THẾ GIỚI 24H: Nga kêu gọi Mỹ đối thoại để giải quyết tranh chấp

THẾ GIỚI 24H: Nga kêu gọi Mỹ đối thoại để giải quyết tranh chấp
TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện mừng đến Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân ngày Quốc khánh Mỹ, đồng thời kêu gọi hai nước đối thoại để giải quyết tranh chấp.

Theo báo Guardian, điện Kremlin cho biết, trong điện mừng gửi tới Washington, Tổng thống Putin thừa nhận Nga và Mỹ có nhiều khác biệt, nhưng “quan hệ Nga - Mỹ vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với an ninh và ổn định quốc tế”. Ông Putin cho rằng hai nước “có thể tìm ra giải pháp xử lý các vấn đề quốc tế, chống lại một cách hiệu quả các thách thức và đe dọa toàn cầu nếu hai nước đối thoại dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau”.


Báo Bưu điện Washington đưa ra nhận định rằng trước sự tiến triển chậm chạp trong quá trình hội nhập với châu Âu, Gruzia đang chuyển hướng quay sang Nga bất chấp những mâu thuẫn trong quá khứ. Báo trên có đoạn: "Rất ít người nghĩ rằng, ở đất nước thân Phương Tây và từng trải qua xung đột quân sự chớp nhoáng với Nga hồi năm 2008 sẽ có thể tìm lại được điểm tựa từ phía Điện Kremlin. Tuy nhiên, trong khi Phương Tây hành động nuốt lời với việc tiếp nhận Gruzia vào Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thiện cảm dành cho Nga ở quốc gia này đang tăng lên”.


Cựu Ngoại trưởng Ukraine, ông Leonid Kozhara vừa đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook cá nhân bức thư hôm 25/6 của Thượng nghị sĩ Mỹ Richard J. Durbin gửi Thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatsenyuk. Trong thư, chính trị gia Mỹ thay mặt Thượng viện bày tỏ không hài lòng với những thay đổi nhân sự trong nội các Ukraine. 

Bức thư cho biết Thượng viện Mỹ "vẫn tin tưởng" ông Yatsenyuk, đồng thời chia sẻ "mối quan ngại về việc Tổng thống Petro Poroshenko tiếp tục cách chức các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Ukraine, những người hoàn toàn cống hiến cho tiến trình dân chủ" ở quốc gia Đông Âu này. 

Ông Durbin đồng tình với việc "cần dành mọi nỗ lực giữ lại ông Alexei Pavlenko", Bộ trưởng Nông nghiệp Thực phẩm, đồng thời nhấn mạnh "việc sa thải ông này sẽ càng gây trở ngại trên con đường mở rộng hợp tác giữa các công ty nông nghiệp Mỹ với Ukraine". 


Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập một cuộc họp gồm các tư lệnh quân khu đồn trú dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria để bàn về khả năng can thiệp vào nước láng giềng Trung Đông này.

Theo đó, các Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã lệnh cho tất cả các tư lệnh đồn trú dọc biên giới hai nước về tham dự một cuộc họp tại tổng hành dinh ở thủ đô Ankara trong tuần tới để thảo luận chi tiết về một chiến dịch như vậy. 

Chương trình nghị sự của cuộc họp sẽ đề cập đến việc triển khai hơn 400 xe thiết giáp phục vụ hoạt động chở quân. Ngoài ra, vai trò của Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ chiến dịch này dự kiến cũng sẽ được đưa ra thảo luận.


Mỹ và Australia hôm 5/7, đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn được tổ chức 2 năm một lần. Cuộc tập trận diễn ra trong 2 tuần tại vùng lãnh thổ phía Bắc và bang Queensland của Australia.

Khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và Australia tập trận giả định trên biển, trên không và đất liền. Trước đó, trong bài phát biểu trên tàu chiến USS Blue Ridge, Thủ tướng Australia Tony Abbott khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ - Australia đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt tại khu vực Trung Đông.


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tiến hành các vụ đánh bom liều chết nhằm vào Baiji, thị trấn lọc dầu lớn nhất ở miền Bắc Iraq, khiến quân đội và các tay súng Hồi giáo người Shiite phải rút lui. Việc chiếm được Baiji được cho là sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường ở Irap.

Phiến quân IS tiến hành 2 vụ tấn công đánh bom liều chết tại đây đêm qua và sau đó đã đọ súng với quân đội đến rạng sáng. Các vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh quân đội Iraq vừa tuyên bố đã giành lại được gần hết thị trấn chiến lược này và có thể đánh bật phiến quân khỏi đây trong vài ngày tới. Quan chức quân đội Iraq cho biết, phiến quân IS tự xưng vẫn kiểm soát 3 vị trí trong thị trấn Baiji. 


Các kết quả chính thức từ 50% địa điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ở Hy Lạp cho thấy, hơn 61% cử tri nước này ngày 5/7 đã bác bỏ kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế Liên minh châu Âu (EU) ​- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra.

Trong khi đó, hàng nghìn người dân Athens đã tụ tập tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm thành phố để đón mừng kết quả này, bất chấp những cảnh báo rằng việc không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế có thể khiến Hy Lạp ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).


Ngay sau khi kết thúc cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho rằng hầu như không còn cơ hội đạt được sự th​ỏa hiệp với Chính phủ Hy Lạp sau khi người dân nước này nói “Không” với kế hoạch cải cách.

Ông Gabriel cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã “phá hủy cây cầu cuối cùng để châu Âu và Hy Lạp có thể đi tới một th​ỏa hiệp". Theo ông Gabriel, với việc Hy Lạp từ chối luật chơi của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khó hình dung có thể tiến hành đàm phán về các chương trình cứu trợ nhiều tỷ euro cho Hy Lạp.


Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang phải đối mặt với nguy cơ bị cáo buộc hình sự sau khi có nghi vấn rằng hàng triệu USD đã được chuyển vào các tài khoản cá nhân của ông này từ một quỹ đầu tư nhà nước. Tổng chưởng lý của Malaysia hôm 4/7 xác nhận rằng, ông đã nhận được báo cáo của cơ quan điều tra cho thấy Thủ tướng Razak đã nhận tiền từ một quỹ đầu tư phát triển Malaysia (1MDB). Ấn bản châu Á tạp chí phố Wall của Mỹ trước đó một ngày đã đăng tải thông tin rằng, Quỹ này đã chuyển tới 700 triệu USD vào tài khoản của ông Razak trước thềm cuộc bầu cử tháng 3/2013.


Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra liệu các hãng hàng không nước này có thông đồng giữ giá vé máy bay cao hay không. Bộ tư pháp Mỹ cho biết đang tiến hành điều tra liệu các hãng hàng không Mỹ có thông đồng giữ giá vé máy bay cao, khi đưa ra các kế hoạch hạn chế số ghế và số chuyến bay.

Trong văn bản gửi các hãng hàng không Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu các hãng này thông báo chi tiết các quyết định hạn chế số ghế cung cấp trên các chuyến bay và những thông tin liên quan từ tháng 1 năm 2010 đến nay cho các nhà đầu tư, giới phân tích và công luận. Bốn hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ là American Airlines, Delta Air Lines, United Continental Holdings và Southwest Airlines hiện đang kiểm soát khoảng 80% thị trường vận tải hàng không trong nước.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.