Sợ mất điểm, Donald Trump đổi giọng về sức mạnh Mỹ

Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Politico
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Politico
Donald Trump suốt nhiều tháng chỉ trích quốc hội Mỹ khi chi tiêu quốc phòng quá nhiều nhưng giờ đây ông lại thay đổi giọng điệu 180 độ.

Từ lúc khởi động chiến dịch tranh cử, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump không ít lần chỉ trích quốc hội Mỹ khi phê duyệt những khoản chi tiêu quốc phòng khổng lồ, đồng thời tuyên bố cần hạn chế mua chiến đấu cơ và chấm dứt mua vũ khí chỉ vì "những lợi ích đặc biệt", theo Politico.

Thế nhưng giữa tuần trước, trong một bài phát biểu, tỷ phú này lại kêu gọi bổ sung hàng tỷ USD để mở rộng quy mô lực lượng lục quân và lính thủy đánh bộ, phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như bổ sung tàu chiến, chiến đấu cơ. Trump còn ủng hộ bãi bỏ các quy định về trần ngân sách bắt buộc, điều mà trước đây ông chỉ trích là quá lỏng lẻo.

Đổi giọng

Giới quan sát đánh giá đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump, người từng tách mình khỏi những cử tri Cộng hòa truyền thống, đang tìm cách chuyển hướng chiến dịch với những phát ngôn mang màu sắc chính thống hơn. Các thông điệp như vậy được cho là sẽ đánh trúng tâm lý những người Cộng hòa bảo thủ cùng cử tri độc lập vốn lo ngại về sự xói mòn an ninh và uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

Dù nhiều đề xuất chính sách Trump đưa ra bị xem là khó khả thi, thậm chí không thể triển khai, những kế hoạch vừa được công bố là tín hiệu cho thấy ông đang xích lại gần hơn với những người Cộng hòa truyền thống trước vấn đề quân sự, chuyên gia nhận định.

"Tôi là một trong những người phản đối Trump kịch liệt, nhưng nếu chỉ đánh giá riêng bài phát biểu đó, tôi hầu như đồng ý hoàn toàn", Thomas Donnelly, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marilyn Ware, khẳng định. "Đấy là bài phát biểu đậm chất truyền thống của người Cộng hòa bảo thủ nhất mà tôi từng thấy Donald Trump đưa ra, đặc biệt là về các vấn đề an ninh, quốc phòng".

Phát biểu về tăng cường chi tiêu quân sự gây ngạc nhiên một phần bởi những bình luận trước đây của ông Trump liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng đã khiến ngay cả những người hiếu chiến trong đảng Cộng hòa cũng phải lắc đầu chán ngán. Donald Trump từng tỏ ý hoài nghi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay có những phát ngôn lộ rõ sự thiếu thông tin về kho vũ khí hạt nhân Mỹ.

Dù vậy, ứng viên đảng Cộng hòa đang đảo ngược giọng điệu. Hôm 7/9, ông tuyên bố mình sẽ đề nghị các tướng lĩnh đề xuất một bản kế hoạch có thể đánh bại và hủy diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong vòng 30 ngày. Ông Trump trước đây nói mình còn hiểu về IS hơn cả những tướng lĩnh quân đội.

Trump cũng cam kết sẽ chấm dứt quy định cắt giảm chi tiêu diện rộng, vốn bị cả hai đảng phản đối. "Ngay khi nhậm chức, tôi sẽ yêu cầu quốc hội bãi bỏ hoàn toàn việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và đệ trình một bản kế hoạch ngân sách mới để xây dựng lại quân đội", ông quả quyết.

Trước đó, năm 2013, ông từng nhiệt liệt ủng hộ việc cắt giảm ngân sách, thậm chí còn khẳng định như vậy là chưa thực sự quyết liệt trong việc hạn chế các khoản chi tiêu lãng phí của chính phủ.

Tăng mạnh chi tiêu quốc phòng

Ngoài ra, ông còn kêu gọi tăng quy mô lực lượng lục quân thường trực, từ 475.000 lên 540.000 người, gợi ý xây dựng quân đoàn lính thủy đánh bộ với 36 tiểu toàn và 1.200 chiến đấu cơ. Bản kế hoạch cũng đề xuất nâng quy mô hạm đội tàu chiến của hải quân từ 280 lên 350 chiếc.

Chuyên gia nhận địn ý kiến của Donald Trump về việc tăng chi tiêu quân sự còn phản ánh những gì phe Cộng hòa tại cả Thượng và Hạ viện Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy.

"Người Mỹ thời gian qua nghe rất nhiều những lời công kích qua lại, nhưng thứ mà họ quan ngại là vấn đề an ninh quốc gia. Họ sốt sắng muốn thấy các câu trả lời nghiêm túc, mạnh mẽ cho những thách thức chúng ta phải đối mặt", Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Mac Thornberry, bình luận và thêm rằng ông rất thích bài phát biểu từ tỷ phú Trump.

Những người ủng hộ ứng viên này thì xem bài phát biểu là minh chứng cho thấy sự xoay chuyển trong quan điểm của ông.

"Tôi tin Donald Trump giờ đây quan tâm nhiều hơn đến tình hình nước Mỹ và vị thế của Mỹ trên thế giới", thượng nghị sĩ Jeff Sessions, cố vấn trưởng cho ông Trump, chia sẻ.

Bài phát biểu cũng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại quốc hội.

"Đó là một bước tiến lớn của cả hai ứng viên, Hillary Clinton và Donald Trump, khi họ cùng kêu gọi chấm dứt việc cắt giảm chi tiêu quân sự", nghị sĩ Cộng hòa Mike Turner, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nhận xét.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell thì cho biết: "Về phía chúng tôi, hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy quân đội đang thiếu ngân sách, và chúng tôi sẽ phải giải quyết thách thức ấy".

Dù vậy, những gì ông Trump đề xuất có thể khiến nước Mỹ tiêu tốn thêm hàng chục tỷ USD. Mặt khác, mục tiêu chấm dứt cắt giảm chi tiêu quân sự luôn là điều khó tìm được tiếng nói đồng thuận tại quốc hội Mỹ suốt 5 năm qua. Các mức trần chi tiêu theo Đạo luật Kiểm soát Ngân sách sẽ tiếp tục có hiệu lực tới hết nhiệm kỳ đầu của tổng thống Mỹ tiếp theo.

Theo Todd Harrison, chuyên gia về ngân sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, hiện chưa đủ thông tin để đánh giá chính xác mức chi phí để triển khai đề xuất của Donald Trump. Tuy vậy, một ước tính của tổ chức National Defense Panel cho thấy, trong vòng 10 năm, sẽ cần thêm từ 800 - 900 tỷ USD so với bản dự thảo ngân sách quốc phòng mới nhất của Tổng thống Barack Obama.

Nhà phân tích quốc phòng Mackenzie Eaglen đến từ tổ chức AEI thì ước tính nước Mỹ sẽ phải chi thêm từ 50 - 60 tỷ USD mỗi năm so với các mức trần ngân sách hiện nay.

"Nhiều khả năng tổng thống Mỹ tiếp theo không thể thông qua việc tăng chi tiêu quân sự lớn như vậy, khi các áp lực khác đối với ngân sách liên bang đang lớn như hiện nay", ông Harrison nói.

Cựu chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Buck McKeon cho rằng những đề xuất mới đây của Trump về củng cố quân đội có thể giúp ông thu hút thêm ủng hộ từ các cử tri đảng Cộng hòa, những người vẫn e ngại trước lập trường về chính sách an ninh quốc gia mà nhà tài phiệt New York theo đuổi.

"Tôi hy vọng vậy. Tôi tin đó là một bước khởi đầu. Một vài điểm khiến tôi chú ý ngay lập tức, chẳng hạn như: chấm dứt cắt giảm ngân sách, tham khảo ý kiến các tướng lĩnh về kế hoạch đánh bại và hủy diệt IS ngay lập tức", ông McKeon nói. "Và tôi cũng thích ý tưởng của ông ấy về việc củng cố sức mạnh quân đội Mỹ. Hiện quy mô các lực lượng của chúng ta thật đáng ngại, sau những cắt giảm mạnh tay trong thời gian ngắn".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG