Trung Quốc:

Rộ chiêu 'giả kết hôn' để mua nhà

Giả kết hôn để mua nhà đang “nóng” tại Trung Quốc. Chữ Trung Quốc trong ảnh là chữ “giả”.
Giả kết hôn để mua nhà đang “nóng” tại Trung Quốc. Chữ Trung Quốc trong ảnh là chữ “giả”.
TP - Thị trường nhà đất ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đang lên cơn sốt; các nơi đua nhau đưa ra những chính sách mới để hạn chế khách mua. Chính vì vậy, ở Thượng Hải và một số thành phố lớn hiện đã xuất hiện một chợ đen giúp người ta lừa đảo để mua nhà, trong đó có chiêu “giả kết hôn”.

Đó là cách để những người ngoại tỉnh không có hộ khẩu Thượng Hải có được tư cách sở hữu một căn hộ một cách hợp pháp, mua nhà xong thì lại ly hôn. Thực tế, về mặt pháp luật đây là quá trình kết hôn thật, ly hôn thật, có điều “kết hôn mà không ở chung, ly hôn nhưng không rời nhà”.

Bên môi giới hốt bạc

Để có được mảnh giấy hôn thú, người mua nhà phải trả một khoản tiền cho cả người môi giới lẫn “bạn đời” giả. Sau khi thủ tục mua nhà hoàn tất, hai bên lại làm thủ tục ly hôn.

- “Nói trắng ra, chúng tôi là người bán. Mọi thứ như tuổi tác, nghề nghiệp…chị khỏi cần lo, chỉ cần khách có được tờ giấy kết hôn là xong, cũng không cần phải sinh sống cùng nhau”. Một người môi giới nói với phóng viên “The Paper” sắm vai khách hàng đi kiếm bạn đời để làm giấy kết hôn giả.

Được biết, nếu đàn ông đi tìm phụ nữ để kết hôn giả thì giá khoảng 50 ngàn nhân dân tệ (NDT), nhưng tuổi “cô dâu” đã tầm 45-50; nếu muốn đối tượng trẻ hơn thì phải mất tới 100 ngàn.

“Đầu tiên phải ký thỏa thuận về tài sản trước khi cưới, sau đó lĩnh giấy kết hôn, mua nhà, sang tên rồi ly hôn. Tất cả không thành vấn đề, chỉ là lợi dụng lỗ hổng của chính sách. Toàn bộ đều là hợp pháp, chị không phải lo” – người môi giới khẳng định. Đối với anh ta, toàn bộ chuỗi quy trình này đều rất hoàn chỉnh, không chút sai sót. Tuy nhiên, dưới con mắt của các luật sư, giả kết hôn tuy không phạm pháp, nhưng thực chất là lừa đảo, qua mặt pháp luật để lợi dụng kẽ hở chính sách. Tuy nhiên, bất chấp điều này, một số tổ chức đã biến kết hôn giả thành một “nghề” để làm giàu.

Tại công ty giáo dục Hùng Phi, tuy vỏ bề ngoài là “công ty giáo dục”, nhưng thực tế, nghiệp vụ chủ yếu là tổ chức kết hôn giả để kiếm tiền là chính. Để chứng minh thực lực của công ty, nhân viên giao dịch đưa cho nữ phóng viên xem cả tập giấy đăng ký kết hôn khoảng hơn 30 tờ, đều là văn bản thật.

Nhằm chứng tỏ sự “chính quy” của mánh kinh doanh, công ty đưa cho khách hàng một bản hợp đồng, trong đó ghi rõ: Tài sản hai bên đều thuộc về cá nhân, hợp đồng có hiệu lực sau ngày ký, và vô hiệu sau khi ly hôn.

Khi xem xét hợp đồng, chuyên gia luật cho rằng văn bản hợp đồng này là phi pháp: “Nghiệp vụ của công ty này bất hợp pháp vì trong phạm vi kinh doanh không có nghiệp vụ kết hôn giả. Do đó nếu điều tra, nhà nước sẽ tịch thu khoản thu nhập đó vì bản hợp đồng đó là văn bản phi pháp”.

Bất chấp rủi ro

Mặc dù tính rủi ro lớn, nhưng họ vẫn làm. Một nhân viên công ty Phi Hùng cho biết, đã thực hiện được hơn 200 vụ, bình quân mỗi vụ thu 50 ngàn tệ - quả là khoản tiền kếch sù. “Nghề này đòi hỏi chuyên môn, không phải ai cũng làm được. Chúng tôi có mạng lưới khắp thành phố, có rất nhiều đối tượng để khách hàng lựa chọn, chỉ cần có khách, kêu là họ tới liền” - Anh ta khoe khoang.

“Chỉ cần chị thấy hài lòng khi gặp mặt, nộp 50 ngàn tệ là có thể đăng ký kết hôn ngay, rất thuận tiện”. Anh ta giải thích thêm: số tiền này 35 ngàn trả cho đối tượng, công ty chỉ được 15 ngàn. Khi phóng viên hỏi có thể kết hôn giả với anh ta hay không? Người này nói đã kết hôn giả 3 lần rồi.

Rồi đối tượng đầu tiên xuất hiện. Đó là một nam nhân viên quán ăn 30 tuổi. Anh ta mang theo giấy chứng minh, sổ hộ khẩu và giấy xác nhận chưa kết hôn. Khi hỏi vì sao đi làm chồng giả người khác, anh ta nói chỉ để kiếm tiền. Khi nữ phóng viên tỏ ý không hài lòng về ngoại hình anh ta, nhân viên công ty gọi tiếp một người khác cũng ngoài 30 tuổi. Anh này cần tiền để trả nợ, hiện đang đi làm công, thu nhập rất thấp nên quay sang làm chồng hờ để kiếm tiền.

Những người kết hôn giả để mua nhà sẽ phải đối mặt với những tranh chấp, rủi ro lớn. Trước hết, bản thân các cơ sở môi giới đều là phi pháp nên hợp đồng không có giá trị pháp lý. Nếu giấy kết hôn là thật, hành vi mua nhà xảy ra sau khi kết hôn, về lý tài sản chung của hai vợ chồng, nếu bên kia đòi chia thì lợi ích của khách hàng có thể chịu tổn thất, không chỉ lãng phí về thời gian, tiền bạc mà có thể gây tác động trái chiều đến cuộc sống của đương sự. Còn nếu giấy kết hôn là giả thì phạm tội hình sự, có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Trong con mắt những người môi giới, đây đơn thuần là kiểu làm ăn, một người có thể kết hôn nhiều lần, không hạn chế số lần. Giá dịch vụ này rất đắt, cụ thể cao hay thấp gắn với độ tuổi, giới tính của đối tượng.

Theo Theo The Paper
MỚI - NÓNG