THẾ GIỚI 24H: Ukraine kêu gọi Nga đàm phán

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin. Nguồn: AP.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin. Nguồn: AP.
TPO - Ngày 1/8, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin kêu gọi Nga tiến hành “những cuộc đàm phán nghiêm túc” về một lệnh ngừng bắn và làm ổn định tình hình miền Đông Ukraine - nơi đang cần các cuộc bầu cử công bằng dưới sự giám sát của quốc tế. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Ngoại trưởng Ukraine Klimkin cho rằng quân đội và lực lượng đặc nhiệm Nga đang “chỉ huy hoàn toàn” khu vực Donetsk và Lugansk, vốn hiện nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân ly khai. Ông cũng cho biết vài ngày trước Ukraine đã bắt giữ một xe tải lớn của Nga chở đầy vũ khí do một sỹ quan đặc nhiệm Nga điều khiển. Theo ông, đây là một trong rất nhiều những minh chứng về sự hiện diện của Nga tại miền Đông. Ông Klimkin cũng nhấn mạnh phiến quân vẫn tiếp tục trụ vững nhờ có vũ khí và lực lượng Nga được đưa qua biên giới vào miền Đông mà Kiev không thể kiểm soát. 


Hãng thông tấn DPA (Đức) dẫn lời của Đại diện thường trực tại NATO, ông Martin Erdmann cho biết, nước này đã lên tiếng ủng hộ việc khôi phục Hội đồng Nga-NATO. Song, không phải tất cả các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều ủng hộ quan điểm này của nước Đức. "Tại Liên minh có những quan điểm khác nhau về việc khôi phục lại đối thoại Hội đồng Nga-NATO", ông Martin Erdmann nói.


Trong các đợt tuần tra trên không trong 2 tuần qua, các máy chiến đấu của NATO đã ngăn chặn số lượng kỷ lục các máy bay chiến đấu Nga tại khu vực Baltic. Theo liên minh quân sự này, các máy bay chiến đấu của Bỉ, Italia, Na Uy, và Anh được biên chế thực hiện sứ mệnh tuần tra không phận Baltic đã ngăn chặn tổng số 22 chiếc máy bay chiến đấu Nga khi chúng bay qua khu vực này với một số đội hình khác nhau trong 2 tuần cuối tháng 7/2015.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 1/8 đã đáp chuyến bay tới Ai Cập để tái khởi động quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia đồng minh truyền thống này. Ai Cập cũng là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du khu vực của ông Kerry. Tại chặng dừng chân ở Cairo, ông Kerry sẽ gặp gỡ người đồng cấp Sameh Shoukri để tiến hành cuộc “đối thoại chiến lược” giữa hai đồng minh. Quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2011 khi Ai Cập nổ ra biến động chính trị.


Theo Đài RFI, trong thời gian gần đây, phản ứng của chính quyền Mỹ đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn một cách rõ rệt. Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, nội bộ chính quyền Mỹ vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm giữa giới tướng lĩnh - vốn chủ trương phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc, với giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao không muốn gây sứt mẻ trong quan hệ với Bắc Kinh.


Mặc dù không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii của Mỹ lần này đã ghi nhận những bước tiến đáng kể. Phát biểu với báo giới tại Hawaii ngày 31/7 sau khi đàm phán TPP kết thúc, Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản Akira Amari khẳng định các bên đã tiến rất gần một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là các bộ trưởng có thể hoàn tất công việc. Theo ông, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám này.


Ngày 1/8, Nigeria đã đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng Tám. Đại diện thường trực Nigeria tại Liên hợp quốc Uche Joy Ogwu đã đảm nhận chức vụ trên từ Đại diện thường trực New Zealand tại Liên hợp quốc Gerard van Bohemen - người đã đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng Bảy. Vào ngày 4/8, ông Joy Ogwu sẽ có buổi họp báo ngắn về chương trình công tác của Hội đồng Bảo an tại trụ sở của Liên hợp quốc. 
Văn phòng Tổng thống khu tự trị người Kurd ở Iraq ngày 1/8 đã yêu cầu các phiến quân Đảng Công nhân người Kurd (PKK) rời khỏi khu tự trị này để tránh thương vong cho dân thường do các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào PKK gây ra. Tuyên bố nêu rõ: "PKK phải chuyển chiến trường ra xa khỏi khu vực người Kurd để dân thường không trở thành nạn nhân của cuộc chiến này…, nhất là kể từ khi các chính phủ của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một thỏa thuận cho phép các lực lượng Ankara tiến vào lãnh thổ Iraq.” Tuyên bố cũng đồng thời kêu gọi PKK và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nối lại tiến trình hòa bình.

Trong thông điệp đầu tiên phát tán ngày 1/8, tân thủ lĩnh Taliban Akhtar Mohammad Mansour đã kêu gọi lực lượng phiến quân này đoàn kết, giữa lúc xuất hiện thông tin về sự rạn nứt trong hàng ngũ Taliban sau thông báo về cái chết của thủ lĩnh Mullah Omar.Theo đoạn ghi âm này, Mansour hô hào cho mục tiêu của bọn chúng là thực thi luật Sharia, áp dụng hệ thống Hồi giáo và thề theo đuổi sự nghiệp thánh chiến đến cùng. Đoạn ghi âm dài 33 phút cũng đề cập đến cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Afghanistan, nhưng không thể hiện rõ liệu y có ủng hộ tiến trình này hay không.


Hai trong số bốn giáo viên Ấn Độ bị các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc ngày 29/7 tại Lybia, khi đang trên đường từ thủ đô Tripoli về nước, đã được thả ngày 31/7. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã báo cáo với Thủ tướng Narendra Modi về vụ việc này, cũng như các biện pháp mà bộ này đã triển khai để giải cứu cho hai giáo viên tên là Lakshmikant và Vijay Kumar, đồng thời đang cố gắng giải cứu hai người còn lại.

MỚI - NÓNG