Síp hy sinh ngân hàng “khủng”

Síp hy sinh ngân hàng “khủng”
TP - Ngày 25/3, các bộ trưởng tài chính eurozone đồng ý dành khoản cứu trợ 10 tỷ USD cho Síp, để cứu hệ thống ngân hàng của quốc đảo này khỏi nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, ngân hàng lớn thứ hai của Síp sẽ bị đóng cửa.

> Síp sẽ là nước đầu tiên ra khỏi EU?
> Đức xét xử vụ án gián điệp có liên quan đến Nga

Laiki, ngân hàng lớn thứ hai của Síp, bị đóng cửa đồng nghĩa với việc hàng nghìn người sẽ mất việc. Hôm qua, khoảng 200 nhân viên ngân hàng tụ tập biểu tình ngoài dinh tổng thống hôm qua để phản đối.

Người nhiều tiền chịu thiệt

Laiki sẽ bị phân chia thành hai phần, tốt và xấu. Tài khoản tốt sẽ bị sáp nhập vào Ngân hàng Síp. Những khoản tiền gửi có giá trị trên 100.000 euro ở cả hai ngân hàng không được pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) bảo lãnh nên sẽ bị phong tỏa và được sử dụng để giải quyết các khoản nợ của Laiki và tái cơ cấu vốn của Ngân hàng Síp thông qua hoạt động chuyển đổi tiền gửi/vốn chủ sở hữu.

 “Bộ ba chủ nợ hãy biến khỏi Síp”, “Các người đang giết chúng tôi”… là những khẩu hiệu phổ biến của người biểu tình phản đối gói cứu trợ. 

Ước tính, những khoản tiền gửi không được bảo hiểm bị đóng băng lần này lên tới 4,2 tỷ euro. Theo một số nhà phân tích, các nhà đầu tư có thể mất 40% tiền gửi. Những khoản tiền gửi lớn hơn mức được bảo hiểm trong Ngân hàng Síp sẽ bị phong tỏa cho đến khi có thông tin rõ ràng về việc các khoản này có bị thiệt hại không, chịu thiệt hại ở mức nào.

Chính quyền Síp sẽ không đánh thuế vào các tất cả các khoản tiền gửi như đề xuất cách đây ít ngày. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, tác động của việc phong tỏa tài khoản của những chủ tiền gửi lớn có thể gây ra tác động lớn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Thỏa thuận được coi là tin tốt đối với nhiều chủ tài khoản nhỏ ở Síp, nhưng các quan chức thừa nhận Síp sẽ bước vào cuộc khủng hoảng sâu mà phải mất nhiều năm để phục hồi. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng hoặc phải đóng cửa.

Ngoài ra, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu Síp huy động 5,8 tỷ euro từ hệ thống ngân hàng để tự cứu trợ tài chính, nhằm đổi lấy khoản vay 10 tỷ euro từ nguồn quốc tế. Giám đốc quỹ cứu trợ của EU nói rằng, Síp sẽ nhận được khoản vay cứu trợ đầu tiên vào tháng 5.

Thoát nguy cơ rời eurozone

Hôm qua, Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch Eurogroup, nhóm cố vấn gồm các bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), phát biểu tại một cuộc họp báo tại Brussels rằng, thỏa thuận cứu trợ đã “đặt dấu chấm hết cho tình trạng bất ổn” trong nền kinh tế đảo Síp.

Thỏa thuận đạt được chỉ vài giờ trước hạn chót để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, sau những cuộc thương lượng giữa Tổng thống Síp Nicos Anastasiades và các lãnh đạo EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF.

Một trong những điều kiện của gói thỏa thuận mà IMF yêu cầu là không cần Quốc hội Síp thông qua. Tổng thống Anastasiades từng dọa sẽ từ chức vì bị các tổ chức cho vay ép buộc.

“Các ông muốn ép tôi từ chức phải không? Tôi đưa ra đề xuất, các ông không chấp nhận. Tôi đưa ra đề xuất khác, các ông cũng không chấp nhận. Vậy các ông muốn tôi làm gì?”, hãng thông tấn Síp trích lời Tổng thống Anastasiades trong phiên đàm phán với bộ ba EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF.

Ông Anastasiades mới lãnh đạo đất nước được một tháng, nhưng đã phải đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Síp kể từ năm 1974. Ông bị ép phải nhường bước khi quyết liệt bảo vệ mô hình kinh tế của đất nước như một trung tâm tài chính riêng biệt, thu hút những khoản tiền gửi lớn từ nhiều người Nga và người Anh giàu có.

Những chủ tài khoản lớn này được hưởng lãi suất cao trong vài năm gần đây. Bộ trưởng Tài chính Síp Michael Sarris gần đây đã tới Nga để đề nghị được giúp đỡ, nhưng không thành công.

Ngân hàng Síp hôm qua giới hạn người dân rút tiền tại các máy tự động không được quá 120 euro mỗi ngày, chưa bằng một nửa so với giới hạn 260 euro trước đó.

Bình Giang
theo Bloomberg, CNN, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG