THẾ GIỚI 24H: Mỹ - Nga đồng loạt điều quân xuống Thái Bình Dương

Tàu khu trục lớp Zumwalt.
Tàu khu trục lớp Zumwalt.
TPO - Giới chức quốc phòng Mỹ ngày 31/3 tuyên bố sẽ triển khai các tàu khu trục tàng hình hiện đại nhất tới Thái Bình Dương nhằm duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực trọng yếu này. Tuyên bố đưa ra một ngày sau khi Nga đưa máy bay chống ngầm IL-38N tới Hạm đội Thái Bình Dương ở Elizovo thuộc khu vực Kamchatka.

Tờ Thời báo phố Wall ngày 31/1 dẫn lời Chuẩn đô đốc Christopher Paul thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu tại Canberra (Úc) rằng nước này quyết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Thái Bình Dương. Ông Paul cho hay Mỹ sẽ triển khai thêm hàng loạt tàu chiến hiện đại tới vùng biển trên, trong đó có tàu khu trục lớp Zumwalt. Tuyên bố của Mỹ đưa ra một ngày sau khi sau khi Nga đưa máy bay chống ngầm IL-38N tới Hạm đội Thái Bình Dương ở Elizovo thuộc khu vực Kamchatka. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương, Đại tá Roman Martov cho biết: “Trung tá Igor Dobrovolsky cùng phi hành đoàn đã tiếp nhận máy bay. Sau khi thực hiện các cuộc thử nghiệm bay, phi hành đoàn đã điều khiển IL-38N đến căn cứ quân sự ở Kamchatka”. Theo các nguồn tin, do được trang bị hệ thống tìm kiếm-theo dõi mục tiêu thế hệ mới, IL-38N có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly tới 90 km và mục tiêu trên mặt nước tới 320 km. (Xem chi tiết)


Phiến quân Nhà nước Hồi giáo ngày 31/3 xử tử ít nhất 37 dân thường trong đợt càn quét vào một ngôi làng ở tỉnh Hama, miền trung Syria. Nhà nước Hồi giáo (IS) "hành quyết ít nhất 37 người, trong đó có cả phụ nữ lẫn trẻ em, bằng cách thiêu, chặt đầu và nã đạn" tại làng Mabujeh, tỉnh Hama, AFP dẫn lời Rami Abdel Rahman, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), cho biết. Trong khi đó, truyền hình quốc gia Syria đưa tin có 44 người chết và 22 người bị thương trong đợt càn quét của IS.


Thủ tướng Iraq hôm 31/3 tuyên bố, các lực lượng an ninh nước này cùng các tay súng bán vũ trang theo dòng Shitte đã giải phóng thành phố Tikrit của người Sunni. Đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức  IS tự xưng. Một nhóm vũ trang Shitte tham gia trận chiến Tikrit đã công bố đoạn băng video ghi lại cuộc giao tranh mới nhất với kết cục các lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát trụ sở chính quyền Tikrit. Các tòa nhà chính quyền đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Chính phủ. Chiến dịch đánh chiếm Tikrit của quân đội Iraq mở màn hôm 2/3 đã được Mỹ hỗ trợ bằng những cuộc không kích kể từ hôm 25/3.


Hãng tin nhà nước Cuba Prensa Latina (PL) cho biết cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Cuba và Mỹ đang diễn ra tại Washington được tiến hành trong không khí tôn trọng và chuyên nghiệp. Theo bà Anayansi Rodríguez, Đại diện của Cuba tại các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Geneva và thành viên phái đoàn đàm phán Cuba, hai bên đã thảo luận về các phương pháp xây dựng không gian đối thoại nhân quyền giữa hai nước trong tương lai. Cuộc thảo luận đang diễn ra đúng theo lịch trình dự kiến. Thông tin chính thức trước cuộc họp, hai trưởng phái đoàn đàm phán là Pedro Luis Pedroso, Vụ phó Vụ Đa phương và Luật quốc tế của Bộ Ngoại giao Cuba và Thomas Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. 


Ngày 31/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích những âm mưu nhằm châm ngòi xung đột giữa các nước Arab và Iran liên quan tới tình hình hiện nay ở Yemen. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Lavrov nêu rõ: "Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra và sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để tránh việc biến xung đột nội bộ ở Yemen thành một cuộc đối đầu mở giữa thế giới Arab và Iran”. Cùng ngày, Iran cũng lên tiếng chỉ trích việc Saudi Arabia "tấn công" Yemen, cho rằng động thái này đã đe dọa toàn bộ khu vực, đồng thời kêu gọi ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự chống phiến quân Hồi giáo Houthi dòng Shi'ite. 


Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yasseen ngày 31/3 kêu gọi các nước Arập can thiệp quân sự trên bộ “càng sớm càng tốt” vào quốc gia này. Trả lời câu hỏi của Kênh truyền hình Arập al-Arabiya Hadath rằng liệu ông có tìm kiếm sự can thiệp trên bộ từ các quốc gia Arập hay không, ông Yaseen nói: “Có, chúng tôi đề nghị như vậy và càng sớm càng tốt để cứu cơ sở hạ tầng và những người Yemen đang bị vây hãm ở nhiều thành phố”.


Đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền tại Italy đang chấn động vì một vụ bê bối tham nhũng mới, sau khi một thành viên có uy tín của đảng này, Giuseppe Ferrandino, Thị trưởng thành phố Ischia (miền Nam Italy), bị bắt với cáo buộc tham nhũng. Đáng chú ý, trong các đoạn băng ghi âm làm bằng chứng, các đối tượng có nhắc tới tên của cựu Thủ tướng Massimo d'Alema, cũng là một thành viên đảng Pd. Ferrandino bị bắt cùng với 9 người khác, trong đó có nhiều quan chức cấp cao của tập đoàn Gruppo CPL Concordia. Những đối tượng trên bị bắt sau khi các nhà điều tra có được bằng chứng cho thấy CPL Concordia đã ký hai hợp đồng "ma" trị giá 330.000 euro với anh em nhà Ferrandino. Ngoài ra, cơ quan công tố cũng cho rằng, trong nhiều năm, CPL Concordia đã chi nhiều khoản tiền cho các băng đảng mafia vùng Campania để đánh đổi lấy sự "bảo vệ" và "hỗ trợ" của chúng trong việc làm ăn. 


Ngày 31/3, Trung Quốc xác nhận rằng 30 quốc gia đã được chấp thuận làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đề xuất. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, hạn chót nộp đơn xin gia nhập AIIB là ngày 31/3 và số lượng thành viên sáng lập sẽ được xác nhận vào ngày 15/4, trong khi một số quốc gia ứng viên vẫn đang trong tiến trình xét duyệt đa phương. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh việc sáng lập AIIB là "động thái mang tính xây dựng sẽ bổ sung cho trật tự kinh tế quốc tế hiện nay và giúp Trung Quốc có khả năng gánh vác thêm trách nhiệm toàn cầu."


Nhiều tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ gần như bị tê liệt trong đợt mất điện nghiêm trọng vào ngày 31/3. Theo Reuters, có đến 40/81 tỉnh, thành phố của nước này bị cúp điện, bao gồm thủ đô Ankara và thành phố Istanbul. Đây là đợt mất điện nghiêm trọng nhất kể từ 10 năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Giao thông của nhiều thành phố lớn bị trì trệ do tàu điện ngầm không thể hoạt động. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết nguyên nhân gây mất điện có thể do sự cố kỹ thuật nhưng giới hữu trách không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào, kể cả “khủng bố”.


Vụ cơ sở hạ tầng vùng lãnh thổ phía Bắc của Úc (DOI) vừa bị phạt 20.000 USD sau khi cấp phép cho một nhà thầu đốn hạ cây tại khu vực linh thiêng của thổ dân bản địa tại ngoại ô TP Darwin hồi tháng 7/2014. Vào thời điểm đó, ông Gary Higgins, thành viên Đảng Tự do Úc ở địa phương, lên án vụ chặt cây là “vụ cắt tỉa man rợ”. Theo đài ABC (Mỹ), Cơ quan Bảo tồn các khu vực sinh sống của thổ dân Úc (AAPA) sau đó đã đệ đơn kiện DOI lên tòa án ở TP Darwin. Tại phiên tòa hôm 30/3, DOI đã nhận tội và bị phạt 20.000 USD vì vi phạm khoản 34 đạo luật bảo vệ các khu vực linh thiêng của thổ dân Úc tại vùng lãnh thổ phía Bắc. Tuyên bố của AAPA nêu rõ hoạt động phá hoại này do một nhà thầu đại diện cho DOI gây ra và cơ quan này đã hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra.

MỚI - NÓNG