Thế giới bất đồng về việc Triều Tiên thử tên lửa

Thế giới bất đồng về việc Triều Tiên thử tên lửa
TP - Sau vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên vừa qua, các nhà lãnh đạo những nước tham gia cuộc đàm phán 6 bên tất bật mở các cuộc ngoại giao con thoi đến thủ đô các nước liên quan cũng như tăng cường tiếp xúc ngay tại Liên Hợp Quốc.
Thế giới bất đồng về việc Triều Tiên thử tên lửa ảnh 1
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Shizo Abe

Tổng thống Mỹ George W. Bush có các cuộc điện đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin bàn về một giải pháp cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice liên tục điện thoại cho những người đồng cấp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc để tham vấn. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher Hill bay hết đến Bắc Kinh, Tokyo, Seoul rồi đến hôm 11/7 lại về Bắc Kinh để tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng thời gian đó, ông Yang Hyong Sop-một quan chức cao cấp của CHDCND Triều Tiên cũng tới Bắc Kinh để tham khảo ý kiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc về cách ứng xử mới.

Ngày 11/7, Trung Quốc đã đưa ra một lời bình luận khiến các quan chức Tokyo khó chịu, nói rằng bản dự thảo nghị quyết Liên Hợp Quốc do Nhật Bản bảo trợ về việc áp dụng trừng phạt đối với  CHDCND Triều Tiên là “một sự phản ứng quá mức có thể làm chia rẽ Hội đồng Bảo an”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Jiang Yu, cho rằng bản dự thảo nghị quyết đó nếu được thông qua sẽ làm xấu thêm các mâu thuẫn và càng làm tăng thêm sự căng thẳng trong khu vực.

Đáng chú ý là Hàn Quốc cũng phản đối bản dự thảo nghị quyết do Nhật Bản đưa ra, cũng như những lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo ở Tokyo về việc nước này giành quyền đánh đòn phủ đầu vào căn cứ tên lửa Triều Tiên ngay khi chúng còn trên bệ phóng.

Lập trường của Hàn Quốc là một mặt Seoul vẫn lên án hành động bắn thử tên lửa vừa qua của CHDCND Triều Tiên, mặt khác phản đối việc tuyên bố của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản S. Abe đòi đánh đòn phủ đầu vào CHDCND Triều Tiên.

Về vấn đề này, lập trường của Hàn Quốc và Trung Quốc giống nhau ở chỗ cả hai đều cho rằng nếu để cho Tokyo thực hiện điều họ nói vô hình chung đã hợp pháp hóa cho hành động tấn công phủ đầu bằng quân sự của Nhật Bản vào bán đảo Triều Tiên.

Thực chất là cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều muốn ngăn chặn sớm mọi mầm mống có thể dẫn đến các hành động phiêu lưu quân sự có thể của Nhật Bản ra nước ngoài trong tương lai.

Tại New York hôm 10/7,  Hội đồng Bảo an đã hoãn một cuộc bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do Nhật Bản đề xuất để chờ kết quả của đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc sang Bình Nhưỡng trao đổi với các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

Đoàn đại biểu này do Phó Thủ tướng Trung Quốc Hui Liangyu thăm CHDCND Triều Tiên từ ngày 10-15/7 để thảo luận hai vấn đề chính là vấn đề thử tên lửa và việc nối lại đàm phán 6 bên đang bị gián đoạn từ tháng 11 năm ngoái.

Trong khi cử đoàn cấp cao tới Bình Nhưỡng, phía Trung Quốc tại New York được sự hậu thuẫn của Liên bang Nga đã đệ trình ra Liên Hợp Quốc một bản dự thảo về tuyên bố của Hội đồng Bảo an.

Bản dự thảo tuyên bố này lên án hành động thử tên lửa vừa qua của CHDCND Triều Tiên với lời lẽ khá mạnh. Nội dung bản dự thảo tuyên bố nói trên đề cập đến hầu hết các vấn đề mà Nhật Bản đã nêu trong bản dự thảo nghị quyết Liên Hợp Quốc về việc trừng phạt Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên bản dự thảo của Trung Quốc có điểm khác chủ yếu so với dự thảo của Nhật Bản ở chỗ đó là một văn bản nếu được Hội đồng Bảo an thông qua sẽ không ràng buộc các bên liên quan.

Trong khi đó, phương án do Tokyo đệ trình nếu được Hội đồng Bảo an thông qua sẽ trở thành văn bản pháp luật chính thức buộc các bên liên quan phải thi hành. 

Mặc dù lập trường của các bên về vấn đề thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên  còn bất đồng sâu sắc nhưng cả 6 nước tham gia cuộc đàm phán 6 bên đều có một điểm chung là muốn giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều tiên qua đường ngoại giao.

MỚI - NÓNG