THẾ GIỚI 24H: Philippines tăng mạnh chi tiêu quốc phòng

THẾ GIỚI 24H: Philippines tăng mạnh chi tiêu quốc phòng
TPO - Giới chức Philippines cho biết nước này lên kế hoạch tăng cường chi tiêu quân sự trong 15 năm tới, theo đó sẽ dành hơn 20 tỷ USD để hiện đại hóa các lực lượng nhằm đối phó với những tham vọng trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách kế hoạch của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), Thiếu tướng Raul del Rosario cho hay bản kế hoạch chi tiết trên, được phê chuẩn hôm 3/7, sẽ gồm có hoạt động lắp đặt các rađa và thiết bị cảm biến, mua sắm các khí tài như tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay chiến đấu, máy bay do thám và các hệ thống tên lửa. Ông khẳng định: “Khi hoàn thành kế hoạch này, chúng tôi sẽ biết rõ những gì đang xảy ra ở vùng biển tranh chấp này và có thể đưa ra phản ứng nhanh chóng hơn đối với những sự vụ bất ngờ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.


Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu - bà Federica Mogherini - cho biết, đàm phán hạt nhân Iran sẽ kéo dài thêm hai ngày, sau khi các bên đã bỏ lỡ thời hạn chót vào ngày 7/7. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Vienna (Áo), bà Federica Mogherini cho biết Iran và nhóm P5+1(gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) sẽ tiếp tục đàm phán trong những ngày tới và tận dụng khoảng thời gian cần thiết để hoàn tất một thỏa thuận. Thừa nhận rằng đàm phán vẫn còn những khó khăn, tuy nhiên, đại diện của Liên minh châu Âu vẫn lạc quan nhận định việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran là hoàn toàn có thể và đó là trách nhiệm quan trọng mà các bên cần thực hiện.


Thủ tướng Ukraine Arseniy Petrovych Yatsenyuk ngày 7/7 tuyên bố Kiev cần một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và Nga để đảm bảo việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của Ukraine tới châu Âu. Phát biểu tại thủ đô Kiev, ông Yatsenyuk nhấn mạnh Ukraine muốn đảm bảo việc vận chuyển khí đốt và đảm bảo an ninh năng lượng. Để đạt được điều này, cần phải có một thỏa thuận 3 bên giữa Ukraine, Nga và EU về việc trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine tới châu Âu.


Kiev cho biết Nga đã ngừng cung cấp điện cho các khu vực do quân ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Theo Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshyn, Nga gần đây đã ngừng cung cấp điện cho các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Lugansk và Donetsk. Hiện Moscow chưa có phản ứng nào với những bình luận trên của ông Demchyshyn.


Quân đội Nga ngày 7/7 đã tiến hành cuộc kiểm tra đột xuất về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các binh sĩ nước này đồn trú ở Armenia, trong bối cảnh quốc gia vùng Caucasus này đang phải chật vật đối phó với làn sóng biểu tình chống chính phủ.

Trong một thông báo, Quân khu miền Nam của Nga nêu rõ “trong cuộc kiểm tra đột xuất này, một phái đoàn sẽ đánh giá khả năng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ của các binh sĩ trong đơn vị không quân đồn trú tại Erebuni và trong căn cứ quân sự ở Gyumri”.


Khoảng 180 ngòi nổ và gần 40 quả lựu đạn đã bị đánh cắp khỏi một căn cứ quân sự tại thị trấn Miramas, miền Nam nước Pháp. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khiến giới chức nước này tiến hành ngay một loạt vụ điều tra. Trong một thông báo ngày 7/7, Bộ Quốc phòng Pháp đã ra lệnh tiến hành đánh giá nội bộ nguồn cung cấp quân sự của quân đội cũng như việc bảo vệ tất cả các cơ sở quân sự dự trữ đạn dược. Một cuộc điều tra khác cũng được tiến hành nhằm xác định liệu có đối tượng nào phải chịu trách nhiệm cho vụ xâm phạm an ninh này không.


Cơ quan An ninh Quốc gia Afghanistan (NDS) thông báo nhân vật số hai của nhánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại nước này Gul Zaman và sáu phần tử IS khác đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái Mỹ. Tuyên bố của NDS ngày 7/7 nêu rõ: "Gul Zaman, thủ lĩnh số 2 kiêm chỉ huy tác chiến của IS tại tỉnh Khorasan, và cấp phó của hắn là Jahanyar cùng 5 phần tử IS khác đã bị tiêu diệt sau đợt không kích tại huyện Achin thuộc tỉnh miền Đông Nangarhar".


Các quan chức Hy Lạp và châu Âu cho biết Athens sẽ đưa ra đề xuất mới về cứu trợ, trong đó có tính tới những lo ngại của các chủ nợ quốc tế, trong ngày 8/7. Giới phân tích đánh giá việc đề xuất này có được chấp nhận hay không sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc giữ Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức chính phủ Hy Lạp cho biết Athens sẽ đề xuất một văn kiện có thể thỏa thuận, trong đó có tính tới kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, các quan điểm chung của các nhà lãnh đạo chính trị và các đề xuất của các chủ nợ.


Ngày 7/7, chính quyền Malaysia tuyên bố đã đóng băng sáu tài khoản ngân hàng có dính líu đến cáo buộc Thủ tướng Najib Razak tham nhũng 700 triệu USD. Theo báo Wall Street Journal, Tổng chưởng lý Malaysia Abdul Gani Patail, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zeti Akhtar Aziz, Tổng thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar và Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Abu Kassim Mohamed cùng đưa ra thông  báo trên. Các quan chức này cũng cho biết nhà chức trách Malaysia đã tịch thu hàng loạt tài liệu có liên quan đến 17 tài khoản của hai ngân hàng bị tình nghi dính líu đến vụ xìcăngđan biển thủ 700 triệu USD để hỗ trợ cuộc điều tra đang diễn ra.


Trước nguy cơ hai cơn bão Linfa và Chan-Hom đang tiến vào Trung Quốc, ngày 7/7, gần 10.000 người đã sơ tán khỏi tỉnh Phúc Kiến (miền Đông nước này). Trong khi đó chính quyền địa phương yêu cầu 1.859 thuyền đánh cá khẩn trương vào bờ. Các cơ quan chức năng cũng ban bố lệnh ứng phó khẩn cấp ở mức 3 và tạm dừng dịch vụ vận chuyển đường biển trên hai tuyến nối giữa Phúc Kiến và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo bão Linfa có khả năng tràn vào hai tỉnh này tối 8/7, trong khi bão Chan-Hom được cảnh báo có thể gây lở đất ở tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang cuối ngày 10/7.

MỚI - NÓNG