Thấy gì qua cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở West Palm Beach, bang Florida ngày 6/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở West Palm Beach, bang Florida ngày 6/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
TPO - Cuộc gặp thượng định Mỹ-Trung được cho là hội nghị thượng đỉnh song phương quan trọng nhất trên thế giới trong những năm gần đây.

Sau hai ngày với hàng loạt cuộc hội đàm, những gì dư luận được biết đến có vẻ như hai nhà lãnh đạo đã hiểu nhau hơn và tìm ra được hướng giảm bớt đối đầu.

Hai bên cũng xây dựng được một kế hoạch hành động và nhất trí về những cột mốc trong tương lai.

Đây có thể coi là một "bước tiến" quan trọng, bởi trước chuyến thăm Tống thống Trump Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ "vô cùng khó khăn" và nhấn mạnh đến các bất đồng về chính sách thương mại giữa hai cường quốc hùng mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, những tín hiệu "tích cực" từ kết quả chuyến thăm cho thấy Mỹ-Trung đã có những "hiểu biết" nhất định về nhu cầu chiến lược của nhau.

Đầu tiên phải kể đến đó là hình ảnh cô cháu ngoại Arabella Kushner của Tổng thống Trump hát ca khúc truyền thống Jasmine và đọc một bài thơ nhà Đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa hết sức quan trọng với Trung Quốc.

Cuộc họp báo sau hội nghị cũng đã nhấn mạnh đến tình hữu nghị và những cam kết của hai bên về các cuộc gặp trong tương lai. Tất cả những tín hiệu tích cực này đã làm đẹp mặt ông Tập Cận Bình bởi trước chuyến thăm nhiều dư luận quan ngại Trung Quốc sẽ mất mặt vì những phản ứng của ông Trump.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng đầy "bất ngờ" tại Syria đã mở thêm nội dung thảo luận cho hai nhà lãnh đạo. Kết thúc tiệc chiêu đãi tối 7/4, Tổng thống Trump đã thông báo vắn tắt với Chủ tịch Tập Cận Bình về vụ không kích nhằm vào căn cứ quân sự Syria.

Cần nhớ rằng trước nay Trung Quốc luôn đứng về phía Nga trong việc bác bỏ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Syria, và cũng luôn ủng hộ hai chính quyền Nga và Syria.

Tuy nhiên, như những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã báo cáo lại về cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung liên quan đến tình hình Syria, quan điểm của Bắc Kinh dường như đã khác trước.

Ông Tillerson nói rõ: "Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ cảm kích trước việc Tổng thống Trump cho ông biết tình hình, lý do và nói rằng ông ấy hiểu phản ứng như vậy là cần thiết khi trẻ em bị giết hại". 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng phát biểu tương tự rằng Trung Quốc "sốc trước vụ tấn công hóa học mới nhất ở Syria và cực lực lên án hành động này".

Mặc dù kêu gọi các bên kiềm chế và tránh can thiệp, nhưng bà Hoa từ chối lên án hành động tấn công của Mỹ. Lập trường lần này của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với sự lên án mạnh mẽ của Nga và việc Kremlin bác bỏ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Chính điều này khiến Bắc Kinh có được thiện chí của Tổng thống Trump. 

Một bước tiến được coi là "đột phá" quan trọng chính là vấn đề thương mại đầy gai góc. Hai bên đạt được tiến bộ bước đầu khi nhất trí về "kế hoạch 100 ngày" tập trung đẩy mạnh xuất khẩu của Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại song phương.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố sẽ "đóng băng" bất kỳ hành động đơn phương nào chống Trung Quốc trong giai đoạn 100 ngày này. Bộ trưởng Ross dường như đã bị thuyết phục rằng Trung Quốc có cùng mong muốn thu hẹp thặng dư thương mại vì lo ngại sẽ "tác động tới dòng tiền và lạm phát". 

Tuy nhiên, Trung-Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng chưa thể hàn gắn trong nhiều vấn đề liên quan tới an ninh khu vực. Trong vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã bàn luận nhiều nhưng không đạt được bước đột phá.

Ông Trump muốn tiến hành biện pháp tổng thể cho tất cả các vấn đề liên quan và những khó khăn Trung Quốc đang đối mặt trong vấn đề Triều Tiên. Hai bên chỉ nhất trí sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác trong các hành động tiếp theo.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể đã cam kết tăng áp lực lên Bình Nhưỡng. Ngoài ra, vấn đề nhân quyền cũng đã được thảo luận nhưng không đi đến điểm chung. Trong khi đó vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu hoàn toàn không được nhắc đến. 

Tóm lại, đây là một cuộc "đi săn" đầy khó khăn đối với cả Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình. Ở một mức độ nhất định, hai cường quốc hàng đầu này đã "hiểu được" quan điểm của nhau và nhất trí về một số bước đi tiếp theo.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung có thực sự đạt được bước "đột phá" hay không, chỉ căn cứ vào kết quả trong khuôn khổ một chuyến thăm thì chưa thể xác định được.

MỚI - NÓNG