Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào trận chiến Mosul dù Iraq phản đối

Một chiến binh người Kurd xả súng về phía IS tại thị trấn Naweran, gần Mosul vào ngày 23/10.
Một chiến binh người Kurd xả súng về phía IS tại thị trấn Naweran, gần Mosul vào ngày 23/10.
TPO - Pháo binh và xe tăng đã hỗ trợ các chiến binh người Kurd trong cuộc tiến công vào thành trì Mosul của Nhà nước Hồi giáo tự xưng – IS, bất chấp việc Baghdad nhiều lần kêu gọi Ankara kiềm chế các hoạt động IS ở Iraq.

Theo RT, pháo binh và xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã nã pháo vào vị trí gần Mosul, thành trì quan trọng của phiến quân thánh chiến ở Iraq. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, các hoạt động quân sự này được tiến hành theo yêu cầu của lực lượng dân quân Peshmerga người Kurd.

“Peshmerga đã dồn lực để đẩy lùi IS khỏi khu vực Bashiqa (gần Mosul). Họ yêu cầu sự giúp đỡ từ quân đội chúng tôi tại các cơ sở ở Bashiqa. Vì vậy, chúng tôi đã huy động xe tăng và pháo binh trợ giúp”, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu trích dẫn lời ông Bildrim.

Sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào trận chiến chống IS ở Iraq đã kéo dài được một thời gian. Tuy nhiên, Baghdad tỏ vẻ không muốn có bất kỳ hỗ trợ mặt đất từ phía nước này.

Ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cố gắng thuyết phục Thủ tướng Iraq Haider Abadi để cho Ankara góp sức trong cuộc tổng tấn công giải phóng Mosul, nhưng không nhận được đáp trả tích cực.

“Tôi biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn. Tuy nhiên, đây là vấn đề của người Iraq và chúng tôi sẽ tự giải phóng Mosul và những phần lãnh thổ bị chiếm đóng còn lại”, AP trích dẫn lời ông Abadi.

Ông cũng nhấn mạnh, sẽ yêu cầu sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước khác trong khu vực khi thật sự cần thiết.

Đây không phải lần đầu chính phủ Iraq tỏ thái độ cương quyết với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ngày 10/10, Abadi đã thẳng thừng tuyên bố: “Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được phép tham gia vào giải phóng Mosul trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Baghdad cũng đã nhiều lần kêu gọi Ankara rút quân khỏi Bashiqa, nơi Thổ Nhĩ Kỳ xây các cơ sở quân sự với 25 xe tăng, 150 binh lính và khoảng 2000 “cố vấn quân sự”.

Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Iraq bị chính phủ nước này xem là hành vi xâm phạm chủ quyền. 

Ngày 5/10, đa số nghị sĩ Iraq đã lên tiếng chống lại quyết định kéo dài thời gian đóng quân trên đất Iraq của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua vào hai ngày trước đó.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG