THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga

THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga
TPO - Đại sứ Mỹ tại Nga, ông John Tefft, ngày 6/5 cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ không đến Moscow dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít theo lời mời của điện Kremlin. Tuy nhiên, ông Obama hy vọng quan hệ Mỹ - Nga sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

“Khi quyết định ai sẽ đại diện cho Mỹ trong dịp kỷ niệm này, chúng tôi, cũng như một số đồng minh châu Âu của chúng tôi, đã  xét đến việc Nga tiếp tục vi phạm chủ quyền Ukraine”, Đại sứ Mỹ tại Nga, ông John Tefft nói: “Mặc dù Tổng thống Barack Obama sẽ không có mặt tại lễ kỷ niệm năm nay, nhưng tôi biết rằng, ông Obama hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta, sau khi chúng ta loại bỏ nguyên nhân gây ra sự căng thẳng bên ngoài”. Đại sứ John Tefft cũng cho biết, ông rất vinh dự khi đại diện cho Mỹ tại buổi lễ chính thức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ở Moscow vào ngày 9/5 tới. Cùng ngày, Đại sứ Mỹ cũng đã thảo luận về giải quyết xung đột ở Ukraine và thực hiện thỏa thuận Minsk với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin, theo Sputnik.


Chánh văn phòng Tổng thống Nga, Sergei Ivanov, vừa cho biết ông quan ngại về việc các đồng minh cũ của Liên Xô thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 đang tìm cách viết lại lịch sử và hạ thấp vai trò của Liên Xô trong việc cứu cả nhân loại khỏi thảm họa phát xít. "Có một lượng khổng lồ các tài liệu và chứng cứ cho thấy Liên Xô đã đóng vai trò chủ chốt trong việc giành thắng lợi tại cuộc chiến đáng sợ nhất trong lịch sử thế giới", ông Sergei Ivanov nói. Một cuộc thăm dò gần đây do Trung tâm nghiên cứu ICM Research tiến hành cho hãng tin Sputnik cho thấy 24% người dân châu Âu không thể nói rõ ai đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi kết cục của Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chỉ 13% tin rằng Liên Xô đã định hình kết cục của cuộc chiến. 


Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ngày 6/5 khẳng định, không ai muốn chứng kiến một nước Nga bất ổn và bị cô lập, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt được duy trì do thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Ukraine không được thực thi đầy đủ. Phát biểu tại Đại học Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc, bà Mogherini nêu rõ: "Giống như Trung Quốc, châu Âu ưu tiên việc chấm dứt bạo lực tại miền Đông Ukraine. Các nỗ lực của chúng tôi đều tập trung vào việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk, và chúng tôi đang đóng góp cụ thể cho mục tiêu đó”, theo Vietnamplus.


"Sẽ không có sự sửa đổi lại thỏa thuận ngừng bắn Minsk về chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine" - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố. Tuyên bố cứng rắn nói trên được ông Poroshenko  đưa ra trước cuộc gặp với Nhóm tiếp xúc, dự kiến sẽ diễn ra hôm nay, ngày 7/5. Phát biểu tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định thỏa thuận ngừng bắn Minks đã ký kết cần phải được các bên thực thi đầy đủ và sẽ không chấp nhận sự sửa đổi hay thay thế nào. Dự kiến trong ngày hôm nay, đại diện của Nga, Ukraine, OSCE và lãnh đạo phe ly khai ở miền Đông Ukraine sẽ nhóm họp tại Thủ đô Minks của Belarus nhằm thảo luận về cách thức củng cố thỏa thuận ngừng bắn Minsk đã ký hồi tháng 2.


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 6/5 đã thông báo rằng tại Donbass (miền Đông Ukraine) hiện có hơn 40.000 thành viên các nhóm vũ trang bất hợp pháp, và đang tiếp tục nhận được nguồn tài chính, trong đó có vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga. Bộ phận báo chí của nguyên thủ quốc gia Ukraine cho biết tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Poroshenko nói rằng "tổng lực lượng đối địch tại Donbass, chiến binh của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, là hơn 40.000 người, và nhóm quân đội Nga áp sát biên giới là hơn 50.000 binh sỹ, tăng gần 1,5 lần so với hồi tháng 7/2014”. Theo ông Poroshenko, phía Nga vẫn tiếp tục thường xuyên cung cấp cho các chiến binh ly khai ở miền Đông các loại vũ khí và trang bị quân sự, đạn được và nhiên liệu. 


Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đưa ra những cam kết mới, giúp các đồng minh vùng Vịnh thành lập một hệ thống phòng thủ khu vực để chống lại tên lửa của Iran. Những cam kết này có thể sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - các nước vùng Vịnh vào tuần tới. Theo giới quan sát, bước đi này của Mỹ nhằm xoa dịu lo ngại của các đồng minh Arab về bất cứ một thỏa thuận hạt nhân nào đạt được với Iran. Đề xuất của Mỹ có thể đưa ra tại hội nghị sắp tới, bao gồm các cam kết tăng cường an ninh, bán vũ khí mới và các cuộc diễn tập quân sự chung.


Các nhà điều tra Pháp ngày 6/5 cho biết viên cơ phó điều khiển chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings đâm vào dãy Alps hồi tháng Ba đã từng định cướp chuyến bay trước đó song không thành. Văn phòng điều tra tai nạn hàng không Pháp nói rằng cơ phó Andreas Lubitz đã "tập luyện" hành động này trên chuyến bay từ Duesseldorf to Barcelona trước khi thực hiện thật trên chuyến bay ở chiều về. Lubitz đã tìm cách để cơ trưởng rời buồng lái, sau đó khóa trái cửa và không hồi đáp những nỗ lực để mở cửa buồng lái từ bên ngoài. Trước đấy, các kết quả phân tích chi tiết chiếc hộp đen cho tới nay càng củng cố những nhận định đưa ra đối với cơ phó người Đức Andreas Lubitz rằng người này đã hoàn toàn chủ định điều khiển máy bay đâm vào núi.


Nước Anh hôm nay 7/5 bước vào cuộc tổng tuyển cử được xem là khó đoán kết quả nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo các cuộc thăm dò dư luận, không có đảng nào có thể giành đủ số ghế để tự đứng ra lập chính phủ mới. Điều người ta quan tâm nhiều nhất ở cuộc bầu cử lần này là cử tri Anh sẽ chọn hướng đi nào trong mối quan hệ không mấy êm ả với Liên minh châu Âu (EU). Tác động của nó được cho là có thể vươn xa tới tận khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nếu Đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng, cuộc trưng cầu dân ý về việc rời bỏ EU sẽ được tổ chức vào năm 2017. Đảng Dân chủ Tự do - đối tác của Đảng Bảo thủ trong liên minh cầm quyền hiện nay - cũng ủng hộ phương án này dù chủ trương ở lại với EU. Riêng Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) theo đường lối bài EU và chống nhập cư, thậm chí còn mở cả chiến dịch đòi rời khỏi EU ngay lập tức. Trái lại, Công đảng và Đảng Quốc gia Scotland (SNP) phản đối ý tưởng về cuộc trưng cầu dân ý nói trên.


Mỹ đã cho phép mở lại tuyến đường biển đến Cuba. Thông báo này một lần nữa khẳng định quan hệ đang nồng ấm trở lại giữa Washington và La Habana. Bộ Tài chính Mỹ đã cấp phép cho ít nhất 4 công ty chở hành khách và hàng hoá dọc theo tuyến hàng hải 150km từ mũi phía nam tiểu bang Florida tới Havana. 3 công ty trong các công ty này có trụ sở chính ở Florida. Một số công ty vận tải biển tại Florida, miền đông nam nước Mỹ đối diện với Cuba, đã đưa ra yêu cầu này từ 5 năm trước. Song các công ty hàng hải vẫn bày tỏ sự ngạc nhiên. Việc di chuyển bằng tàu biển giữa Cuba và Mỹ đã từng nở rộ trong thập niên 50. Khoảng cách giữa hai nước chưa đầy 300 km.


Hạn hán nghiêm trọng đang khiến người dân tại 520 thành phố của Iran đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt trầm trọng. Theo thông kê, hiện khoảng 60% các hồ chứa nước của các đập lớn tại Iran đã bị cạn kiệt và lượng nước chảy vào các hồ đập đã giảm 16% từ đầu mùa Thu năm ngoái. Các quan chức Iran cho biết cuộc khủng hoảng nước là do biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán kéo dài diễn ra thường xuyên trong hơn 2 thập kỷ qua.

MỚI - NÓNG