“Song quy”- vũ khí chống tham nhũng ở Trung Quốc

“Song quy”- vũ khí chống tham nhũng ở Trung Quốc
TPCN - Trong các biện pháp chống tham nhũng từ trước đến nay ở Trung Quốc không có điều gì khiến đám quan tham khiếp sợ và căm thù như “song quy”.
“Song quy”- vũ khí chống tham nhũng ở Trung Quốc ảnh 1
Điền Phụng Sơn, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên đất đai sau khi bị “song quy” tháng 10/2003 và đã bị tòa kết án tù chung thân tháng 12/2005

Vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tệ nạn tham nhũng tràn lan ở Trung Quốc đến mức có người coi là “họa quốc ương dân”.

Cơ quan Kiểm tra kỷ luật Đảng (KTKL) và cơ quan giám sát nhận trọng trách chống tham nhũng nhưng vũ khí của họ chỉ có… miệng lưỡi và cây bút trong tay.

Trong tình hình đó, một số vụ án lớn, nghiêm trọng không thể xử lý đến nơi đến chốn được, lúc bấy giờ được gọi là “nấu cơm sống”. Nhiều phần tử hủ bại đáng ra phải bị trừng trị thì vẫn ung dung thoát khỏi lưới pháp luật bởi những kẽ hở của luật pháp.

Trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng đó, một biện pháp chống tham nhũng đặc biệt đã ra đời, gọi là “song quy”. Từ  “song quy” xuất hiện lần đầu tiên trong “Điều lệ giám sát hành chính nước CHND Trung Hoa” ban hành ngày 9/12/1990.

Điều lệ quy định: Cơ quan giám sát trong khi điều tra vụ án có quyền yêu cầu đương sự “có mặt tại địa điểm quy định trong thời gian quy định, để giải thích, trình bày về vụ việc có liên quan” (gọi tắt là song quy).

Đến ngày 9/5/1997, kỳ họp thứ 25 ủy ban TVQH Trung Quốc khoá VIII thông qua “Luật giám sát hành chính”, trong đó quy định: cơ quan giám sát có quyền yêu cầu những người bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật hành chính phải có mặt tại địa điểm đã định với thời gian quy định, để giải trình về vấn đề liên quan (bị cách ly để điều tra trong một thời gian không hạn định).

Từ đó “song quy” trở thành một biện pháp hữu hiệu quan trọng để tạo bước đột phá trong các vụ án lớn, có liên quan đến các quan tham tai to mặt lớn.

Địa điểm “song quy” thường là một khách sạn nào đó, nhân viên điều tra và đối tượng bị triệu đến đây coi như bị giam lỏng để phục vụ việc điều tra, không thể tiếp xúc với bên ngoài trong suốt quá trình làm án, chức vụ và quyền lực của người đó bị “đóng băng”, không còn giá trị nữa.

Tuy nói là “thời gian quy định” nhưng đối tượng không thể biết mình bị giam lỏng trong bao lâu, áp lực tinh thần rất lớn, chính vì vậy, đó là một biện pháp điều tra rất hữu hiệu. Thủ tục “song quy” rất đơn giản, lại không bị hạn chế bởi thời gian như bắt giữ.

Mấy năm nay, quan tham phạm tội thường bị “song quy” để làm rõ, sau đó mới giao cho cơ quan pháp luật bắt giam, xét xử theo trình tự  tư pháp. Người bị bắt giam thì có quyền mời luật sư, nhưng kẻ bị “song quy” thì không được hưởng quyền đó.

Nếu bị kết luận có tội thì thời gian “song quy” không được tính vào thời gian giam giữ.

“Song quy”  được hiểu như là một biện pháp tổ chức và một thủ đoạn điều tra đặc biệt khiến các quan tham phải khai thật mọi tội lỗi trong thời gian bị áp dụng biện pháp này.

Có người đặt vấn đề cơ quan KTKL và giám sát đã sử dụng biện pháp gì mà buộc được các quan tham mở miệng khai nhận tội lỗi? Thực ra uy lực của “song quy” xuất phát từ 3 điểm:

Thứ nhất, các đối tượng bị “song quy” đều biết rằng, khi họ bị áp dụng biện pháp này (biệt giam cách ly để điều tra) là cơ quan hữu quan đã nắm chắc những chứng cứ cơ bản;

Thứ hai, đối tượng bị “song quy” đã bị đình chỉ mọi quyền lực và mất luôn mọi ô dù che chở;

Thứ ba, đối tượng “song quy” bị phong toả tuyệt đối mọi thông tin nên cảm thấy thất thế, hoang mang, suy sụp tinh thần, dễ bị nhân viên điều tra đột phá.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tuyệt đại đa số các quan tham bị ngã ngựa đều bắt đầu từ việc bị “song quy”, đặc biệt là các “lão hổ” - tức các quan tham quyền cao chức trọng cỡ như Bộ trưởng Tài nguyên đất đai Điền Phụng Sơn.

Tuy nhiên, có những biểu hiện cho thấy hiện nay “song quy” đã bị lạm dụng quá mức cần thiết, cần phải điều chỉnh. Theo báo “Thanh niên Trung Quốc” số ra ngày 11/5/2006 thì những vấn đề tồn tại hiện nay bao gồm: Thứ nhất là siêu phạm vi.

“Song quy” vốn chỉ là một biện pháp kiểm tra kỷ luật đảng, đối tượng chỉ là đảng viên, nhưng trong quá trình thực hiện, một số cơ quan KTKL đảng đã vượt quá giới hạn này, không những mở rộng ra những cán bộ không phải đảng viên, mà còn mở rộng ra cả những… ông chủ xí nghiệp tư nhân không phải đảng viên. Thứ hai là siêu thời hạn.

Điều lệ có quy định rõ về thời gian đối tượng bị “song quy”, nhưng trong thực tế, thời gian này hoàn toàn do nhân viên điều tra quy định. Thứ ba là quá tùy tiện.

Những đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức nào thì bị “song quy”, thời hạn bao lâu? Vấn đề này thường do cơ quan KTKL cơ sở tự ý quyết định, sự tùy tiện đó thường bất lợi cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đảng viên.

Để chấn chỉnh những sai sót trên, gần đây, ủy ban KTKL trung ương ĐCS Trung Quốc đã ban hành các văn kiện, quy định những vấn đề cơ bản như: đối tượng bị “song quy” nhất thiết phải là đảng viên; cơ quan thực thi biện pháp “song quy” phải là cơ quan KTKL đảng cấp huyện ủy trở lên, trình tự phê duyệt chặt chẽ hơn, cấp dưới phải được cấp trên phê chuẩn, thời gian “song quy” cũng hạn chế không vượt quá thời gian điều tra vụ việc. 

MỚI - NÓNG