THẾ GIỚI 24H: Đề cao biện pháp trừng phạt Nga, ông Obama bị phản pháo

Giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuyên bố của ông Obama, rằng "nền kinh tế Nga tả tơi" sau lệnh trừng phạt là vội vã.
Giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuyên bố của ông Obama, rằng "nền kinh tế Nga tả tơi" sau lệnh trừng phạt là vội vã.
TPO - Các nhà đầu tư và chuyên gia phương Tây chuyên về Nga đã phê phán phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng các biện pháp trừng phạt đã làm cho nền kinh tế Nga “tả tơi”.

Tạp chí Fortune của Mỹ ngày 3/5 có bài phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ có những lý do riêng để đề cao vai trò biện pháp trừng phạt, nhưng tại các cuộc thảo luận tại hội nghị toàn cầu Viện Milken vừa kết thúc ở Los Angeles, các chuyên gia đã không đồng ý với tuyên bố của Tổng thống Obama và cho rằng ông vội vã với kết luận. Suy thoái kinh tế ở Nga, theo các chuyên gia chủ yếu gắn liền với việc giá dầu giảm chứ không phải do biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Đồng tiền Nga đã ổn định giá trị sau đợt mất giá mạnh hồi năm qua, thị trường chứng khoán phục hồi hơn 20% trong năm nay.

Theo một nhóm chuyên gia kinh tế, chính sách kinh tế của Mỹ đối với Nga thời gian qua là việc làm “không hiệu quả và thiển cận”, và rằng giới đầu tư Nga và nước ngoài chỉ hưởng lợi nếu dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bài viết nhấn mạnh rằng, sự tăng trưởng của thị trường Nga, cũng như uy tín của Vladimir Putin cho thấy rằng nền kinh tế Nga không trong hình dạng tồi tệ như phương Tây nghĩ. Theo nhận xét của ông trùm đầu tư David Bonderman, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ càng đóng góp cho sự tích cực đầu tư vào Nga. "Thị trường đã giảm đáng kể, có sự thiếu vốn. Thông thường lợi nhuận cao ở đâu có binh sĩ trên đường phố hay giá cả thấp nhất”, ông Bonderman nói, theo Sputnik.


Trả lời phỏng vấn báo Turin La Stampa số ra ngày 3/5, Ngoại trưởng Italy Paolo Dzhentiloni tuyên bố nước này ủng hộ Ukraine, nhưng chính quyền Kiev phải thực hiện các cải cách kinh tế và hiến pháp cần thiết, kể cả việc trao cho Donbass quyền tự trị. Ông Dzhentiloni nói: "Tình hình ở Ukraine rất bất ổn. Italy ủng hộ Ukraine, nhưng Kiev phải cần phải thực hiện các cải cách kinh tế và hiến pháp đau đớn, kể cả việc cấp quyền tự trị cho Donbass”. Theo ông Dzhentiloni, đây chính là nội dung mà ông sẽ thảo luận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong chuyến thăm Kiev vào ngày 5/5 tới, theo Vietnamplus.


Theo báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) ngày 3/5, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Bộ Quốc phòng Nga đã thiết lập kênh liên lạc tác chiến song phương và trong trường hợp căng thẳng gia tăng, chỉ huy 2 bên có thể ngay lập tức xử lý vấn đề nảy sinh. Theo báo trên, đây là lần đầu tiên 2 bên thiết lập đường dây nóng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tờ báo dẫn lời bộ chỉ huy NATO nêu rõ: "NATO và chỉ huy quân sự Nga ủng hộ kênh liên lạc trực tiếp. Tư lệnh tối cao các lực lượng NATO ở châu Âu và Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO đã được tiếp cận các cuộc đàm phán với các đồng nghiệp Nga”. Theo FAZ, NATO không nói rõ thời điểm kích hoạt kênh liên lạc cũng như chi tiết về "đường dây nóng" vì hoạt động này được tiến hành "bí mật." Tờ báo khẳng định phía Nga đã cung cấp các số liên lạc cụ thể.


Ngày 3/5, Hàn Quốc đã xác nhận vụ Triều Tiên bắt giữ Joo Won Moon, 21 tuổi, một công dân Hàn Quốc mang thẻ xanh của Mỹ. Tuy nhiên, Seoul vẫn chưa rõ đối tượng này có cố tình xâm nhập trái phép Triều Tiên hay không. Một quan chức giấu tên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định cơ quan này đang tìm cách thu thập thông tin về lịch trình di chuyển của Joo Won Moon cũng như hoàn cảnh đối tượng này bị Triều Tiên bắt giữ. Trước đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 2/5 đưa tin Joo Won Moon bị bắt hôm 22/4 sau khi tìm cách xâm nhập trái phép Triều Tiên qua sông Áp Lục, đoạn từ thị trấn biên giới Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc. KCNA cho biết Joo Won Moon đã thừa nhận vi phạm luật pháp Triều Tiên trong quá trình bị giới chức nước này thẩm vấn.


Trên trang web chính thức, Tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế (HRW) cho rằng liên minh các nước tiến hành chiến dịch quân sự tại Yemen đã sử dụng bom chùm sản xuất tại Mỹ khi không kích vào các vị trí của phiến quân Houthi. HRW nhấn mạnh rằng qua các "hình ảnh, video và bằng chứng khác" xuất hiện vào giữa tháng 4 có thể thấy rằng lực lượng liên quân sử dụng bom chùm ở tỉnh Saada, miền Bắc Yemen. Giám đốc phòng vũ khí của HRW, ông Steve Goose cho biết: "Các cuộc không kích bằng bom chùm đã diễn ra tại các khu vực gần làng mạc địa phương, gây nguy cơ đe dọa dân thường".


Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đang điều tra cáo buộc liên quân không kích ở miền bắc Syria làm chết ít nhất 52 thường dân, trong đó có 7 trẻ em.

 

Giám đốc Ðài quan sát Nhân quyền Syria Rami Abdel Rahman nói rằng các cuộc không kích tại làng Bir Mahli ở tỉnh Aleppo xảy ra vào sáng 1/5, trong lúc quân nổi dậy Syria và dân quân người Kurd đánh nhau với phiến quân IS ở gần đó. Ông Rahman nói số thường dân thiệt mạng ở làng Bir Mahli là cao nhất trong chiến dịch không kích chống các phần tử đoan Hồi giáo ở Syria như nhóm Nhà nước Hồi giáo. Theo đài TNHK, các cuộc không kích trước đó của liên quân do Mỹ cầm đầu đã giết chết 66 thường dân, kể từ khi chiến dịch này bắt đầu hồi tháng 9 năm ngoái. Cho đến ngày 1/5, số  thường dân bị thiệt mạng trong chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu đã lên đến 118 người. 


Báo the Indian Express số ra ngày 3/5 cho biết hải quân Ấn Độ và Pháp vừa kết thúc cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày ở Varuna, ngoài khơi biển Goa, miền Tây Ấn Độ. Đây là cuộc tập trận chung thứ 14 giữa lực lượng hải quân hai nước, diễn ra từ ngày 23/4 - 2/5 với sự tham gia của các loại máy bay Pháp như máy bay chiến đấu Rafale-M, máy bay Etendard, máy bay cảnh báo sớm E2C Hawkeye, máy bay lên thẳng Dauphin, Alouette 3 và máy bay tuần tra trên biển Atlantique 2. Ngoài ra, tàu sân bay Charles de Gaulle, hai tàu khu trục Chevalier Paul và Jean de Vienne, tàu tiếp dầu Meuse của Pháp cũng tham gia cuộc tập trận. Về phía Ấn Độ có sự tham gia của tàu sân bay INS Viraat, máy bay tiêm kích Sea Harrier, tàu khu trục INS Mumbai, tàu tàng hình INS Tarkash, tàu tên lửa dẫn đường INS Gomati, tàu tiếp dầu Deepak, tàu ngầm INS Shankul, tàu tấn công nhanh FAC và một số loại máy bay trinh sát, trực thăng.


Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy hôm 3/5 cho biết, gần 3.700 người di cư trái phép trên những con thuyền ở ngoài khơi Libya đã được giải cứu trong 2 ngày vừa qua. Hầu hết những người được giải cứu đã được đưa về bờ biển Italy hoặc đến đảo Lampedusa, một hòn đảo ở phía Nam nước này. Để giải cứu những người này, Italy đã phải huy động cả lực lượng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển, cảnh sát và một tàu của Pháp hoạt động cho Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu. Theo Bộ Nội vụ Italy, những tàu buôn người đang lợi dụng tình hình biển lặng để thực hiện mục đích đưa người di cư bất hợp pháp.


Ngày 3/5, lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ tại thành phố Baltimore của Mỹ. Thị trưởng thành phố, bà Stephanie Rawlings-Blake, đã thông báo quyết định này trên trang mạng twitter cá nhân. Trước đó, giới chức thành phố dự kiến duy trì lệnh giới nghiêm đến hết ngày 3/5. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối kể từ sau vụ bạo loạn hôm 27/4 ở Baltimore đã diễn ra trong hòa bình và phán quyết của tòa án bang Maryland hôm 1/5 kết tội 6 nhân viên cảnh sát có liên quan tới cái chết của chàng thanh niên gốc Phi Freddie Gray với nhiều tội danh như giết người, hành hung người bất hợp pháp và bắt người bất hợp pháp đã góp phần làm giảm bầu không khí căng thẳng ở thành phố này. 


Russia Today đưa tin dựa trên số liệu nghiên cứu được tờ The Economist (Anh) công bố hồi cuối tháng 4 cho biết kinh tế Ukraine suy thoái mạnh nhất so với nền kinh tế của các nước khác trên thế giới. Đây là nghiên cứu so sánh tăng trưởng GDP một năm của các nước kể từ tháng 4/2014. Theo đó, Ukraine, Libya và đặc khu Macau (Trung Quốc) là ba nền kinh tế suy sụp nhanh nhất thế giới trong năm 2015. GDP của Ukraine giảm 6,5%, của Libya giảm 6,4% và đặc khu Macau giảm 6%. Tiếp sau đó là các nước: Cộng hòa Guinea Xích Đạo, Nga, Venezuela, Sierra Leone, Yemen, Guinea, Puerto Rico, Đông Timor và Brazil. Trong đó, GDP nước Nga sẽ giảm 4%.


Sân bay quốc tế Indira Gandhi (IGIA) tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới trong năm 2014, trong loại sân bay phục vụ từ 25 triệu - 40 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ông Prabhakara Rao, Tổng giám đốc Delhi International Airport Pvt. Limited, chịu trách nhiệm điều hành IGIA, ngày 3/5 cho biết, Hội đồng các sân bay quốc tế (ACI) đã trao giải thưởng Chất lượng dịch vụ sân bay cho IGIA tại Đại hội thường niên của ACI châu Á - Thái Bình Dương và Thế giới ở Jordan hôm 28/4 vừa qua. IGIA đạt 4,90 điểm trên thang điểm 5 do 300 thành viên ACI bình chọn về chất lượng dịch vụ. Trong các năm 2011 đến 2013, IGIA đứng thứ hai thế giới về chất lượng dịch vụ. Trong năm 2014 - 2015 có tới gần 40 triệu lượt hành khách sử dụng IGIA để bay tới 58 địa điểm trên khắp Ấn Độ và 62 địa điểm quốc tế. Như vậy, trong thời kỳ này, trung bình mỗi ngày IGIA phục vụ 885 chuyến bay và xử lý 696.000 tấn hàng hóa. 

MỚI - NÓNG