Philippines tiếp nhận thêm chiến đấu cơ FA-50

Chiến đấu cơ FA-50 Golden Eagle được Philippines đặt mua từ Hàn Quốc. (Ảnh: KAI)
Chiến đấu cơ FA-50 Golden Eagle được Philippines đặt mua từ Hàn Quốc. (Ảnh: KAI)
Không quân Philippines (PAF) hôm qua đã tiếp nhận 2 chiến đấu cơ FA-50 Golden Eagle từ tập đoàn chế tạo Korea Aerospace Industries (KAI) của Hàn Quốc. Đây là 2 trong số 12 chiến đấu cơ FA-50 mà Philippines đặt mua với tổng giá trị 400 triệu USD.

Theo hợp đồng ký kết năm 2013, KAI sẽ bàn giao 12 chiến đấu cơ FA-50 từ nay cho đến năm 2017.

Chiến đấu cơ sẽ giúp củng cố năng lực của Không quân Philippines.

FA-50 có khả năng mang nhiều loại vũ khí trong đó bao gồm cả các tên lửa không đối không, đất đối không, súng máy, bom dẫn hướng như JDAM hay CBU. Chiến đấu cơ này cũng được trang bị hệ thống tạo ảnh nhìn ban đêm và giúp bảo vệ hệ thống tiếp nhận cảnh báo từ radar.

Hai chiến đấu cơ mới sẽ được chuyển đến căn cứ không quân Clark từng được quân đội Mỹ sử dụng trước kia.

Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Không quân Philippines, Đại tá Enrico Canaya cho biết, 2 phi công Hàn Quốc sẽ điều khiển các chiến đấu cơ trong thời gian 3 phi công của Không quân Philippines được huấn luyện tại Hàn Quốc. Ngoài ra, trước khi tham gia không lực Philippines, 2 máy bay sẽ được kiểm tra kỹ thuật.

Trong một diễn biến liên quan khác, đầu tuần này, Mỹ đã tăng viện trợ quân sự của Philippines năm 2015 lên 79 triệu USD để hỗ trợ năng lực tuần tra biển của Philippines.

Tháng 1/2013, Philippines đã kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn phi lý của Bắc Kinh tại biển Đông. Ngày 24/11, Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) chính thức bắt đầu phiên xử đơn kiện của Philippines. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 30/11.

Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của PCA trong vụ kiện với tuyên bố: “không bao giờ chấp nhận hoặc tham gia một vụ phân xử đơn phương do Philippines phát động”. Tuy nhiên, ngày 29/10, PCA cho biết, cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nên “phải giải quyết các tranh chấp theo công ước này”.

Phiên tòa diễn ra vào thời điểm Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đường băng và cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG