THẾ GIỚI 24H: Mỹ muốn 'hủy hoại quan hệ với Nga'

Ảnh: Sputnik
Ảnh: Sputnik
TPO - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 22/10 nhận định việc chính quyền Mỹ tuyên bố có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga cho thấy rõ ràng Mỹ đang đặt ra mục tiêu hủy hoại hoàn toàn quan hệ với Nga.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ đang thảo luận với các đối tác châu Âu về cách thức chống lại hành động của Nga tại Syria, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt mới. Theo ông Ruabkov, những tuyên bố tương tự này không có gì mới đối với Moscow. Mỹ vẫn lặp đi lặp lại và sẽ tiếp tục nói về lệnh trừng phạt, điều này đã trở thành nghi thức hàng ngày của chính quyền Mỹ. Nga có cảm tưởng Nhà Trắng không đặt ra bất kỳ mục tiêu nào khác ngoài việc hủy hoại hoàn toàn quan hệ với Nga.


Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc liên quân do Mỹ dẫn đầu chống các phần tử thánh chiến Hồi giáo ở Iraq phạm những tội ác chiến tranh. Lời cáo buộc này được đưa ra một ngày sau khi xảy ra cuộc không kích vào một đền thờ gần thành phố Kirkuk, khiến 15 phụ nữ thiệt mạng. Moscow cho biết đã theo dõi vài lần và thấy rằng những cuộc tấn công gây chết người này, vốn có tất cả những dấu hiệu của các tội ác chiến tranh, gần như đã trở thành một công việc được thực hiện hàng ngày bởi các máy bay chiến đấu của liên minh quốc tế nói trên.


Liên hiệp các cơ quan nghiên cứu độc lập Gallup International/WIN mới đây đã tiến hành thăm dò ý kiến người dân 45 nước chiếm 75% dân số thế giới, cho thấy nếu cuộc bầu cử Mỹ được cả thế giới tham gia thì phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với 59% số phiếu, vượt xa ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump - ông chỉ giành được 25% số phiếu. 16% còn lại chưa quyết định sẽ bầu cho ai. Bà Hillary giành được sự ủng hộ rộng rãi nhất ở tây Âu, Mỹ La Tinh và châu Phi. Tỷ lệ ủng hộ cao nhất dành cho bà là hơn 80% ở Phần Lan, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển, Hàn Quốc và Colombia. (XEM CHI TIẾT)


Hải quân Hàn Quốc cho biết nước này cùng với Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung tại vùng biển phía Đông của đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc. Hải quân Hàn Quốc nêu rõ trong hai ngày 22-23/10, các lực lượng hải quân Hàn Quốc và Mỹ cùng Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập tìm kiếm và cứu hộ các tàu gặp nạn (SAREX), và chiến dịch ngăn chặn tàu thuyền nghi chở vũ khí hủy diệt hàng loạt (MIO).


Ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã có chuyến thăm không báo trước tới thủ đô Baghdad nhằm gặp gỡ giới chức Iraq, trong bối cảnh lực lượng an ninh Iraq đang chiến đấu giành lại thành phố miền Bắc Mosul, thành trì chủ chốt cuối cùng của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại quốc gia Trung Đông này. Ông Carter sẽ gặp Thủ tướng nước chủ nhà Haider al-Abadi, các quan chức cấp cao và các tướng lĩnh quân đội nhằm thảo luận về chiến dịch chống IS tại Mosul.


Ngày 22/10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã từ chối lời đề nghị từ phía Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc để nước này trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng thành phố Mosul, thành trì cuối cùng của IS tại Iraq.

THẾ GIỚI 24H: Mỹ muốn 'hủy hoại quan hệ với Nga' ảnh 1

Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại thủ đô Baghdad, Thủ tướng al-Abadi lên tiếng cảm ơn lời đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ song nhấn mạnh rằng chiến dịch tấn công vào thành phố Mosul là do Iraq khởi xướng và lên kế hoạch.


Lực lượng trung thành với chính phủ Libya đã giải cứu 13 con tin nước ngoài bị nhóm phiến quân IS bắt tại thành phố Sirte, cách thủ đô Tripoli khoảng 450 km về phía Đông. Văn phòng truyền thông của lực lượng chính phủ thông báo các con tin trên gồm 11 phụ nữ Eritrea, 1 người Thổ Nhĩ Kỳ và 1 người Ai Cập đã được tự do. Lực lượng này cho biết thêm đã giành lại một số tòa nhà tại một quận Đông Bắc Sirte sau 3 ngày giao tranh ác liệt với những tay súng IS.


Quốc hội Đức đã thông qua dự luật cải cách Cơ quan Tình báo liên bang (BND) theo hướng siết chặt quản lý hoạt động của cơ quan tình báo nước ngoài này của Đức. Luật mới quy định cụ thể hoạt động do thám ở nước ngoài cũng như nền tảng pháp lý trong hợp tác của BND với các cơ quan tình báo nước ngoài, với mục đích phục vụ chính sách đối ngoại và an ninh của Đức. 


Tòa án phúc thẩm - tòa án tối cao của Ai Cập ngày 22/10 đã tuyên phạt 20 năm tù giam đối với cựu Tổng thống Mohamed Morsi do các cáo buộc liên quan đến vụ bạo lực và giết người xảy ra ở bên ngoài Dinh Tổng thống hồi năm 2012. Các nguồn tin tòa án cho biết đây là lời tuyên án cuối cùng đối với ông Morsi vì các tội danh trên, sau hàng loạt phiên xét xử khác nhau.

MỚI - NÓNG