Ra mà không ra

TP - Ngày 24/6 được coi là ngày lịch sử của nước Anh và gây ra cơn địa chấn toàn cầu khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố với  tỉ lệ 51,9% số người ủng hộ Anh rời EU và 48,1% phản đối (với số phiếu chênh lệch là 1,3 triệu). 

Điều này có nghĩa là đa số người Anh ủng hộ rời khỏi EU. Thế nhưng, đây mới chỉ là cuộc trưng cầu dân ý, nó không phải là một thông báo pháp lý. Việc Anh ra khỏi EU còn phải trải qua một loạt các thủ tục mà theo các nhà quan sát, nhanh nhất cũng phải mất hai năm theo hiệp ước của EU, còn cựu thành viên nội các Anh, Lord O’Donnell cho rằng việc hoàn tất đàm phán ra khỏi EU sẽ mất ít nhất là 10 năm.

Hiện tại, Anh vẫn là thành viên của EU. Trong thời gian này, Anh vẫn phải tuân thủ tất cả các quy tắc và tham gia các hoạt động thường xuyên của EU. Anh dự kiến thông báo chính thức đến EU tại một cuộc họp của Hội đồng châu Âu (EC) vào ngày 27/6.

 Khi hội đồng được thông báo, Điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 1973 sẽ được kích hoạt. Hai cơ quan lập pháp của EU gồm Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu phải bỏ phiếu thông qua những thỏa thuận này.

Về mặt thủ tục với EU, ai cũng biết  là khá rắc rối và chậm chạp. Chính vì lẽ đó, trong hơn tuần qua, người ta còn đồn đoán  về một số kịch bản cho cuộc trưng cầu dân ý này, trong đó có kịch bản “ra mà không ra”. Đây được cho là biện pháp bỏ phiếu ra để dọa EU. Tờ Sunday Times của Anh tuần trước còn đề nghị cử tri Anh cứ bỏ phiếu ra rồi chính phủ lấy đó làm đòn bẩy để thúc đẩy EU cải tổ mà không cần phải ra.

Sau cơn địa chấn này, thủ tướng Anh đương nhiệm đã phải tuyên bố từ chức, thủ tướng Đức Angela Merkel  đã phải cảnh báo các quốc gia thành viên EU chớ rút ra kết luận vội vàng khiến châu Âu có nguy cơ chia rẽ thêm. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, Brexit là phép thử nghiêm trọng đối với châu Âu.

Không biết có phải người dân Anh tin vào kịch bản này không, mà sau khi bỏ phiếu ủng hộ ra (Brexit) và nhìn thấy những hỗn loạn trong hiện tại và tương lai, họ lại lập tức quay đầu. 

Ngày 25/6, đã có hơn 1 triệu người dân Anh ký tên vào trang web của Hạ viện đòi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai để chuộc lại lỗi lầm vì đã bỏ phiếu ủng hộ.

Thứ ba tới (28/6), Hạ viện sẽ họp để xem xét về đề nghị tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân. Nếu có cuộc trưng cầu dân ý lần 2, nhiều khả năng kết quả sẽ đảo chiều.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.