Thủ tướng Ấn Độ gặp Tổng thống Mỹ: Tình bạn bất ngờ hay trận đấu gay cấn?

Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ đều là những lãnh đạo mạnh miệng. Ảnh: India Today.
Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ đều là những lãnh đạo mạnh miệng. Ảnh: India Today.
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên tại Washington vào ngày 26/6 (giờ Mỹ). Theo giới quan sát, dù hai người có một số điểm chung, nhưng những bất đồng hiện nay có thể khiến họ trở thành đối thủ.

Cuộc gặp tại Nhà Trắng hứa hẹn ít trang trọng hơn so với những chuyến thăm trước của ông Modi đến Washington, trong đó có lần Tổng thống Barack Obama đưa ông đến thăm đài tưởng niệm Martin Luther King Jr. năm 2014.

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi sẽ dễ nói chuyện với nhau vì chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều lên nắm quyền từ làn sóng dân túy, dân tộc, với lời hứa sẽ chống khủng bố và đối đầu Trung Quốc. Cả hai đều có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội – mỗi người có khoảng 30 triệu người theo dõi trên Twitter.

Ông Trump xây một tòa tháp Trump ở Mumbai và đã nói một cách ấm áp về Ấn Độ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái. “Nhà Trắng rất quan tâm đến việc sắp xếp chuyến thăm đặc biệt này. Chúng tôi thực sự muốn trải thảm đỏ”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng.

Trong chuyến đi này, ông Modi được kỳ vọng sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ song phương có vẻ đang lỏng lẻo. Nhưng các quan chức Ấn Độ lo lắng hai nhà lãnh đạo có xu hướng nói thẳng suy nghĩ của mình sẽ khó hòa hợp với nhau. Họ sẽ có cuộc nói chuyện riêng sau phần gặp báo chí không hỏi đáp. Đây cũng là lần đầu tiên ông Trump mời cơm tối một lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng.

Dự kiến hai bên sẽ đạt được tiến triển trong vấn đề hợp tác quốc phòng, nhưng còn nhiều điều có thể gây chia rẽ. Với ngọn cờ “Nước Mỹ là trên hết”, ông Trump đang gặp rắc rối với tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ ngày càng tăng. Ông Trump cũng yêu cầu xét lại chương trình visa H-1B đang có lợi cho các hãng công nghệ Ấn Độ. Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cáo buộc Ấn Độ đã đàm phán sai trái để không phải viện trợ hàng tỷ đô la Mỹ.

Ông Rick Rossow, một chuyên gia về Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (Mỹ), nói rằng những chia rẽ trong quan hệ Mỹ - Ấn từ khi ông Trump lên nắm quyền khiến cuộc gặp lần này thêm sức nặng. “Cuộc gặp lần này sẽ làm sáng tỏ liệu 6 tháng qua là Tập 1 cho một tình bạn đáng ngạc nhiên hay là Vòng 1 của một trận đấu gay cấn”, ông Rossow ví von.

Chuẩn bị cho lựa chọn khác

Một thỏa thuận lớn hai bên có thể thông báo trong dịp này là, sau nhiều tuần thảo luận, chính quyền Trump đồng ý bán cho Ấn Độ khoảng hai chục máy bay không người lái Guardian. Hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ USD sẽ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bán công nghệ này cho một nước không phải đồng minh trong NATO.

“Đây là cơ hội để Tổng thống Trump tái khẳng định về vai trò quan trọng của Ấn Độ đối với Mỹ, thực tế là Mỹ ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở châu Á – Thái Bình Dương”, Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ. “Tổng thống Trump tin rằng một Ấn Độ mạnh là điều tốt cho Mỹ”, vị quan chức nói thêm.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Ấn vẫn được nhìn nhận với con mắt thận trọng ở New Delhi. Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đang đàm phán với Israel để mua máy bay không người lái, phòng trường hợp Mỹ không đồng ý. Ông Modi sẽ thăm Israel vào tuần tới. Thủ tướng Ấn Độ gần đây cũng thăm Nga, Pháp và Đức. Giới chuyên gia cho rằng ông đang chuẩn bị cho khả năng chuyến đi này đến Washington sẽ không giúp quan hệ Mỹ - Ấn nồng ấm như mong đợi.

“Ông Modi đã đầu tư rất nhiều vốn chính trị vào Mỹ kể từ khi ông lên nắm quyền”, ông Bharath Gopalaswamy, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận xét. “Người Ấn Độ vẫn tin rằng sự lãnh đạo của Mỹ ở khu vực này là quan trọng, và họ sẽ không thích sự lãnh đạo nào khác (ở khu vực). Nhưng họ cũng đang chủ động đặt ra nhiều lựa chọn”, Washington Post dẫn lời ông Gopalaswamy. 

MỚI - NÓNG