THẾ GIỚI 24H: Kiev tố Moscow ‘phá vỡ đàm phán về khủng hoảng Ukraine’

THẾ GIỚI 24H: Kiev tố Moscow ‘phá vỡ đàm phán về khủng hoảng Ukraine’
TPO - Kiev ngày 2/6 đã cáo buộc Moscow phá hoại các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Ukraine giữa các quan chức đến từ Ukraine, Nga và nhóm trung gian hòa giải của OSCE với các đại diện của lực lượng ly khai miền Đông.

Phát biểu với các phóng viên, Đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini cho biết các quan chức đến từ Ukraine, Nga và nhóm trung gian hòa giải của OSCE đã quyết định hoãn cuộc họp với các đại diện của lực lượng ly khai  miền Đông. Hãng thông tấn Interfax của Ukraine, được xem là thân cận với nhà thương thuyết của chính phủ Ukraine Leonid Kuchma, dẫn nguồn tin Ukraine cáo buộc đại diện Nga phải chịu trách nhiệm vì sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán trên. Nguồn tin trên nói: “Đại diện của Nga, ông Azamat Kulmukhametov đã rời phòng họp. Như vậy, trên thực tế Nga đã phá hoại cuộc họp của nhóm này”, theo Vietnamplus.


Phó Tư lệnh chỉ huy trung tâm các Lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Alexander Rozmaznin yêu cầu loại các sĩ quan Nga khỏi Ủy ban giám sát nhiệm vụ đặc biệt (SMM) thuộc Ủy ban An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đang làm việc tại Donbass. Theo ông Rozmaznin, các đại diện của Nga hiện diện tại nhóm quan sát của OSCE sẽ làm mất đi tính khách quan. Trong khi đó, chuyên gia Đông phương học nổi tiếng của Nga, Giáo sư Tiến sỹ khoa học Vladimir Kolotov nhận định, OSCE đã hoàn toàn thất bại trong tất cả nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở châu Âu, theo RIA Novosti.


Ba Lan ngày 2/6 tuyên bố đang củng cố các lực lượng vũ trang nhằm sẵn sàng đối phó với mối đe dọa lớn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh trong bối cảnh tình hình Ukraine vẫn căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak khẳng định, Ba Lan cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các mối lo ngại từ Nga. Nước này đã tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 18% trong năm 2015. Phát biểu trên của ông Siemoniak được đưa ra khi căng thẳng giữa Nga – phương Tây tăng cao sau khi Nga tuyên bố cấm vận nhiều nhân vật chính trị phương Tây nhằm đáp trả lại lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).


Nghị viện của Liên minh châu Âu (EP) sẽ tiến hành 3 biện pháp nhỏ nhằm vào các quan chức Nga trong động thái trả đũa việc Moscow cấm 89 chính trị gia của 17 nước châu Âu nhập cảnh Nga. Chủ tịch EP Martin Schulz ngày 2/6 tuyên bố trong khi chờ dỡ bỏ bản danh sách đen của Nga, EP sẽ hạn chế việc lui tới các cơ sở của tổ chức này đối với 2 quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga, đánh giá quyền tiếp cơ quan lập pháp này của các thành viên thuộc Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) dựa trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và đình chỉ hợp tác với Ủy ban Nga - Liên minh châu Âu (EU).


Hãng AP đưa tin ngày 2/6, tập đoàn Almaz-Antei, nhà sản xuất hệ thống tên lửa phòng không Buk, đưa ra kết luận rằng chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã bị tên lửa Buk phiên bản cũ bắn hạ. Trả lời họp báo, Mikhail Malyshevsky, cố vấn cho Tổng giám đốc của Almaz-Antei, cho hay phân tích của tập đoàn nhà nước này dựa trên các bức ảnh chụp xác máy bay MH17 được công khai. The ông Malyshevsky, các lỗ hổng trên các mảnh vỡ máy bay khớp với một loại tên lửa Buk và đầu đạn của tên lửa này. Mỗi loại tên lửa Buk sở hữu đầu đạn với mảnh đạn có hình dạng cụ thể và theo Giám đốc Almaz-Antei Yan Novikov, phiên bản tên lửa nói trên nằm trong kho vũ khí của quân đội Ukraine chứ không phải của Nga.


Hàn Quốc và Triều Tiên quyết định sẽ không tổ chức một sự kiện chung trong tháng này nhằm đánh dấu kỷ niệm 15 năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử. Hồi tháng trước, các nhóm dân sự Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí với sáng kiến tổ chức chung lễ kỷ niệm 15 năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Theo sáng kiến này, lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức từ ngày 14/6 tại Seoul và kéo dài 3 ngày. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, phía Triều Tiên cho biết, “sẽ là tốt hơn” nếu 2 miền Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm riêng. Triều Tiên cáo buộc chính phủ Hàn Quốc vẫn thờ ơ về địa điểm tổ chức sự kiện và thiết lập các điều kiện không cần thiết khi nói rằng Hàn Quốc sẽ chỉ cho phép giao lưu dân sự 2 miền Triều Tiên vì mục đích phi chính trị.


Ngày 2/6, một quả bom phát nổ tại một khu chợ đông đúc ở thành phố Maiduguri, thủ phủ bang Borno, miền Đông Bắc Nigeria, làm 50 người thiệt mạng. Theo một nguồn tin quân sự, quả bom được giấu dưới gầm một phản bán thịt trong chợ đã phát nổ vào lúc 13 giờ (giờ địa phương), thời điểm người bán hàng bắt đầu dọn hàng để ra về. Kẻ chủ mưu đã chọn khu vực đông nhất trong chợ để gài bom và kích nổ quả bom. Hiện chưa có tổ chức nào nhận tiến hành vụ đánh bom mới nhất này.


Nga đã kêu gọi liên minh các nước, do Mỹ đứng đầu, chống tổ chức thánh chiến "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng phối hợp các cuộc không kích với các chiến dịch trên bộ của quân đội Chính phủ Syria. Bên cạnh đó, Nga cảnh báo rằng các phần tử thánh chiến có thể tiến "rất xa" nếu không bị ngăn chặn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh việc liên minh chống IS không phối hợp các cuộc không kích với các hoạt động của quân đội Syria trong cuộc chiến chống IS là một sai lầm.


Trung tướng Thái Lan, ông Manus Kongpan hôm 2/6 ra đầu thú sau khi bị truy nã với cáo buộc dính líu đến đường dây buôn người. "Tôi yêu cầu công lý. Tôi sẵn sàng hợp tác đầy đủ với giới chức theo mọi cách", Reuters dẫn lời ông nói qua điện thoại khi đang trên đường đến một đồn cảnh sát tại Pedang Besar, thị trấn nằm ở biên giới Thái Lan - Malaysia, nơi nạn buôn người phát triển mạnh. "Dù tòa án phán quyết thế nào, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận". Ông Manus, 58 tuổi, bị truy nã với 4 tội danh. Ông được cho là dính líu vào đường dây buôn bán những người di cư Hồi giáo Rohingya từ Myanmar năm 2013. 


Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, hệ thống kiểm tra an ninh tại các sân bay của nước này không thể phát hiện đến 95% vũ khí cũng như chất nổ. Qua thử nghiệm tại một vài sân bay trên toàn nước Mỹ, một nhân viên mật của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã có thể dễ dàng đi qua khu vực kiểm tra an ninh trong khi mang theo vũ khí và chất nổ mà không bị phát hiện. Ngay sau khi có kết quả của cuộc điều tra, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ đã ra lệnh thắt chặt an ninh tại các sân bay.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.