Thái Lan: Sẽ có hiến pháp mới nhưng vẫn gây tranh cãi

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ phiếu. Ảnh: Strait Times.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ phiếu. Ảnh: Strait Times.
TP - Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm qua, đa số người dân Thái Lan đồng ý với dự thảo hiến pháp mới. Quân đội cho rằng, hiến pháp mới sẽ giải quyết tình trạng tham nhũng chính trị tràn lan và mang lại ổn định sau nhiều năm các phe phái đấu đá nhau. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiến pháp mới sẽ vô hiệu hóa các chính trị gia dân sự và thắt chặt kiểm soát của quân đội.

Kết quả kiểm phiếu chưa chính thức được Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đưa ra tối qua cho thấy, trong 94% số phiếu đã được đếm, có 14,96 triệu người ủng hộ, 9,39 triệu người phản đối. Số phiếu còn lại sẽ được EC kiểm nốt trong sáng nay, báo Bangkok Post đưa tin. 

Số người chọn “Có” chiếm 61% lượng phiếu đã được kiểm, còn số người chọn “Không” chỉ chiếm 38,6%. Nhưng số người ủng hộ đối với câu hỏi phụ trong lá phiếu chỉ là 13,9 triệu người, tương đương 58%, còn 10 triệu người phản đối, tương đương 42%. Câu hỏi phụ hỏi cử tri có ủng hộ việc cho phép Thượng viện tham gia cùng Hạ viện để lựa chọn thủ tướng hay không.

Phát biểu không lâu sau khi tất cả các điểm bỏ phiếu được đóng, Chủ tịch EC Supachai Somcharoen nói rằng, kết quả chính thức sẽ được công bố vào thứ Tư, và cho biết không có phàn nàn nào được gửi đến cơ quan tổ chức bầu cử. EC kỳ vọng 80% trong số 50,5 triệu cử tri hợp pháp tham gia bỏ phiếu, nhưng kết quả kiểm phiếu cho thấy chỉ có 58% đi bỏ phiếu. Quan chức EC nói rằng, số người tham gia bỏ phiếu thấp vì “nhiều yếu tố”.

Ông Prinya Thaewanarumikul, Phó hiệu trưởng ĐH Thammasat, nói với kênh truyền hình Spring News rằng, kết quả này cho thấy người dân Thái đang gửi thông điệp thông qua lá phiếu rằng, họ muốn có một nền chính trị không tham nhũng.

Bảo đảm quyền lực của quân đội

Cuộc trưng cầu ý dân được coi là phép thử lớn đầu tiên đối với sự ủng hộ dành cho chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đứng đầu, sau khi ông lên nắm quyền từ cuộc đảo chính năm 2014.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm kể từ tháng 1/2015 vì có lỗi trong chương trình thu mua lúa gạo, hôm qua cũng đi bỏ phiếu. Phát biểu với báo chí, bà Yingluck thúc giục người dân Thái đi bỏ phiếu để thực hiện quyền dân chủ.

Thủ tướng Prayuth tuyên bố, ông sẽ không từ chức nếu dự thảo hiến pháp bị bác bỏ và một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào năm sau dù kết quả trưng cầu ý dân lần này như thế nào. Phe chỉ trích cho rằng, bản hiến pháp này là nỗ lực của quân đội nhằm cứu vãn thất bại trong việc đẩy cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe theo chủ nghĩa dân túy của ông khỏi nền chính trị Thái Lan sau cuộc đảo chính lật đổ ông năm 2006.

Một số quan chức cấp cao trả lời phỏng vấn Reuters nói rằng, quân đội Thái muốn thông qua bản hiến pháp này để khiến những cuộc đảo chính trong tương lai trở nên không cần thiết, bằng cách làm suy yếu các đảng chính trị và bảo đảm quân đội đóng vai trò trong việc giám sát quá trình phát triển kinh tế và chính trị của đất nước.

 Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong lúc có quan ngại về sức khỏe của nhà vua Bhumibol Adulyadej, năm nay 88 tuổi. Nhiều thập kỷ qua, quân đội Thái dựa vào nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia được rất mực tôn kính để biện hộ việc can thiệp vào chính trị.

Các đảng chính trị lớn nhất ở Thái Lan, trong đó có phe trung thành với ông Thaksin, bác bỏ bản dự thảo hiến pháp, nhưng chính phủ quân sự cấm tất cả các đảng vận động hay thảo luận công khai về dự thảo.

 Điều khoản gây tranh cãi nhất trong dự thảo hiến pháp kêu gọi lập ra một thượng viện do chính quyền quân sự chỉ định, trong đó dành 6 ghế cho các chỉ huy quân sự, để kiểm tra các nhà làm luật đắc cử và tăng quyền lực cho các tòa án vốn bị cáo buộc là thiên vị chính trị.

Phe của ông Thaksin chiến thắng tất cả các cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2001 nhờ giành được ủng hộ từ cử tri ở các vùng nông thôn và giai cấp lao động thành thị nhờ các chính sách hứa hẹn giúp họ kiếm thêm của cải và cơ hội. 

Dù đang sống lưu vong ở nước ngoài, ông Thaksin vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ ở Thái Lan, đặc biệt là ở các vùng nông thôn miền bắc. Tuần trước, ông Thaksin gọi bản dự thảo hiến pháp này là “ngớ ngẩn”, và nó sẽ kéo dài quyền lực của chính quyền quân sự.

Thái Lan trải qua một thời kỳ lịch sử bất ổn kéo dài. Quân đội đã đảo chính thành công 12 lần kể từ khi chế độ quân sự kết thúc năm 1932 và đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 của nước này nếu được thông qua.

Dù kết quả kiểm phiếu ra sao, Liên Hợp Quốc vẫn muốn thấy quân đội và các phe chính trị đối thoại nhiều hơn, Reuters dẫn lời ông Luc Stevens, trưởng đại diện Liên Hợp Quốc tại Thái Lan.

MỚI - NÓNG