Thế giới ‘chia rẽ’ sau phát biểu của Trump trước Đại hội đồng LHQ

Ảnh: ABC
Ảnh: ABC
TPO - Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 72 tiếp tục "dậy sóng" với những phản ứng khác nhau từ những người phản đối và ủng hộ ông.

Không thiếu người chê

Những ý kiến phản đối bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước 193 thành viên ĐHĐ LHQ khóa 72 chủ yếu đến từ một số quốc gia thành viên mà ông chỉ trích.

Đầu tiên phải kể đến là phản ứng "cứng rắn" của Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho khi tham dự phiên họp ĐHĐ LHQ. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), ông Ri Yong-ho đã phản ứng gay gắt với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên. Ông Ri Yong-ho tuyên bố: "Lời đe dọa của Trump nghe như "tiếng chó sủa".

Tiếp đến Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đưa ra những phản ứng không kém phần gay gắt. Khi chia sẻ với hãng thông tấn Fars News Agency, ông Mohammad Javad Zarif cho rằng: “Bài phát biểu mang đầy sự thù hận và thiếu hiểu biết của ông Trump tại Đại hội đồng LHQ thuộc về thời trung cổ chứ không phải tại một phiên họp LHQ”.

Bài phát biểu của ông Trump lẽ ra phác thảo viễn cảnh về một thế giới mà các quốc gia có chủ quyền muốn đem lại những điều tốt đẹp cho công dân của họ nhưng ông lại dành phần lớn thời lượng để nhắm vào điều mà ông gọi là “các chế độ vô lại” cũng như gọi đó là “tai họa của hành tinh chúng ta hôm nay”. 

Cùng chung quan điểm với ông Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã chia sẻ với BBC rằng: “Đó là bài phát biểu sai lầm, sai thời điểm và sai cả đối tượng”. 

Trong khi đó, phát biểu tại một hoạt động quần chúng phản đối Mỹ tại Caracas, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã hối thúc Mỹ tôn trọng chủ quyền và yêu cầu người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump dừng ngay việc ra lệnh cho các nước trên thế giới. Trong đó ông Nicolás Maduro nhấn mạnh Venezuela không lo ngại trước những lời đe dọa của “đế quốc Mỹ”.

Phát biểu với báo giới tại New York, Ngoại trưởng Colombia María Angela Holguín đã chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Trump bởi cho rằng những biện pháp trừng phạt kinh tế chống Venezuela sẽ chỉ làm nền kinh tế nước này trở nên tồi tệ hơn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga "vô cùng quan ngại" trước những phát biểu mang tính hoài nghi của Tổng thống Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran và cho rằng chính Washington có thể đã vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, việc chối bỏ Thỏa thuận hạt nhân với  Iran sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, không tôn trọng thỏa thuận đó thì sẽ là vô trách nhiệm, bởi vì đây là một thỏa thuận tốt và nó cần thiết cho hòa bình vào thời điểm mà chúng ta không thể loại trừ nguy cơ tai họa từ địa ngục có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào.

Cựu Đại sứ Pháp tại LHQ Jean-Marc De La Sablière giải thích: “Những phát biểu cứng rắn mang đậm tính đe dọa được phát ra từ cửa miệng một tổng thống Mỹ, trên diễn đàn LHQ là điều rất đáng lo ngại”. 

Ngoài ra, nhiều thành viên trong khán phòng đã che mặt bằng hai tay, và có những tiếng lầm bầm vang lên trong lúc ông Trump phát biểu.

Trong tuyên bố của Đại sứ Cuba tại Washington, La Habana nêu những nhận xét của ông Trump là “thiếu tôn trọng, không chấp nhận được và là một sự can thiệp vào nội tình Cuba”. 

Truyền thông thế giới cũng có những phản ứng khá "tiêu cực" về bài phát biểu của ông Trump.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 21/9 cảnh báo Mỹ “sẽ phải đối mặt với một vụ tấn công hạt nhân kinh hoàng và sẽ bị phá hủy hoàn toàn”. KCNA khẳng định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và quân đội của ông “không hề run sợ trước bất kỳ lời đe dọa trừng phạt hoặc gây chiến nào”.

Ngày 20/9, Thời báo Hoàn cầu, phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo- cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc đăng bài xã luận với tựa đề “Hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh của Trung Quốc và Hàn Quốc”. Trong đó nhấn mạnh, đây không phải là biểu hiện của một Tổng thống Mỹ mà thế giới trông đợi. Việc thông qua chiến tranh đẫm máu để loại trừ mối đe dọa an ninh tiềm tàng rõ ràng là sự "điên rồ" trong thế kỷ 21.

Mỹ có khả năng “hủy diệt” Triều Tiên, nhưng việc không sử dụng khả năng đó để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên mới là thắng lợi thực sự. Nếu Mỹ kiên trì muốn lãnh đạo thế giới, thì Washington phải có trách nhiệm giải quyết "bài toán" vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng phương thức phù hợp nhất với lợi ích của toàn nhân loại, chứ không phải là chỉ gây sức ép.

Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho rằng chủ nghĩa đơn phương và thói ích kỷ của Mỹ sẽ không có lợi cho việc giải quyết các vấn đề hiện nay.  

Báo Libération (Pháp) nhận định, trong bài phát biểu, Triều Tiên và Iran bị ông Trump xếp vào loại “nhà nước côn đồ”, gợi nhớ đến “trục ma quỷ” của người tiền nhiệm George W. Bush trước đây. Và giọng điều của ông Trump trong bài phát biểu là hiếu chiến và hiếm thấy trong môi trường vốn lịch sự.

Các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trên diễn đàn LHQ cho thấy ngành ngoại giao thế giới đang trong một tình thế lố bịch.

Không ít người khen

Mặc dù có rất nhiều ý kiến phản đối bài phát biểu của ông Trump, nhưng vẫn có những người ủng hộ ông. Trong đó, điển hình nhất là những người thuộc đảng Cộng Hòa và những "đồng minh" thân cận của Washington.

Những người thuộc đảng Cộng Hòa đã biện minh rằng, bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Liên Hợp Quốc rất rõ ràng, có sức mạnh và đầy nguyên tắc. Mục đích thật sự của những lời đe dọa trong bài phát biểu của ông Trump là nhằm "ngăn chặn chiến tranh, đảm bảo cuộc sống cho người dân Mỹ và các đồng minh, đồng thời duy trì các áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Triều Tiên để buộc họ từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của mình".

Bên cạnh đó đồng minh lâu năm của ông Trump là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi đương kim Tổng thống Mỹ khi cho rằng: "Trong suốt 30 năm kinh nghiệm làm việc với Liên hợp quốc, ông chưa bao giờ nghe bài phát biểu nào “táo bạo và khích lệ” hơn thế.

Ông Trump không chỉ vì ủng hộ lập trường của Israel đối với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà còn thân thiện với Israel hơn tiền nhiệm Barack Obama".

Đặc biệt, nước Anh mặc dù đang gặp khó khăn trên con đường rời khỏi Liên minh châu Âu cũng được cho là ủng hộ bài phát biểu “nảy lửa” của Tổng thống Trump nhằm vào Iran và Triều Tiên. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết London không mong muốn chiến tranh nhưng sẽ đi theo sự dẫn dắt của ông Trump.

“Như Tổng thống Trump nói, cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục hợp tác để đối đầu với những chế độ bất hảo và đó chính xác là những gì Thủ tướng Anh sẽ làm trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới ở New York tuần này”, người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết.

Đặc biệt, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng bài phát biểu của Tổng thống Mỹ trước Liên Hợp Quốc ngày 19/9 "rất đáng hoan nghênh". Ông Sergei Lavrov cho biết ông đã nghe được những tin tốt từ bài phát biểu cùng ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng: "Mỹ sẽ không áp đặt cách sống của họ lên các quốc gia khác".

"Tôi nghĩ đó là một bài phát biểu rất đáng hoan nghênh, thứ chúng ta đã lâu chưa được nghe từ một nhà lãnh đạo Mỹ", ông Lavrov nói ngay sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

MỚI - NÓNG