Rác thải ở Li-băng có gây thảm họa môi trường Địa Trung Hải?

Một phụ nữ bịt mũi đi qua bãi rác thải tạm thời ở Jdeideh, phía đông bắc thủ đô Beirut của Li-băng. Ảnh: Getty Images.
Một phụ nữ bịt mũi đi qua bãi rác thải tạm thời ở Jdeideh, phía đông bắc thủ đô Beirut của Li-băng. Ảnh: Getty Images.
TP - Theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), hàng chục ngàn tấn rác thải mà Li-băng dự định chôn ở Địa Trung Hải có thể là thảm họa môi trường cho các bờ biển của Ý, Pháp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở Li-băng, hơn 2 triệu tấn rác thải đang chất đống ngoài đường phố sau khi một bãi xử lý rác thải bị đóng cửa vì bị người dân biểu tình phản đối. Cuộc khủng hoảng thực sự bắt đầu khi chính quyền Beirut đóng cửa bãi rác chính tại Naameh hồi tháng 7/2015. Những đống rác lớn chất đống, mục rữa trên bãi biển, trong rừng núi, dọc theo sông và trên cả đường phố.

Khoảng 3.000 người biểu tình đã diễu hành khắp trung tâm thủ đô Beirut để yêu cầu quốc hội xử lý cuộc khủng hoảng này. Hồi tháng 3/2016, giới chức Li-băng cho biết, chính phủ đang lên kế hoạch giải quyết vấn đề rác thải trong vòng 4 năm tới, trong đó có các giải pháp xử lý rác thải lâu dài, bền vững. Ngay sau đó, chính quyền Li-băng đã phê chuẩn kế hoạch xây dựng bãi rác thải ngay gần bờ biển Costa Brava. Tuy nhiên, người dân địa phương kinh ngạc khi thấy bãi chôn rác thải khổng lồ rộng 300.000  km2  này được đào lấn xuống dưới biển.

Dù đã được cảnh báo về thảm họa môi trường biển, nhưng chính quyền Li-băng vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch chôn vùi rác thải xuống Địa Trung Hải khi nước này đang lâm vào khủng hoảng rác thải chưa có lối thoát. Trong khi việc xử lý rác thải trên đất liền chưa được giải quyết triệt để, việc xây dựng  nhà máy xử lý rác thải khổng lồ được xây dựng ngoài khơi bờ biển Li-băng tiếp tục gây tranh cãi gay gắt.

Các chuyên gia người Anh cảnh báo, độc tố từ chất thải rắn được cho là độc gấp 100 lần so với nước thải thô, chúng sẽ ngấm qua lòng đất và hủy hoại môi trường sống của biển cũng như gây ô nhiễm các vùng biển cách đó hàng chục cây số. Các bãi biển Địa Trung Hải nổi tiếng thế giới và luôn thu hút khách du lịch. Nếu bờ biển của Li-băng bị ô nhiễm, bờ biển các nước lân cận gồm Ý, Pháp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tránh khỏi ô nhiễm, từ đó dẫn đến thảm họa môi trường biển ở Địa Trung Hải.

Giáo sư Eugene Rogan (Trung tâm Trung Đông, Đại học Oxford) nói: “Việc chính quyền Li-băng xây dựng nhà máy xử lý rác thải dưới biển là quá liều lĩnh. Trong chuyến thăm Li-băng gần đây, tôi nhìn thấy hai thợ lặn đã cứu được một chú vích biển khổng lồ chui vào lưới của ngư dân, trên người chú phủ đầy các loại rác thải plastic. Đó chính là một nhắc nhở về các vấn đề ô nhiễm và cuộc sống của biển đang bị đe dọa”.

Theo Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG