THẾ GIỚI 24H: Máy bay quân sự Nga áp sát tàu khu trục Mỹ ở Biển Đen

Hai máy bay Su-24 bay tiếp cận tàu USS Donald Cook của Hải quân Mỹ, tháng 4/2016. (Nguồn: Hải quân Mỹ)
Hai máy bay Su-24 bay tiếp cận tàu USS Donald Cook của Hải quân Mỹ, tháng 4/2016. (Nguồn: Hải quân Mỹ)
TPO - Người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, Đại úy Danny Hernandez cho biết các máy bay quân sự Nga đã nhiều lần bay gần một tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở Biển Đen hôm 10/2 theo một cách "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp". 

Theo ông Hernandez, tổng cộng có 3 vụ việc liên quan đến các máy bay Nga và khu trục hạm USS Porter. Vụ thứ nhất liên quan đến 2 chiến đấu cơ Su-24, vụ thứ hai liên quan đến một chiến đấu cơ Su-24 và vụ thứ ba liên quan đến một máy bay chống ngầm và tuần thám biển IL-38. Ông Hernandez nêu rõ: "Tàu USS Porter đã phát tín hiệu cảnh báo tất cả các máy bay nói trên nhưng không được hồi đáp. Những vụ việc như vậy là đáng quan ngại bởi có thể dẫn đến va chạm hoặc tính toán sai lầm." 


Cảnh sát Malaysia khẳng định công dân Triều Tiên tử vong tại nước này chính là ông Kim Jong-nam, anh trai của Chủ tịch CHDCND Kim Jong-un. Các nhân viên an ninh Malaysia chưa xác định được nguyên nhân gây ra cái chết của ông Kim Jong-nam. Kênh truyền hình Joseon-TV trích dẫn nguồn tin giấu tên trong chính phủ Malaysia khẳng định, ông Kim Jong-nam được cho là đã bị sát hại. Tuy nhiên quan chức này cũng nói thêm rằng hiện đang xác nhận thêm thông tin về việc này. (XEM CHI TIẾT)


Chính phủ Hàn Quốc đã được Chính phủ Malaysia thông báo về việc Kim Jong-nam bị sát hại. Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày mai (15/2). Tờ DongA Ilbo ngày 14/2 cho biết Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày xác nhận đã được Chính phủ Malaysia thông báo về việc Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.


Vấn đề Ukraine gia nhập vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ có thể đặt ra sau khi tiến hành cải cách các lực lượng vũ trang của đất nước và đưa lực lượng tới gần các tiêu chuẩn của liên minh. Đó là khẳng định của đại diện NATO tại Ukraine, ông Alexandr Vinnikov. Tuyên bố của đại diện NATO đưa ra ít ngày sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng ông dự định sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc đất nước ông sẽ gia nhập NATO. (XEM CHI TIẾT)


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis cũng như Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đảm bảo sẽ ủng hộ NATO trong phương pháp tiếp cận Nga. Lãnh đạo NATO nêu rõ: "Liên quan đến Nga, trong cuộc điện đàm của tôi với Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tôi đã nhận được tín hiệu rằng, họ hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận song song: phòng thủ và đối thoại, thay vì chỉ lựa chọn một trong hai phương án". 


Khoảng 50- 60 tàu của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hộ tống đi kèm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga trong thời gian nhóm tàu di chuyển đến bờ biển Syria và ngược lại. Đây là thông báo của thuyền trưởng cấp I chỉ huy tàu tuần dương Sergei Artamonov. "Trong toàn bộ chuyến đi, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện gần bên cạnh chúng tôi có khoảng 50-60 tàu của các nước NATO. Ở một số địa điểm nhất định (ví dụ, từ biển Na Uy đến phía đông Địa Trung Hải) cùng một lúc nhóm của chúng tôi có tới 10-11 tàu của họ bám sát", ông Artamonov cho biết. (XEM CHI TIẾT)


Vòng hòa đàm mới về cuộc xung đột Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ sẽ diễn ra ngày 15/2 tại thủ đô Astana của Kazakhstan theo thể thức họp kín. Trong vòng hòa đàm tại Astana cách đây gần 3 tuần, đại diện của chính quyền Damascus và các nhóm vũ trang đối lập không đạt được được bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán gián tiếp. Các cuộc đàm phán tại Astana được coi là sự khởi động cho các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ dự kiến bắt đầu diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 23/2 tới. 


Mỗi năm gần 1,1 triệu người tử vong sớm do chất lượng không khí kém tại Ấn Độ, gần như ngang ngửa với số người tử vong vì ô nhiễm không khí tại Trung Quốc. Đây là kết quả của một báo cáo do 2 viện nghiên cứu sức khỏe có trụ sở tại Mỹ cùng thực hiện và được công bố ngày 14/2. Cụ thể: Tỷ lệ tử vong sớm tại Trung Quốc do PM2,5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) duy trì ở mức khoảng 1,1 triệu người kể từ năm 2005. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, con số này đã dần tăng từ khoảng 737.400 người/năm vào năm 1990 đến 1,09 triệu người vào năm 2015.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG