Quân cờ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ
TP - Tiến trình đàm phán giữa nhóm P5 + 1 (gồm Đức và năm nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc) với Iran về vấn đề hạt nhân lại được tiến hành như lịch trình đã định.

Đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận khung trước thời hạn chót 30/3 nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận cuối cùng trước 30/6, song khả năng thành công của tiến trình này dường như đang trở nên khó khăn hơn khi ngay từ đầu đã gặp phải những lực cản lớn.

Bài phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ được cho là đã châm ngòi một trận chiến mới giữa Nhà Trắng với Quốc hội. Phe Dân chủ nổi giận khi cho rằng những lời công kích mạnh mẽ của ông Netanyahu nhằm vào chính sách Iran của Nhà Trắng là “sự sỉ nhục với ngành tình báo nước Mỹ” vì đã “dám coi thường sự hiểu biết của nước Mỹ về mối đe dọa Iran”. Tuy nhiên, điều khiến các nghị sĩ của đảng Dân chủ giận dữ hơn là Thủ tướng Israel đã giúp cho phe Cộng hòa có thêm một cơ hội tấn công đảng Dân chủ.

Trong bối cảnh, cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đang đến gần, đảng Dân chủ đang nỗ lực củng cố uy tín của mình trong mắt cử tri, đặc biệt là sau khi đã để mất nốt vị thế đa số tại Thượng viện trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm 2014. Chính vì vậy, nếu tiến trình đàm phán Iran gặt hái được kết quả tích cực, điều này không chỉ giúp Washington tạo được uy tín trên trường quốc tế mà còn là một thành công đối ngoại của Tổng thống Obama trong những năm cuối nhiệm kỳ, có thể giúp mở rộng đường hơn cho một ứng cử viên nữa của đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vị trí ông chủ Tòa Bạch Ốc. 

Trong bối cảnh đảng Cộng hòa luôn tìm đủ mọi cách để ngăn cản các nỗ lực của Nhà Trắng thúc đẩy đàm phán với Iran, nhằm giảm uy tín của chính quyền do Tổng thống thuộc phe Dân chủ đứng đầu, bài phát biểu của Thủ tướng Israel đã giúp sức cho phe Cộng hòa. Thủ lĩnh phái Cộng hòa tại Thượng viện tuyên bố sẽ thúc đẩy ngay phiên thảo luận và thông qua dự luật Đánh giá Hạt nhân Iran, một dự luật mà nếu được ban hành thành đạo luật, sẽ đủ khả năng biến những nỗ lực đàm phán hàng năm giữa các bên nhằm tìm kiếm tiếng nói chung thành con số không. 

Đàm phán hạt nhân Iran thành công hay thất bại vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, có một điều thấy rõ là, tiến trình này dường như đang trở thành một quân cờ trong ván bài quyền lực tại chính trường Mỹ hơn là một vấn đề an ninh mang tầm cỡ quốc tế.

MỚI - NÓNG