THẾ GIỚI 24H: 1.200 binh sỹ NATO đổ bộ vào căn cứ quân sự gần Nga

Ảnh: NATO
Ảnh: NATO
TPO - 1.200 quân nhân đầu tiên của NATO đã tới căn cứ hải quân Klaipeda của Litva, trong bối cảnh những lo ngại về an ninh trong khu vực tăng cao.

Ngoài ra, sẽ có hơn 100 binh sỹ thuộc quân đội Bỉ và khoảng 60 thiết bị quân sự sẽ được điều tới căn cứ hải quân Klaipeda. Căn cứ này gần Biển Baltic và chỉ cách khu vực Kaliningrad của Nga khoảng 60km, trong căn cứ có bố trí các hệ thống tên lửa tầm xa. Tin cho biết, binh sỹ Bỉ sẽ gia nhập các lực lượng đến từ Đức, Hà Lan và Na Uy tại căn cứ Rukla ở miền Trung Litva. 


Nga và Syria đã ký kết một thỏa thuận cải thiện cơ sở hải quân ở Tartus thành một căn cứ hải quân chính thức, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Damascus. Sau 49 năm, thỏa thuận sẽ được tự động kéo dài thêm 25 năm trừ khi một bên thông báo có bất cứ thay đổi nào với bên kia trước một năm. Số lượng tối đa tàu chiến Nga được phép xuất hiện ở căn cứ hải quân cảng Tartus là 11 chiếc bao gồm các tàu chiến hạt nhân, với điều kiện là các quy định an ninh sinh thái và hạt nhân được giám sát.


Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến giữ lại giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) từ chính quyền trước James Comey.

Reuters cho hay thông tin trên do một nguồn thông thạo vấn đề hé lộ. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa xác nhận điều này khi được hỏi trong cuộc gặp tại Phòng Oval với các giám đốc của ngành công nghệ xe hơi. Hôm 22/1, ông Trump từng bắt tay và có cử chỉ thân mật với ông Comey trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 24/1, Đặc phái viên Nga về vấn đề Syria Alexander Lavrentiev cho biết phía Moscow đã chuyển cho phe đối lập bản dự thảo hiến pháp mới của Syria do Nga soạn thảo, nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán chính trị để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, phe đối lập tuyên bố đã từ chối thảo luận về dự thảo hiến pháp này với phía Moscow.


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đảo ngược quyết định trước đây của người tiền nhiệm Barack Obama khi cho phép nối lại có điều kiện đối với dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Canada và Mỹ, chấm dứt nhiều năm tranh cãi về dự án này. Sắc lệnh nêu rõ tập đoàn TransCanada của Canada - đơn vị chủ chốt tham gia xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL – sẽ phải nộp lại đơn xin giấy phép để các cơ quan quản lý liên bang Mỹ nhanh chóng xem xét chấp thuận.


Thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở Đức, ông Sigmar Gabriel ngày 24/1 ngờ thông báo ông sẽ không ra tranh cử vào chức Thủ tướng Đức trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Phát biểu với giới báo chí, ông Gabriel cho biết ông sẽ đề xuất cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz trở thành Chủ tịch đảng SPD và là ứng cử viên tranh cử chức Thủ tướng Đức.


30 nghị sĩ mới rời khỏi đảng Saenuri cầm quyền của Hàn Quốc ngày 24/1 đã chính thức thành lập một chính đảng mới sau gần 2 tháng các nghị sĩ nước này bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống Park Geun Hye do dính líu tới vụ bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Đảng mới mang tên Bareun (Công bằng) gồm 31 nghị sĩ, hiện là đảng lớn thứ 4 trong Quốc hội Hàn Quốc gồm 300 ghế. Tại hội nghị đảng cùng ngày, ông Choung Byoung Gug đã được bầu giữ chức Chủ tịch Bareun.


Một chiếc thăng cứu hộ đã bị rơi gần khu trượt tuyết Campo Felice ở Abruzzo, Ý, vào hô quam ngày 24/1. Hãng tin ANSA đưa tin, có 6 người trên chiếc trực thăng gặp nạn. Chiếc máy bay vừa giải cứu một vận động viên bị thương và đang trên đường đến bệnh viện. Trước khi rơi, máy bay đã gửi tín hiệu cấp cứu. Các nhân chứng cho biết, họ nghe thấy tiếng nổ lớn vào thời điểm mày bay gặp nạn. (XEM CHI TIẾT)


Tờ Bangkok Post ngày 24/1 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwan xác nhận nước này sẽ mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2017. Ông Prawit nêu rõ: "Hải quân đã quyết định sẽ mua tàu ngầm. Trước mắt, sẽ dùng ngân sách tài khóa 2017 để mua chiếc đầu tiên". Theo ông Prawit, Hải quân Hoàng gia Thái Lan từng có ý định mua tàu ngầm từ những năm 2008-2009, song kế hoạch này đã bị trì hoãn và hiện Bangkok có kế hoạch mua 3 tàu ngầm tấn công S-26T của Trung Quốc, với giá 12 tỷ baht (khoảng 335 triệu USD) cho mỗi chiếc.

MỚI - NÓNG