THẾ GIỚI 24H: Quân đội hai miền Triều Tiên trở lại tình trạng thời bình

Binh sỹ Hàn Quốc canh gác ở Khu phi quân sự
Binh sỹ Hàn Quốc canh gác ở Khu phi quân sự
TPO - Quân đội của cả hai miền Triều Tiên ngày 30/8 đã được đưa trở lại với trạng thái của thời bình sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên vào hôm 25/8 vừa qua đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá tháo ngòi cho tình trạng căng thẳng và tăng cường các mối quan hệ liên Triều.   

Một quan chức quân sự yêu cầu giấu tên được dẫn lời nói: “Cấp báo động cao nhất trước đây được ban bố với các đơn vị tiền tuyến nay đã được dỡ bỏ. Hiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Hàn Quốc đã được đưa trở lại cấp độ của thời bình”. 


Tổng thống Nga, Pháp và Thủ tướng Đức ngày 30/8 đã tiến hành các cuộc điện đàm thảo luận về tình hình Donbass của Ukraine và ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 1/9.  Lần cuối cùng các thành viên tham gia “Nhóm Norman” là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tham gia thảo luận tình hình Đông – Nam Ukraine cách đây đã hơn một tháng. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ, các nhà lãnh đạo của ba nước “ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn diện, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9”. Bộ phận báo chí của điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin nhấn mạnh “giải pháp chính trị không thay thế cho cuộc xung đột dựa trên việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận tại Minsk”. Bà Merkel và ông Hollande cũng thông báo với ông Putin về kết quả cuộc gặp tại Berlin với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa kết thúc cách đây ít ngày.


Chính giới Anh bất bình trước quyết định của Tây Ban Nha – cho phép tàu ngầm Nga "Novorossiysk" vào tiếp nhiên liệu ở cảng Ceuta, nằm trên bờ biển phía Bắc Morocco. Các nghị sĩ và chuyên viên quân sự của Anh cho rằng chính phủ Tây Ban Nha có cử  chỉ "khiêu khích công nhiên" chống lại Gibraltar — vùng lãnh thổ duyên hải  của Anh trên bán đảo Iberia mà Tây Ban Nha đang tranh chấp. Theo quan điểm của Anh, Tây Ban Nha cho phép "Novorossiysk" vào cảng nằm không xa lãnh thổ Gibraltar để đe dọa cư dân ở vùng đất Anh.


Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 30/8 đã cho triệu Đại sứ Anh tại thủ đô Cairo, ông John Casson tới để phản đối trước những tuyên bố của ông này cho rằng, việc Tòa án Ai Cập phạt tù 3 nhà báo của kênh truyền hình Al-Jazeera có thể làm xói mòn lòng tin của người dân đối với sự ổn định tại Ai Cập. Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, những nhận xét của ông Casson là một sự can thiệp không thể chấp nhận được đối với ngành tư pháp của nước sở tại và không phù hợp với những chuẩn mực ngoại giao. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này bác bỏ bất kỳ chỉ trích nào từ cộng đồng quốc tế đối với phán quyết của tòa án Ai Cập.


Ngày 30/8, hàng chục nghìn người đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội Nhật Bản để phản đối các dự luật mới dự kiến sẽ được thông qua, theo đó cho phép quân đội nước này lần đầu tiên tham chiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Hiện đang có ngày càng nhiều người tham gia các cuộc biểu tình phản đối những dự luật gây tranh cãi trên, trong đó có cả sinh viên đại học, giữa lúc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang xúc tiến việc thông qua các dự luật này trước khi kỳ họp quốc hội hiện nay kết thúc vào cuối tháng 9 tới. 


Cư dân địa phương cho biết ngày 30/8, một cuộc không kích do các máy bay chiến đấu thuộc liên minh do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành, với mục tiêu mà liên minh này cho là một nhà máy chế tạo bom, đã cướp đi sinh mạng của 36 dân thường làm việc tại một nhà máy đóng chai ở tỉnh Hajjah, miền Bắc Yemen. Phát ngôn viên của liên quân, Chuẩn tướng Ahmed Asseri phủ nhận thông tin cuộc không kích ở Hajjah đã đánh trúng mục tiêu dân thường, cho rằng đây là địa điểm được phiến quân Houthi sử dụng để chế tạo thiết bị nổ cũng như huấn luyện dân nhập cư châu Phi bị chúng ép buộc phải cầm súng.


Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 105 người bị thương trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra ngày 30/8 ở thành phố Khobar, miền Đông Saudi Arabia. Bộ Quốc phòng Saudi Arabia cho biết đám cháy bùng phát ở tầng hầm của khu nhà ở cho công nhân tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco. Những người thương vong đến từ "nhiều quốc gia khác nhau", và nhiều nạn nhân bị thương đang trong "tình trạng nguy kịch".


Ngày 30/8, các cơ quan cứu hộ Trung Quốc công bố số liệu cho thấy số người tử vong trong vụ nổ kho h​óa  chất ở thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc nước này, đã lên tới 150 người, 23 người vẫn mất tích. Trong số nạn nhân thiệt mạng có 92 lính cứu hỏa và 10 cảnh sát. Trong số những người mất tích có 12 lính cứu hỏa, 1 cảnh sát. Tổng cộng 367 người đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 20 trường hợp nguy kịch.


Cảnh sát Thái Lan đang mở rộng truy lùng các nghi can trong vụ đánh bom đẫm máu tại ngôi đền Erawan ở trung tâm thủ đô Bangkok ngày 17/8. Trước đó, ngày 29/8 cảnh sát nước này đã bắt giữ một người nước ngoài cùng nhiều hộ chiếu giả, và vật liệu chế tạo bom trong cuộc đột kích vào một căn hộ chung cư ở Bangkok.  Cảnh sát đang theo dõi khoảng 1.000 số điện thoại di động và kiểm tra những bức ảnh chụp trong 200 hộ chiếu bị thu giữ nhằm truy lùng thành viên của một tổ chức được cho là đứng đằng sau vụ tấn công hôm 17/8 làm 20 người thiệt mạng và gây chấn động Thái Lan.


Bộ trưởng Thương mại Indonesia Tom Lembong cho biết Indonesia đề xuất sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Phát biểu tại phiên họp Hạ viện Indonesia, ông Tom Lembong cho biết: "Tất cả quốc gia ASEAN chủ yếu sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế nhưng trong bối cảnh đồng USD tăng, chi phí nhập khẩu và dịch vụ cũng tăng lên. Điều đó khiến họ phải xem xét khả năng sử dụng đồng nhân dân tệ. Đồng nội tệ của Trung Quốc cần thâm nhập vào các khu vực rộng hơn nữa vì các nền kinh tế của ASEAN chủ yếu tập trung vào Trung Quốc".

MỚI - NÓNG