Quan hệ Trung-Mỹ sau khi ông Obama tuyên bố ‘xoay trục’ sang châu Á

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Trung-Mỹ là một trong những cặp quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Quan hệ Trung-Mỹ ngay từ khi bắt đầu đã không phải là quan hệ song phương đơn thuần, nó có quan hệ mật thiết đối với hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trải qua nhiều khó khăn, thách thức và cả những cuộc "đi đêm" có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới, hai nước Trung-Mỹ đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1/1/1979.

Kể từ đó, quan hệ Trung-Mỹ phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, sự thăng trầm trong quan hệ Trung-Mỹ luôn xảy ra.

Trong suốt quá trình phát triển quan hệ Trung-Mỹ vừa có hợp tác cũng có đấu tranh, vừa có thành công cũng có trắc trở, có cao trào cũng có thoái trào.

Từ khi thế giới bước vào thế kỷ 21 đến nay, những nhân tố quyết định và ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ không ngừng thay đổi. Điểm nhấn lớn nhất trong quan hệ Trung-Mỹ phải kể đến đó là thời điểm Mỹ tuyên bố “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương.

Bài 1: Chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ và nhân tố Trung Quốc

Trước những chuyển biến mau lẹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về kinh tế, chính trị, quân sự, tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton lần lượt tuyên bố chiến lược “xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương “là để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng ông “đã đưa ra những quyết định chiến lược và có tính toán - với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn và lâu dài trong việc định hình khu vực này và tương lai của nó”.

Các tuyên bố trên đánh dấu Mỹ chính thức bước vào thời kỳ “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương. Theo cách định nghĩa của Mỹ, chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhằm tìm cách tái tiếp sinh lực cho sự can dự về kinh tế, ngoại giao và quân sự của Mỹ ở khu vực này.

Sau 5 năm triển khai thực hiện tính từ năm 2011 đến khi Obama rời nhiệm sở, ở một chừng mực nhất định, chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã có tác động tích cực trong việc củng cố hòa bình và ổn định khu vực, ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phát triển kinh tế giữa các quốc gia.

Đặc biệt, chiến lược tái cân bằng cũng đã giúp Mỹ phát triển mối các mối quan hệ đối tác sâu hơn khắp khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, có thể thấy trọng tâm trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là kinh tế và ngoại giao, nhưng khía cạnh quân sự lại được chú trọng với những động thái gây chú ý như phát triển năng lực để đối phó với sự quyết đoán ngày một tăng của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông và siết chặt hợp tác quân sự với các đồng minh chủ chốt trong khu vực.

Tuy nhiên, những mục tiêu mà chiến lược này đặt ra vẫn chưa đạt được như mong đợi. Chẳng hạn, việc tái xây dựng quan hệ với Philippines, gồm cả hỗ trợ nước này tăng cường khả năng quân sự, là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ.

Nhưng việc ông Obama bị tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lăng mạ và tuyên bố “ly khai” khiến quan hệ Manila-Washington như bị dội cả xô nước đá.

Với Thái Lan được coi là thất bại lớn nhất trong chiến lược "xoay trục". Theo các chuyên gia, Thái Lan là quốc gia vốn có quan hệ thân thiết với Mỹ, là trụ cột trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực.

Thế nhưng tiếng nói của Mỹ không có sức ảnh hưởng trong 2 vụ đảo chính quân sự diễn ra trong một thời gian ngắn ở Bangkok. Trong khi đó, Trung Quốc đang ra sức lôi kéo Thái Lan một cách khôn khéo và đầy mưu lược.

Về kinh tế-thương mại, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từng có lúc tiến triển suôn sẻ, được xem là thành công lớn và là di sản chính trị của ông Obama. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP và gọi thỏa thuận thương mại này là tồi tệ, có thể khiến người Mỹ mất công ăn việc làm.

Như vậy có thể thấy Trung Quốc là đối tượng trọng điểm trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Obama. Hiện vẫn chưa có đánh giá chi tiết về mức độ thành bại trong chiến lược này của ông Obama.

Liệu chính quyền mới của Mỹ có tiếp tục coi Trung Quốc là đối tượng trọng điểm trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không. Để trả lời câu hỏi này cần phải có những phân tích trên nhiều góc độ khác nhau.

Tuy vậy,  việc Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi TPP là động thái đầu tiên báo hiệu chính quyền mới của Mỹ sẽ có cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc theo cách riêng của mình.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".