông cáo của hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tuần trước tại Lào. Trước khi nhậm chức, ông Duterte nói sẽ cân nhắc việc gạt sang một bên những bất đồng về lãnh thổ để đổi lấy tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng.

Hồi tháng 7, ông Duterte cử cựu Tổng thống Fidel Ramos đến Hong Kong để tìm ra những quan điểm chung với Trung Quốc. Ông Ramos sau đó kêu gọi cần trao cho Philippines vai trò lớn hơn trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kết nối các bến cảng, trung tâm thương mại từ châu Á sang châu Âu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 6/9 nói rằng, Trung Quốc “sẵn sàng nỗ lực cùng Philippines để xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy quan hệ song phương”.

Rủi ro lớn

“Đừng ngây thơ về điều này. Không nước nào có thể hưởng lợi từ những khác biệt giữa chúng tôi với Mỹ và các đồng minh, ngoài Trung Quốc”, ông Lauro Baja, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và là cựu đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo, nhận định. “Với những hành động và tuyên bố thời gian qua, dù muốn hay không, Philippines đang gửi thông điệp sai đến Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh khác”, ông Baja nói.

“Người Trung Quốc muốn biển Đông trở thành eo biển Trung Quốc, để họ kiểm soát vùng trời và vùng biển ở đó. Đó là cuộc chơi lâu đài, và việc ông Duterte đột nhiên nghiêng về Bắc Kinh cũng nằm trong cuộc chơi đó”, ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc, phân tích. 

Việc Trung Quốc cải tạo, bồi đắp ồ ạt và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông những năm gần đây đã đẩy một số nước láng giềng gần hơn với Mỹ. Chính quyền Obama đã gia tăng hợp tác quân sự với các nước khu vực, trong đó có Philippines. Nhưng tại cuộc họp thượng đỉnh vừa qua tại Lào, sự bất đồng giữa ông Obama và ông Duterte về cuộc chiến chống ma túy với hàng ngàn cái chết ở Philippines đã lấn át hết bất kỳ chỉ trích nào hướng về Trung Quốc.

“Đó là viễn cảnh cực kỳ xấu”, ông Hideki Makihara, một thành viên của đảng Dân chủ tự do cầm quyền Nhật Bản, nhận xét về khả năng Philippines đứng về phía Trung Quốc. Nhưng trong lúc này, giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh những lợi ích trong quan hệ quốc phòng với Philippines. “Chúng tôi chia sẻ rất nhiều mối quan tâm và lợi ích chung. Mỹ và Philippines vẫn đang hợp tác hiệu quả với nhau trong nhiều lĩnh vực để thúc đẩy lợi ích chung”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói hôm 12/9.

Giới quan sát cho rằng, ông Duterte sẽ khó duy trì chính sách hướng về Trung Quốc. Nếu Trung Quốc từ chối bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào trên biển Đông, đặc biệt trong vấn đề khai thác hải sản ở bãi cạn Scarborough, Tổng thống Duterte có thể vấp phải sự phản ứng dữ dội trong nước, ông Richard Javad Heydarian, nhà nghiên cứu tại ĐH De La Salle ở Manila, nhận xét.

 “Đây chính xác là lý do tại sao quan hệ an ninh với Mỹ sẽ vẫn là thứ không thể đánh đổi đối với Philippines”, ông Heydarian viết trong một bài gửi cho Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (trụ sở tại Washington) tuần trước. Nhưng nay Mỹ không thể kỳ vọng mức độ ủng hộ ngoại giao và hợp tác quốc phòng chiến lược từ phía Philippines như trước được nữa. “Đây là điều bình thường mới trong quan hệ Philippines - Mỹ”, ông viết.

Nhật Bản sẽ tăng cường vai trò trên biển Đông

Hôm qua, phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện trên biển Đông. Bà Inada cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tăng cường vai trò trên vùng biển tranh chấp nhằm duy trì một trật tự trên biển dựa trên pháp quyền đang bị Trung Quốc thách thức.

Theo đó, Nhật Bản sẽ tham gia các chuyến huấn luyện chung giữa Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản và Hải quân Mỹ;  tập trận song phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực; hỗ trợ xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển đang bị ảnh hưởng bởi những hành động quyết liệt của Trung Quốc trên biển. Bà Inada cũng chỉ trích Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông và không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, báo Japan Times đưa tin.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.